Bánh trứng kiến
|
Lên Cao Bằng vào mùa xuân du khách không thể nào không nếm thử bánh trứng kiến – món ăn vô cùng đặc sắc mà chỉ có ở các vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Miếng bánh béo ngậy thơm mùi nếp nương, mùi lá vả và đặc biệt là phần nhân làm từ thịt lợn ngon và trứng kiến non tròn mẩy hòa quyện lại với nhau làm nên một món ăn “ quyến rũ “ lòng người không chỉ về hình thức mà cả hương vị của nó.
Bánh trứng kiến có nguồn gốc xa xưa từ người Tày mạn Cao Bằng, Bắc Kạn. Cứ tầm tháng 4 đến tháng 5 dương lịch ( mùa Kiến đen rừng đẻ trứng). Phụ nữ Tày khéo lắm, để lấy được mớ trứng kiến non, người ta phải lên mãi trên rừng tìm ổ kiến, Kiến thì có nhiều loại, nhưng chỉ có trứng của loại kiến thân màu nâu, bụng màu đen kích thước to gấp 4-5 lần kiến thường là ăn được. Chúng thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa hay găng. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn. trứng sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo xào chung với một ít thịt lợn băm thì nhân sẽ ngon hơn. Bánh thì được làm từ gạo nếp nương hạt tròn mẩy, gạo nếp ngâm từ 8-10 tiếng và xay thành bột. Lá Vả bọc bột bên ngoài phải chọn lá nhỏ vừa phải, không quá già cũng không quá non, miếng bột trải ra chiếc lá vả mỏng vừa phải, cho nhân trứng kiến vào và hấp cho bánh chín.
Sau khi bánh chín, để cho đẹp mắt người ta sẽ cắt bánh thành những miếng vuông vức bày ra trên đĩa. Miếng bánh chứa đựng tình cảm của người làm ra nó, cũng là nét ẩm thực rất riêng của đồng bào dân tộc. Ngoài bánh trứng kiến người dân nơi đây cũng làm xôi trứng kiến, rượu ngâm trứng kiến hay nộm trứng kiến.
(Theo Báo Văn hóa)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/banh-trung-kien--mon-ngon-nho-lau-20200401104455015.htm