Dù rất coi trọng phong tục thờ cúng tổ tiên, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân miền Tây phải đi làm ăn xa nên không thể chu toàn được như mong muốn .
Đối với những gia đình có bàn thờ trong nhà thì phải thắp hương hằng ngày
Kỳ 1: Báo mộng từ những bàn thờ không nhang khói
Mẹ “về” trong giấc mơ
Cũng như các địa phương các trên mọi miền tổ quốc, người dân miền Tây cũng rất coi trọng phong tục thờ cúng tổ tiên. Thế nhưng do cuộc sống mưu sinh, nhiều người cũng không thể chu toàn được trọn vẹn như mong muốn của bản thân. Hiện nay, ở khắp các vùng nông thôn của tỉnh Cà Mau, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất nên đã phải tạm rời quê nhà để đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Có trường hợp mỗi năm, hoặc vài năm chủ nhà mới trở về quê một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều trường hợp gia đình có 5 – 7 người đều phải đi lao động xa quê.
Như gia đình ông trần Văn Nút, ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, có 5 người thì tất cả đều lên tận tỉnh Đồng Nai làm công nhân đến nay đã trên 5 năm. Tính đến bây giờ, gia đình ông Nút chỉ về lại quê hương được đôi lần. Thông thường, vào dịp Tết Nguyên đán họ mới về, còn những ngày cúng giỗ ông bà, cha mẹ thì ông Nút nhờ chị gái ở quê trực tiếp cúng giỗ và nhang khói.
“Vì cảnh nghèo, buộc gia đình tôi phải lên Đồng Nai làm thuê. Tuy vất vả, cực khổ nhưng đổi lại, người ta trả công tương xứng với việc mình làm, cuộc sống có phần ổn định hơn ở quê. Tôi định làm vài năm nữa, tích góp được một số vốn thì về quê làm ăn, sống qua ngày, chứ mình già rồi không làm công nhân mãi được”, ông Nút chia sẻ về việc không thể tự mình thực hiện những nghi lễ theo phong tục thờ cúng của người miền Tây.
Qua lời kể của ông Nút, chúng tôi được biết ông là con trai út ở quê, được gia đình giao việc thờ cúng, nên trong nhà có khoảng 3 bàn thờ. Vì thế, ông Nút không thể mang theo lư hương của ông bà, tổ tiên lên tận Đồng Nai để thờ được.
“Chỗ thờ cúng không thể muốn đem đi đâu thì đem, muốn thờ đâu thì thờ. Nếu muốn di dời, phải làm mâm cỗ cúng kiếng, vái lạy rồi mời sư thầy về làm lễ. Theo quan niệm dân gian, trước khi chết, ông bà ta thường có nguyện vọng được thờ ở đâu thì ở yên chỗ ấy. Do đó, nếu tự tiện di chuyển chỗ thờ, có khi ông bà không chịu đi và sẽ bị quở trách, nhẹ thì bị bệnh tật vài hôm, nặng hơn thì gặp nhiều chuyện xui rủi. Nếu tôi định cư trên đấy thì có thể xin phép bà con, thân tộc để chuyển bàn thờ ông bà lên đó thờ cúng, nhưng tôi làm vài năm nữa cũng về, nên đành nhờ chị gái tạm thời thờ cúng giúp “, ông Nút nói.
Ngôi nhà cửa đóng, then cài vì gia chủ đi làm ăn xa
Thương em vì hoàn cảnh nghèo khó, phải đi làm ăn xa nên bà trần Thị R. (chị gái ông Nút, ngụ huyện Cái Nước) đã thay em chu toàn việc nhang khói, thờ phụng và cúng kiếng cho ông bà, tổ tiên theo đúng phong tục thờ cúng của người miền Tây. “Tôi đã thỉnh bàn thờ về nhà mình thờ, khi nào em tôi về thì thỉnh ngược lại, chứ để cửu quyền lạnh lẽo thì rất kiêng kỵ. Cây có cội, nước có nguồn, đạo lý đó mình không thể quên được”, bà R. cho biết.
Theo bà R_, những trường hợp đi làm ăn xa và bỏ bê nhà cửa, bỏ bàn thờ ông bà lạnh lẽo sẽ bị cửu quyền quở trách. Còn gia đình bà vẫn có người lo nhang khói nên không sao. Có chăng, đêm nằm ngủ bà từng thấy người thân về báo mộng. “Có lần tôi mơ thấy má tôi về nói rằng nhớ thằng út, sao lâu quá không thấy nó về thắp hương. Khi đó, tôi vội ra bàn thờ, thắp hương cho má và khấn vái rằng, em nó khổ, phải đi làm ăn xa nên vài năm nữa em nó về thắp hương cho má”, bà R. nói.
Sáng hôm sau, bà R. vội làm cơm chay để cúng ba mẹ mình. “Đồng thời, tôi cũng nói cho em trai biết rằng nên cúng ba má để ba má phù hộ làm ăn dư dả rồi về. Việc cúng kiếng rất đơn giản, có gì cúng nấy thôi, chứ ông bà không đòi hỏi đâu. Tuy nhiên, mình phải thật thành tâm để ông bà tổ tiên thấy được lòng thành của mình, bỏ qua cho việc mình chưa làm tròn bổn phận, rồi phù hộ cho gia đình mình sung túc, êm ấm”, bà R. nói thêm.
Những chuyện trùng hợp đến rợn người
Bố mẹ anh Nguyễn Hoàng Gi_, ngụ TP_Cà Mau, tỉnh Cà Mau cũng đi làm tận Đồng Nai nên giao cửa nhà ở quê và việc cúng kiếng tổ tiên cho anh. Anh Gi. là nhân viên tiếp thị, thường xuyên phải đi xa để tiếp thị sản phẩm và thu hóa đơn hàng hóa. Để công việc đảm bảo, đôi khi vài ba hôm anh Gi. mới về nhà. Chính vì thế, việc cúng bái, chăm chút cho bàn thờ tổ tiên nhiều khi anh Gi. chưa làm tròn. “Tôi thường bị quở hoài à, khi thì mắc bệnh vặt, lúc thì ông bà báo mộng nhắc nhở nhớ thắp hương, đừng để bàn thờ hiu quạnh, lạnh lẽo khói nhang”, anh nói.
Anh Gi. kể, có lần anh đi làm xa, 2 ngày mới về nhà nên đêm nằm ngủ thì được ông bà báo mộng, nhắc nhở quan tâm đến bàn thờ cửu quyền nhiều hơn. Lẽ ra sau khi được báo mộng, anh G. phải khấn vái, cúng kiếng để chứng tỏ lòng thành nhưng vì công việc bận rộn nên anh quên mất việc đó. Thế là khoảng 10 ngày sau, anh Gi. bị sốt nhiều ngày liền, chẳng ăn uống được gì. “Lúc đó, tôi nhớ lại là mình từng bị ông bà báo mộng nhắc nhở việc khói hương, mà tôi hết lần này đến lần khác quên hoài. Nghĩ rằng mình bị quở mắng nên tôi vội mua đĩa trái cây khấn vái, thắp hương cho ông bà, cửu quyền phù hộ hết bệnh”, anh Gi. cho biết.
Dù người dân miền Tây rất coi trọng phong tục thờ cúng nhưng nhiều bàn thờ nguội lạnh khói nhang vì gia chủ phải đi làm xa
PV TT&ĐS tìm gặp ông trần Văn H_, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP_Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Vào tháng 4 vừa qua, ông H. bị tai nạn giao thông ở Đồng Nai đến chấn thương sọ não mất trí nhớ tạm thời. Sau gần 10 ngày điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, ông H. được bác sĩ cho xuất viện để về nhà. Đến nay, trí nhớ của ông H. đã phục hồi. Ông H. kể rằng, trước khi gặp tai nạn giao thông, ông có nằm mộng thấy người thân hiện về nói rằng, bàn thờ ở nhà lạnh lẽo, cô quạnh vì không khói hương.
“Ông bà đã cảnh báo rồi mà tôi không nghe, vì nghĩ rằng con trai tôi ở cạnh đó sẽ thay tôi làm việc này khi tôi vắng nhà. Nhưng con tôi ở nhà cũng đi làm suốt, nhiều ngày mới về, ngày nào nó ở nhà thì thắp hương, vắng nhà thì không ai thắp. Do đó, tôi cũng không khấn vái luôn và hậu quả là tôi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, tưởng chết. Giờ nhớ lại, tôi vẫn còn lạnh sống lưng, một lần là tôi nhớ đời rồi”, ông H. kể.
Còn ông trần Văn C. (anh họ với ông H_) cho rằng: “Trước khi nó (ông H. – PV) gặp tai nạn, tôi nằm mộng thấy chú Tám (ba ông H_) nói rằng, ông bà cố than thở bàn thờ ở dưới quê lạnh lẽo, không ai nhang khói. Tôi có nói với nó nên đưa cho chế Ba của tôi thỉnh về thờ đi, rồi khi nào nó nghỉ làm về quê thì thỉnh lại, nhưng nó không nghe. Nó cãi rằng ở nhà đã có con nó thực hiện việc khói nhang rồi, ba nó linh quá tại sao không báo mộng cho nó mà báo mộng cho tôi. Nói không được nên tôi không xen vào, nhưng vài hôm sau thì nó gặp nạn”.
Ông C. cho hay, ông không quan trọng hóa vấn đề tâm linh nhưng đôi khi có những điềm báo khiến ông khiến ông cũng hoang mang. “Ông bà ta thường nói việc báo mộng là để cho mình biết trước sự việc sắp xảy ra mà né tránh tai ương. Nếu ai không tin hoặc xem thường việc báo mộng thì sẽ nhận hậu quả. Trường hợp thằng H. – em họ tôi, là một điển hình, nhưng nói nó không tin và cho rằng đó là sự trùng hợp”, ông C. thổ lộ.
Nói về sự việc trên, ông H. chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ đó là sự trùng hợp, nhưng khi nghe anh em kể lại thì tôi thấy điềm báo mộng có lý. Nếu tôi nghe lời anh em khuyên mà khấn vái cửu quyền thì tai nạn đã không xảy ra”.
Quan niệm dân gian cho rằng, ông bà tổ tiên dù khuất mặt nhưng lúc nào cũng dõi theo, quan sát mọi hành động của con cháu mình. Những sự việc xảy ra sau khi được báo mộng có thể chỉ là chuyện trùng hợp, chúng ta không nên tin tưởng quá đà, dẫn đến mê tín dị đoan. Nhưng phong tục thờ cúng, chuyện tôn trọng cửu quyền, nhang khói chu toàn cho ông bà đã khuất… là việc nên làm, để nhắc nhở con cháu về tinh thần hiếu đạo.