(NSHN) - Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) hằng năm, người Việt có tục lệ làm bữa cỗ "giết sâu bọ" với hoa quả, bánh trái và không thể thiếu món cơm rượu nếp.
Người Việt Nam ăn Tết mùng 5 tháng 5 từ bao đời và ai cũng nhớ ấy là ngày Tết “giết sâu bọ”. Có lẽ trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh nên người xưa nghĩ cách phòng trừ.
Mới sáng sớm ngày mùng 5, nhiều đường phố Hà Nội vang vang tiếng rao rượu nếp. Tại các khu chợ dân sinh ở Hà Nội, hoa quả và rượu nếp được bày bán nhiều.
Chị Nguyễn Thị Thanh (ở chợ Đại Từ, quận Hoàng Mai) cho biết, chị dọn hàng từ 4h30 để bán rượu nếp cho các gia đình mua về thắp hương. Nhiều bà nội trợ đã rục rịch đặt cơm rượu nếp ngay từ phiên chợ ngày mùng 1 để đúng sáng mùng 5 là nhận rượu nếp vừa chín tới. Năm nay, giá các loại rượu nếp không thay đổi so với mọi năm, phổ biến ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg tùy theo nếp cẩm hay nếp cái.
Mít, vải thiều Thanh Hà, đào Lạng Sơn, dưa hấu Nga Sơn, hồng xiêm Xuân Đỉnh, dứa mật Phú Thọ..., rất nhiều chủng loại được bày bán khắp các chợ và giá cũng chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút. Năm nay nhuận hai tháng Tư nên hoa quả “chín” kỹ, đặc biệt là mận hậu đã cuối mùa nên giá lên đến 70-80 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng.
Ngoài chợ dân sinh, trên “chợ mạng” cũng phục vụ những set cỗ Tết Đoan Ngọ đầy đủ hương sắc. Chị Phạm Hồng Ngọc (Thụy Khuê, Tây Hồ) cho biết, do công việc bận rộn không có thời gian sắm sửa nên chị đặt một set cỗ diệt sâu bọ của một cửa hàng gồm 5 thức quà: mận Mộc Châu, vải thiều Lục Ngạn, hoa cúc vàng, cơm rượu nếp cẩm, cơm rượu nếp cái với giá 168 nghìn đồng/set, giao hàng đúng sáng mùng 5 rất tiện lợi.
Hoa quả rửa còn bóng nước, rượu nếp đơm thơm rựng, thắp hương xong vừa lúc cả nhà thức dậy, mọi người súc miệng rồi tiến hành “giết sâu bọ” ngay.
Người xưa quan niệm, thường ngày sâu bọ ẩn sâu trong bụng, chỉ ngày Đoan Ngọ mới ngoi lên, vì thế phải dùng thức ăn để diệt trừ chúng. Mỗi người sẽ ăn một bát rượu nếp khiến sâu bọ say lử, sau đó ăn các trái cây có vị chua chát để trừ độc.
Theo phong tục cũ, nhiều nhà còn soạn cỗ cúng gia tiên vào buổi trưa với món thịt vịt. Ngày nay, mặc dù tục lệ cúng gia tiên không còn cầu kỳ nữa, song Tết “giết sâu bọ” vẫn thịnh hành vì là một phong tục cần được gìn giữ.