Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của năm mới. Ảnh: Internet
|
Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, vì sau ngày này còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười).
Vào ngày này, nhiều nhà chùa diễn ra các lễ hội từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, từ đồng bằng Bắc Bộ cho tới miền Tây Nam Bộ.
Vì thế mà tháng giêng chẳng những được coi là tháng ăn chơi, mà tháng giêng là tháng mà ai ai cũng nghĩ đến việc đi chùa đầu năm để thành tâm khấn nguyện cầu an lành và may mắn cho cả năm, là tháng để mọi người chăm sóc đời sống tâm linh mình mong khởi sự cho một năm làm việc mới.
Xét về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng còn được xem là 1 lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là 1 nước thuần nông, tháng giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu.
Bên cạnh đó, trong 12 tháng rằm, tháng giêng mang về nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như tết Nguyên tiêu, Thượng nguyên, Nguyên dạ … đó là do bắt nguồn từ sự giao lưu, tiếp nhận từ nền văn hóa Trung Hoa cùng sự kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa.
Với người Trung Quốc, rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu với lễ hội cúng Hoa Đăng, làm bánh trôi. Theo lịch sử, bắt nguồn từ năm 180 trước Công nguyên, vua Hán Văn – nhà vua đời Tây Hán của Trung Quốc được lên ngôi đúng vào ngày rằng tháng Giêng.
Để chúc mừng và kỷ niệm ngày này, nhà vua Hán Văn quyết định lấy ngày rằm tháng Giêng là ngày hội Hoa Đăng. Hàng năm vào tối ngày rằm, nhà vua đều ra khỏi cung để đi dạo cùng chung vui với người dân. Vì thế, vào ngày này, nhà nào nhà nấy và trên khắp các ngả đường, thôn xóm đều treo đủ các loại đèn với muôn hình muôn vẻ để mọi người thưởng thức.
Theo Nho học thì xưa ngày này còn được gọi là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. Từ đó về sau lễ hội tết Nguyên Tiêu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân.
Vào những thế kỷ đầu công nguyên, cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam và truyền thống văn hóa này được tiếp nhận vào nước ta, trở nên sự hài hòa văn hóa giữa 2 bản sắc du nhập và bản địa. Vì vậy, ngày rằm tháng Giêng là 1 ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, theo truyền thống Phật giáo thì ngày rằm tháng giêng mang ý nghĩa rất lớn..
(Theo bnews.vn)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/y-nghia-ngay-ram-thang-gieng-20200207155243349.htm