Nơi lưu giữ văn hóa truyền thống Nơi lưu giữ văn hóa truyền thống , Người xứ Nghệ Kiev
04/06/2020
(HNM) - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 30km, nhưng dường như "cơn lốc" đô thị hóa chưa đến xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) - nơi còn lưu giữ không gian văn hóa làng quê truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình và nhiều phong tục, tập quán lâu đời. Gắn với xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp làm nền tảng cho sự phát triển.
Những nét đẹp riêng có
Rời phố thị ồn ào, đến xã Cần Kiệm, chúng tôi cảm nhận được sự thư thái bởi phong cảnh làng quê yên bình. Nét quê hiện hữu ngay trung tâm làng Yên Lạc (xã Cần Kiệm) với cây đa 9 gốc tỏa bóng xuống một không gian rộng lớn. Bà Kiều Thị Hương ở thôn Yên Lạc 1 cho biết, cây đa 9 gốc có tuổi đời 500 năm, gắn bó với nhiều thế hệ người dân trong làng. Trong những ngày hè oi nóng, quanh gốc đa luôn có người ngồi hóng mát, trẻ nhỏ vui đùa…
Theo Trưởng thôn Yên Lạc 1 (xã Cần Kiệm) Kiều Trung Thành, làng Yên Lạc có 3 thôn (1, 2, 3) với 1.500 hộ dân. Cùng với cây đa, làng còn có đình và giếng nước cổ. “Giếng làng Yên Lạc có nước trong và mát. Trước đây, dân làng vẫn ra giếng gánh nước về ăn. Cây đa, bến nước, sân đình là quần thể gắn bó mật thiết, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của những người con quê hương”, ông Thành chia sẻ.
Cùng với không gian văn hóa làng, tại thôn Phú Lễ (xã Cần Kiệm) có nhiều phong tục, tập quán từ xa xưa vẫn được lưu giữ, đó là tục ăn trầu. Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ Đặng Văn Lập cho biết: Người dân Phú Lễ không kể già, trẻ, trai, gái đều thích ăn trầu. Bởi vậy, sân trước, vườn sau của gia đình nào cũng có vài cây cau và giàn trầu xanh mát mắt. Ngoài ra, Phú Lễ còn lưu giữ được tục báo hiếu cha mẹ vào ngày mùng 3, tháng Ba (âm lịch). Ngày này, con cái trong nhà thường biếu cha mẹ những món quà để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục như con gà, hộp bánh...
Xã Cần Kiệm còn có con sông Tích uốn lượn qua nhiều thôn, xóm. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã làm những bến nước từ trên bờ dẫn xuống sông. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã còn khoảng 20 bến nước - là nơi người dân các thôn tắm, giặt quần áo, chăn, màn... và cũng là không gian văn hóa mang đậm chất quê. Không những thế, sông Tích còn mang lại nguồn lợi thủy sản cho người dân nơi đây. Đến nay, ở xã Cần Kiệm vẫn còn hàng chục người giữ nghề cào hến, bắt vẹm... Công việc rất đỗi bình thường nhưng đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời tô điểm không gian làng quê thêm đậm đà, đặc sắc…
Truyền thống và hiện đại đan xen, hài hòa, làm nên một nét đẹp riêng có của làng quê Cần Kiệm.
Bảo tồn và phát triển
Những nét đẹp của truyền thống văn hóa đang được phát huy trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ cho biết, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã đóng góp 15,5 tỷ đồng cùng hơn 13.300 ngày công lao động, đặc biệt có 192 hộ gia đình đã hiến 3.913m2 đất thổ cư và đất vườn để mở rộng các công trình phúc lợi. Và mới đây, 10 hộ gia đình của thôn Yên Lạc 2 đã đăng ký với UBND xã sẽ hiến 340m2 đất để mở đường đi vào Nhà văn hóa thôn.
Năm 2019 vừa qua, xã Cần Kiệm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, ngành nghề nông thôn phát triển, đặc biệt là nghề mộc, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để tô điểm thêm cho không gian truyền thống làng quê, những tuyến đường hoa, cây xanh cũng được trồng ngày càng nhiều hơn trên địa bàn toàn xã. Riêng tại thôn Phú Lễ, 1km đường (trên là hoa ban, dưới là hoa chiều tím) đã hình thành từ những nỗ lực của Hội đồng niên sinh năm 1981 của thôn.
Xác định những giá trị truyền thống là một phần không thể thiếu và là nền tảng để phát triển, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã Cần Kiệm đặc biệt chú trọng bảo tồn phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như không gian làng quê. Hiện, cây đa 9 gốc ở làng Yên Lạc đang được xã Cần Kiệm hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là Cây di sản. Nhà lưu niệm Bác Hồ, các công trình tín ngưỡng như đình, chùa... cũng được đầu tư tôn tạo ngày một khang trang.
Mới đây, UBND xã Cần Kiệm đã đề xuất với huyện Thạch Thất xây dựng tour du lịch tâm linh với quần thể: Chùa Tây Phương, chùa Cực Lạc, Nhà lưu niệm Bác Hồ, tượng đài Núi Nứa và cụm đình làng, giếng cổ, cây đa 9 gốc làng Yên Lạc... Người dân Cần Kiệm tin tưởng với việc mở tour du lịch tâm linh sẽ vừa bảo tồn, lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, vừa thúc đẩy kinh doanh, dịch vụ phát triển. Cùng với đó, chính quyền xã Cần Kiệm đã có nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy những phong tục, tập quán đẹp của miền quê thân thương giàu đẹp, văn minh.