Du khách biết đến phố núi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) như một không gian du lịch mới nhiều ấn tượng bởi sắc xanh tự nhiên. Sự kết hợp giữa kiến trúc đô thị và hàng nghìn cây xanh cao lớn tạo điểm nhấn cho các cung đường, công trình công cộng làm nên không gian xanh rất riêng của miền Ban Mê. Việc bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị trở thành một trong những hướng quan trọng trong xây dựng điểm đến du lịch của Thành phố.
Thác Dray Nur hiện lên như một bức tranh sơn thủy đẹp tuyệt vời
Không gian đô thị xanh
Không gian xanh tại Buôn Ma Thuột đặc trưng bởi sự kết hợp hài hòa giữa cơ sở hạ tầng đô thị và các không gian tự nhiên vốn có của vùng. Bên cạnh các yếu tố sông, suối, hồ tự nhiên, hệ thống cây xanh tại Tp. Buôn Ma Thuột là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất tại đây. Dựa trên những điều kiện tự nhiên hiện hữu này, Buôn Ma Thuột đã từng bước kiến tạo để xây dựng nên một không gian xanh mát, mang lại cảm giác yên bình, thoải mái cho du khách khi lựa chọn nơi đây là điểm đến du lịch.
Theo Chủ tịch UBND Tp. Buôn Ma Thuột Trương Công Thái, Buôn Ma Thuột là một trong 10 thành phố xanh – sạch – đẹp nhất của cả nước. Điều này được minh chứng qua việc thành phố có không gian đô thị xanh ấn tượng, được bao phủ bởi diện tích đất cây xanh đạt 642,94ha.
Hệ thống cây xanh ấn tượng tại đây được quy hoạch phát triển trong các địa điểm công cộng, khu di tích, khu du lịch trong đó, có những cây có tuổi đời hàng trăm năm, gắn với những dấu ấn riêng của Thành phố. Đặc biệt, tại khu vực biệt điện của vua Bảo Đại, hai cây Long Não có tuổi đời hàng thế kỷ đã trở thành cây di sản vào năm 2014. Hiện nay, một trong hai cây long não này đã kết thúc tuổi đời cây nhưng những dấu ấn lịch sử gắn với vòng đời của cây đã trở thành ký ức đáng nhớ đối với nhiều người dân vùng Ban Mê.
Tại đây cũng có nhiều cây có kích thước rất lớn, gốc cây đồ sộ với chiều dài rễ lên tới chục mét. Tại cánh rừng đầu nguồn buôn Ky, phường Thành Nhất, cây gỗ tung được xác định là cây có kích thước lớn nhất tại Buôn Ma Thuột. Cây gỗ tung này có đường kính gốc bề thế, ước lượng trên 20 thanh niên trai tráng đứng vòng tròn nối tay nhau nhau ôm không xuể, chiều cao thân cây khoảng 50 đến 60m, bộ rễ ước tính gần 10m, cắm xuống mặt đất.
Già Siu Phi (63 tuổi) cán bộ lão thành cách mạng ở buôn Ky (phường Thành Nhất) từng chia sẻ, trước kia rừng đầu nguồn của buôn rộng khoảng 3ha với những cây gỗ quý như căm xe, cà te, bằng lăng, tung, sao… Bà con ở đây đã chọn nơi này làm bến nước để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Bây giờ, nơi đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn mọi người.
Sắc xanh bao phủ lấy không gian đô thị Buôn Ma Thuột
Không gian xanh của Tp. Buôn Ma Thuột còn gắn với sự hình thành buôn làng với những cái tên đặc biệt, được bao phủ bởi tán rừng già. Nằm bên bìa những cánh rừng già, các buôn làng này tuy chỉ còn rải rác nhưng hiện vẫn còn giữ được nhiều nét bản sắc như kết cầu nhà rông có phân chia các gian theo vai vế thành viên trong gia đình, cách xưng hô của những người trong bản, phong tục ăn uống, lễ hội,… Đây cũng là điểm mạnh để thành phố có thể tiếp tục bảo tồn và phát huy không gian bản sắc truyền thống gắn với sự phát triển của đô thị xanh.
Xây dựng kinh tế xanh Buôn Ma Thuột
Mang bản sắc riêng được tạo bởi hệ thống tự nhiên sông suối và các cánh rừng nguyên sơ hiếm có, kết hợp với không gian xanh được quy hoạch trong đô thị, Buôn Ma Thuột cũng đang phải đối mặt với những thách thức đến không gian truyền thống. PGS.TS Lưu Đức Cường, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia cho rằng, không gian mặt nước gắn với nó là không gian cây xanh xung quanh mặt nước là một thành tố quan trọng nhất của đô thị. Buôn Ma Thuột là đô thị có tài nguyên khá phong phú cả về nước mặt và nước ngầm với các dòng suối chảy trong lòng phố. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa tập trung cho phát triển kinh tế mà chưa chú ý thích đáng tới việc bảo tồn, bảo vệ không gian nước. Đây cũng là thực trạng phát triển chung của đô thị Việt Nam, không chỉ riêng Tp. Buôn Ma Thuột.
Thác Gia Long gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng Tây Nguyên
Trước đó, ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng cho rằng, Tp. Buôn Ma Thuột phải có không gian, kiến trúc phù hợp với bản sắc văn hóa của toàn khu vực Tây Nguyên. “Đã quy hoạch thì phải làm một cách tổng thể, đồng bộ, mang dấu ấn riêng. Việc quy hoạch phải tránh phá vỡ cảnh quan vốn có của Thành phố, nhất là hệ thống cây xanh, muốn phát triển bền vững thì trước hết phải thân thiện với môi trường” – ông Cường nhấn mạnh.
Bảo tồn và hình thành đô thị xanh cũng là hướng bảo tồn cho những giá trị đặc sắc của vùng. Đề xuất phát triển không gian buôn làng với lối kiến trúc, phong tục tập quán sinh hoạt đặc trưng bao đời nay trở thành hướng mở cho việc phát triển đô thị Tây Nguyên. Kiến trúc nhà dài Êđê có khả năng đại diện, gợi nhớ về bản sắc, yếu tố không thể trộn lẫn của Buôn Ma Thuột với bất kỳ địa phương nào trên cả nước.
Việc chú trọng phát triển các ngành dịch vụ gắn với nông lâm nghiệp như các tour du lịch gắn với việc tham quan vườn cà phê, cắm trại trong rừng cao su, trải nghiệm cuộc sống với đồng bào… cũng trở thành hướng đi mới cần được quan tâm hơn. Xây dựng Buôn Ma Thuột với một nền kinh tế xanh, có vùng sinh thái xanh đặc thù trong lòng và bao bọc đô thị cùng với các yếu tố bản sắc văn hoá, kiến trúc đặc trưng sẽ tạo ra một Buôn Ma Thuột độc đáo, mang đậm bản sắc riêng không thể hòa lẫn.
Khải Bình/ Báo Du lịch
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/sac-xanh-cua-mien-ban-me-20201001102900044.htm
|