Nghệ nhân so chiêng, chỉnh tiếng trước khi diễn tấu
|
Linh hồn của di sản Tây Nguyên
Xưa kia, chiêng Lào (còn gọi là chiêng Lao), chiêng Campuchia (còn gọi là chiêng Cur) không thiếu, nhưng đồng bào sống trên dọc dải Trường Sơn và vùng Tây Nguyên vẫn tín nhiệm, ưa thích loại chiêng do chính người Kinh sản xuất ra gọi là chiêng Doanh. Những năm mùa màng bội thu, đời sống khá giả, đồng bào miền núi luôn có nhu cầu mua sắm cồng chiêng để sử dụng trong các lễ hội và làm tài sản lâu dài cho gia đình. Lý do đồng bào Tây Nguyên thích chọn lựa loại cồng chiêng của người Kinh làm ra vì những bộ chiêng đồng bào mua về có thanh âm đúng theo cảm âm của từng dân tộc.
Bởi vì, trong nghề đúc cồng chiêng, việc thẩm âm, lấy tiếng cho chiêng là công đoạn khó nhất, không phải nghệ nhân nào làm cũng được. Muốn chế tác được một bộ chiêng đúng với thang âm và bản sắc của từng dân tộc, ngoài những bí quyết của làng nghề, người thợ phải trực tiếp đến với vùng Tây Nguyên, thâm nhập vào từng vùng, từng dân tộc, thậm chí từng nhóm địa phương, tiếp xúc với các nghệ nhân chơi chiêng và thực sự hiểu được văn hóa cồng chiêng của họ mới có thể biết mình sẽ phải chế tác như thế nào, để sau khi mua về những sản phẩm này có thể sử dụng được, chỉ cần chỉnh thêm chút đỉnh để hợp với tai nghe của người chơi chiêng.
Bên cạnh thẩm âm, người ta còn phải biết phục hồi, chỉnh sửa những chiếc cồng chiêng bị hỏng. Thoạt trông, những chiếc chiêng tưởng khó hư hỏng nhưng kỳ thực, chúng lại dễ bị “bệnh”, phai lạc tiếng, âm thanh không còn độ chuẩn xác. Khi đánh lên âm thanh không hòa hợp cả bộ, do bà con cất giữ không cẩn thận, để bụi bẩn bám vào hay di chuyển nhiều dẫn đến mặt trong và ngoài của các bộ chiêng bị cong, vênh hoặc méo mó.
Nghệ nhân Xơ Đăng đang chỉnh chiêng
|
Trái tim say mê âm nhạc dân tộc
Nếu không biết chỉnh sửa thì những chiếc chiêng ấy không còn giá trị, chẳng khác chi một thứ đồng nát. Nhưng nếu được chỉnh sửa thì nó sẽ phục hồi âm sắc như lúc ban đầu. Trong mỗi buôn làng thường có một vài người biết sửa chữa chiêng, người Êđê gọi là Pô kmal ching, người Mnông gọi là Bu nuih chrai chưng. Những nghệ nhân chỉnh chiêng luôn được dân làng kính trọng, họ tin rằng những người đó được “Yàng cho âm thanh” mới làm được nghề cao quý này. Người Mnông có câu tục ngữ sau: “Chiêng không kêu ta sửa một ngày/ Cồng mất tiếng ta chỉnh một ngày/ Voi còn bướng ta tập một ngày”.
Mỗi nghệ nhân đều có bộ đồ nghề gồm nhiều vật dụng thô sơ như chiếc kéo cắt sắt thép, các loại búa nhỏ nặng chỉ vài gam được làm bằng gỗ (hoặc sắt) được quấn kỹ bằng lớp dây cao su, một khúc gỗ làm bàn kê, hòn đá non lấy từ suối… Mỗi dụng cụ có tác dụng khác nhau, ví như chiếc búa được dùng để gõ, nắn lại mặt chiêng bị cong, vênh, làm cho chiếc chiêng trở lại hình dạng ban đầu. Miếng đá mỏng dẹt có chức năng dễ dàng chà sạch những chất bẩn bám dính bên trong và ngoài bề mặt chiếc chiêng, không để lại vết trầy xước, trả lại âm thanh nguyên sơ ban đầu.
Hiện nay, nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng thì khá nhiều nhưng những người biết thẩm thấu, chỉnh sửa cồng chiêng thì chỉ có số ít. Họ có đôi tai nhạy bén và trái tim luôn say mê với vốn âm nhạc của dân tộc mình. Nghệ nhân thẩm âm cồng chiêng thực sự là vốn quý của tài sản nhân văn Tây Nguyên, giúp giữ gìn, duy trì Không gian văn hóa cồng chiêng - được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một số nghệ nhân thẩm âm các dân tộc Tây Nguyên đã được vinh danh, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú.
Tấn Vịnh/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ban-so-tieng-chieng-buon-lang-20200116141220483.htm