Tháng 3, Hà Giang vẫn rực rỡ sắc hoa mận, đào, cải, và thêm cả màu đỏ rực như ánh lửa của hoa gạo (mộc miên). Ngay đoạn đường xuống sông Nho Quế, bạn đã có thể ngắm những bông gạo khoe sắc đỏ thắm in trên nền nước xanh như ngọc.
Những góc nhìn khác nhau từ nhiều điểm ở Mã Pì Lèng, sẽ cho bạn những cảm nhận tuyệt vời, với nhiều cung bậc cảm xúc, lẫn màu sắc khác nhau
Xem Video: Hoa gạo (Mộc Miên) - Miếu Bà Cô, xã Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang [Flycam]
Bao giờ cho đến tháng 3
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn.
Tháng 3, hoa gạo bắt đầu nở rộ báo hiệu thời khắc giao mùa giữa xuân và hạ. Ai cũng mong chờ những "ánh lửa" đỏ đó được thắp lên cho không gian bớt ẩm ướt sau những ngày mưa phùn, cho trời đất thêm rộn ràng cùng vạn vật sinh sôi trong tiết chuyển mùa của năm mới. Đó cũng là mốc thời gian cho những ai yêu hoa lên đường ngắm sắc đỏ của mộc miên.
Tháng 3, Hà Giang vẫn rực rỡ sắc hoa mận, đào, cải, và thêm cả màu đỏ rực như ánh lửa của hoa gạo. Dọc theo những con dốc từ Quản Bạ đi Đồng Văn, mèo Vạc, những cây gạo sừng sững giữa núi rừng bung nở cánh hoa đỏ rực trên những cành khẳng khiu trụi lá. Có những vạt núi, hoa gạo nở đỏ cả một khoảng trời. Bạn có thể dừng chân bất kể chỗ nào để chớp lấy những tấm hình có sắc đỏ ấy. Mỗi một khoảnh khắc bên núi rừng, bạn lại có thêm hình ảnh khác nhau về vẻ đẹp của Hà Giang, mà hiếm đâu có được.
Những cây gạo đỏ chạy dọc từ đỉnh núi đến sát bờ sông Nho Quế, như những đường thêu trên váy cô gái mông
Chỉ với khoảng 300-400 nghìn đồng, bạn có thể thuê chọn gói 1 chiếc thuyền để lênh đênh khám phá dòng sông với hẻm Tu sản hùng vĩ và ngắm hoa gạo bên sông
Sau hành trình từ Tp.Hà Giang tới đoạn đèo Mã Pí Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” hiểm trở nhất của vùng núi phía Bắc Việt Nam, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, hít thở không gian bao la và trong lành, ngắm nhìn sự chuyển sắc đến kỳ lạ của núi rừng. Những góc nhìn khác nhau từ nhiều điểm ở Mã Pí Lèng, sẽ cho bạn những cảm nhận tuyệt vời, với nhiều cung bậc cảm xúc. Ấy là khi bạn phóng mắt về phía bên kia dãy Sam Pun, núi rừng đại ngàn như được khoác lên mình tấm áo choàng màu đỏ. Những cây gạo đỏ chạy dọc từ đỉnh núi đến sát bờ sông Nho Quế, như những đường chỉ thêu trên váy cô gái mông. Cảm xúc của bạn sẽ tuôn trào khi bạn chạm tới sông Nho Quế, lướt nhẹ trên mặt nước xanh như Ngọc, ngắm màu đỏ rực rỡ hai bên sông, tận tay hứng bông gạo rụng xoay xoay trong gió. Ngay lúc đó, bạn sẽ cảm nhận được như đã chạm được vào trái tim của núi rừng, của dòng sông.
Để xuống sông Nho Quế, bạn đi tới cuối con đèo Mã Pí Lèng, từ đây bạn có thể đi bộ theo triền núi xuống bến thuyền. Ngay đoạn đường xuống sông, bạn đã có thể ngắm những bông gạo khoe sắc đỏ thắm in trên nền xanh ngọc của sông Nho Quế. Chỉ với khoảng 300-400 nghìn đồng, bạn có thể thuê chọn gói 1 chiếc thuyền để lênh đênh khám phá dòng sông với hẻm Tu sản hùng vĩ.
Từ dòng sông, bạn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ
Vài năm trước, sông Nho Quế không hiền hòa như bây giờ. Để tới hẻm vực Tu sản (thuộc xã Pả Vi, huyện mèo Vạc), hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, với chiều cao vách đá cao 800m, dài 1,7km và sâu gần 1km, là thử thách của nhiều người. Kể từ khi Nho Quế được chặn làm đập thủy điện, sông trở nên yên ả, hẻm Tu sản đi lại dễ dàng hơn bằng thuyền máy. Từ đây, thêm cơ hội cho nhiều người được ngắm hoa gạo hai bên sông Nho Quế. Tháng 3 chính là thời điểm hoa gạo bung nở đẹp nhất và cũng là thời điểm sông Nho Quế lung linh sinh động nhất.
Con thuyền thật nhỏ bé dưới chân vực, lặng lẽ chầm chậm trôi trong tĩnh lặng của không gian, đưa bạn tới hẻm vực Tu sản. Hai bên vách vúi cao vời vợi, ngút tầm mắt là màu đỏ, trắng, vàng, xanh của rong rêu lẫn màu cây rừng, của lớp đá vôi trắng trộn với sắc vàng của áng hoàng hôn cuối cùng rớt lại.
Một không gian mênh mang khác hiện ra khi chiếc thuyền vượt qua hẻm vực. Đó là những dãy núi được thắp bằng màu đỏ hoa gạo như ngàn ánh nến lung linh. bức tranh thiên nhiên thêm sinh động khi bạn thích thú thấy thấp thoáng đàn dê được người dân thả rông, bạo dạn ra sát mép nước sông kiếm ăn. Bên sườn núi, bóng người dân cặm cụi làm rẫy trong tiếng mõ trâu lách cách vọng lại đâu đó.
Khi chiều tà đẩy những heo may, sương giá lành lạnh xuống những rặng núi, hoa gạo như thắp lửa, làm ấm lòng những lữ khách còn rong ruổi trên cũng cung đường hiểm trở giữa núi rừng Hà Giang.
Tháng 3, những ai yêu sắc đỏ mộc miên, hãy nhớ tới những cây gạo mọc trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang!