Nhảy lửa của người Pà Thẻn
|
Lửa thiêng trong đời sống tâm linh các dân tộc việt Nam
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhiều dân tộc có tục thờ thần lửa với cách thức, hình thức, mức độ thể hiện khác nhau. Tục thờ thần bếp, thắp nhang (hương), thắp đèn, nến hay đốt mã trong nhiều nghi thức cúng hay trong các lễ hội của hầu hết các cộng đồng dân tộc Việt Nam là một trong những dấu hiệu rõ nhất, phổ biến nhất của tục thờ thần lửa. Cùng với nước, lửa là đại diện cho những vị thần được tôn kính, có sức mạnh phi thường và đem đến cuộc sống ấm no, sung túc, an lành. Mặt khác, lửa còn có ý nghĩa là nguồn năng lượng tốt, mạnh mẽ nhất ngăn các năng lượng xấu, xua đuổi tà ma và cầu nối giữa thế giới người sống và thế giới người chết. Lửa cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng trong quan niệm về ngũ hành. Tuy nhiên, dù lửa được thờ quanh năm ở nhiều dân tộc nhưng không phải dân tộc nào cũng có lễ cúng hay lễ hội dành riêng cho nó.
Trong cổ ngữ Việt Mường, tiếng “táo” có nghĩa gốc là “tá”, chỉ các vị thần thuộc dòng lửa (như Tá Cần, Tá Cài…). Dân tộc Kinh có tục thờ ông Táo và nghi thức cúng ông táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, đặc biệt, tục lấy lửa ngày Tết ở Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vào đúng đêm giao thừa tại đình làng với ý nghĩa xin lửa của Thánh được các gia đình luôn giữ không để tắt trong suốt 4 ngày Tết ở bàn thờ và ở bếp.
Không chỉ người Kinh, nhiều dân tộc như người Tày, người Thái, người Mường… đều có nghi lễ này, coi bếp là thần linh với những kiêng kỵ và lễ nghi chặt chẽ. Mỗi dân tộc có những quy định và nghi lễ khác nhau nhưng nhìn chung, khi dựng xong nhà mới, muốn dọn về ở thì bao giờ cũng có nghi lễ, làm bếp, nhóm lửa và cúng thần bếp. Các cộng đồng bản địa Tây Nguyên cũng rất coi trọng vai trò của thần lửa. Trong các lễ hội, lửa luôn được đốt thành đống to tại sân chung. Ngọn lửa thiêng phải được lấy từ nhà cộng đồng (nhà Rông), già làng khấn vái xin được phép đốt và được thắp suốt mùa lễ hội để truyền hơi ấm và sức mạnh cho dân làng. Đồng thời, bếp lửa cũng luôn được chủ thể văn hóa coi trọng, coi là nơi trú ngụ của thần linh nên trong tất cả các nghi lễ về tín ngưỡng, tâm linh, không bao giờ thiếu nghi lễ bôi huyết con vật hiến tế xung quanh bếp lửa.
Ở một số dân tộc như Dao, Pà Thẻn, Chăm… lại có cả một lễ hội được lưu truyền gần như trọn vẹn sự nguyên sơ của nó với những nghi lễ, những quy tắc kiêng cữ chặt chẽ cùng yếu tố tâm linh kỳ bí trong thờ thần lửa.
Bí ẩn và sự linh thiêng của những nghi lễ về lửa
Người Dao ở Hà Giang, Điện Biên và người Chăm ở Ninh Thuận (Lễ hội Rija Nagar hay còn gọi là lễ hội đạp lửa) có Lễ hội lửa cầu may của mình vào đầu năm mới, mở đầu cho ngày Tết âm lịch. Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang (huyện Bắc Quang và Quang Bình - tỉnh Hà Giang và Chiêm Hóa) lại có tục nhảy lửa vào tháng Giêng. Đây là những lễ hội mang đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí.
Theo truyền thống của người Pà Thẻn (Hà Giang), nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Ngoài việc tổ chức để cầu may, người Dao đỏ ở Hà Giang, Điện Biên thường tổ chức lễ hội này vào các lễ cấp sắc của thầy Tào, lễ trưởng thành cho những thanh niên trọng cộng đồng. Cộng đồng người Chăm thực hiện nghi lễ múa lửa theo lời hứa cho cha ông mình trước thánh mẫu Po Inư Nưgar, thượng đế “Pô Aloăh” và linh hồn tổ tiên. Khác với các cộng đồng người Dao, Pà Thẻn, người nhảy lửa là nam giới (bất cứ ai) thì trong nghi lễ múa đạp lửa của người Chăm lại do thầy múa lễ (được gọi là Ka-ing) thực hiện.
Các dân tộc tổ chức lễ hội lửa nhằm tạ ơn trời đất, thần linh hay tổ tiên đã cho một mùa vụ tươi tốt và cũng cầu mong mùa vụ mới bội thu. Những tà ma cùng rủi ro sẽ nhường chỗ cho sự may mắn.
Múa lửa của thầy Ka-ing trong Lễ hội Rija Nagar của người Chăm
|
Nét chung sự kỳ bí của những lễ hội này là người thực hành nghi lễ là nam giới đi chân trần và nhảy múa trực tiếp lên than đang cháy đỏ mà không hề bị bỏng hay chịu bất kỳ tổn thương gì. Trước khi thực hành nhảy múa trên lửa, người thực hiện đều tiến hành hay được tiến hành những nghi lễ cúng theo quy định. Đây là cách họ nhận được nguồn năng lượng đặc biệt trong một không gian văn hóa tâm linh đậm đặc với tâm niệm các thần, tổ tiên đã nhập vào những người đó. Và họ chính là người đại diện cho cộng đồng giao thoa với thần linh để cầu xin những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Thầy cúng Sìn Văn Phong (thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) cho biết: Khi đã được phù phép, các chàng trai sẽ có được lòng dũng cảm và tin tưởng đã được thần linh che chở, bảo vệ khỏi bị bỏng. Mỗi người có thể tham gia nhảy nhiều lần, thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn.
Đây đều là tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, với niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên, nó chứng tỏ sức mạnh và ước mơ chế ngự thiên nhiên và là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của chủ thể văn hóa. Nét văn hóa đặc sắc này đang được bảo lưu, gìn giữ và thu hút sự tìm hiểu, khám phá của du khách trong du lịch văn hóa.
Mộc Miên/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/bi-an-nhung-le-hoi-nhay-lua-cua-cac-cong-dong-dan-toc-viet-nam-20191125092436887.htm