Ngư dân Lý Sơn cào rau chân vịt bên bờ biển
|
Rau câu chân vịt thường sống bám vào bề mặt rạng đá hay san hô và cách mặt nước từ 1-5m. Ở vùng biển ven bờ của đảo Lý Sơn, rau chân vịt khá nhiều. Vào buổi sáng sớm hay chiều, khi thủy triều rút, người dân vùng biển Lý Sơn lại mang rổ, liềm, dao để đi cào, cắt rau chân vịt nhỏ mang về chế biến làm thức ăn hoặc bán. Có người còn ngụp lặn dưới nước sâu tầm 1m để cào rau chân vịt.
Rau chân vịt có thể thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Vào đúng “mùa vụ”, bình quân mỗi ngày, một người có thể cào được khoảng 10 kg rau chân vịt tươi “xô” (chưa loại bỏ tạp chất). Giá bán rau câu chân vịt tươi “xô” tại đảo Lý Sơn hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg, còn sau khi đã phơi khô thì khoảng 100.000 đồng/kg. Rau chân vịt được cư dân vùng biển ví như là rau xanh. Các món được chế biến từ sản vật này vừa ngon lại bổ dưỡng, đặc biệt là dùng để nấu chè.
Khai thác rau chân vịt là một nghề truyền thống của ngư dân nơi đây. Ban đầu, địa điểm khai thác chủ yếu là vùng biển gần bờ. Sau đó, trong quá trình đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa, nhiều ngư dân Lý Sơn không khỏi sững sờ khi phát hiện loại sản vật này nhiều vô số.
Bên cạnh khai thác xung quanh bờ biển trên đảo Lý Sơn, cứ đến mùa, ngư dân Lý Sơn còn đưa phương tiện ra vùng biển Hoàng Sa để khai thác. Huyện đảo Lý Sơn hiện có trên 10 tàu thuyền chuyên đi khai thác sản vật này ở vùng biển Hoàng Sa.
Không cần đầu tư tiền tỷ để mua sắm ngư lưới cụ và thiết bị như đánh bắt các loại hải sản, tàu thuyền khai thác rau chân vịt chỉ cần một số thiết bị cơ bản để định phương hướng, liềm để cắt và vợt, rổ để đựng là có thể ra khơi hành nghề.
Thời gian gần đây, theo nhiều ngư dân ở Lý Sơn thì thay vì chở rau tươi về, các tàu khai thác rau chân vịt đóng thêm giàn tre để phơi cho khô, kéo dài thời gian khai thác lên cả chục ngày/chuyến, sản lượng khai thác nhờ đó tăng cao, thu nhập cũng nhiều hơn.
Ngư dân Lý Sơn còn dùng tàu thuyền ra biển Hoàng Sa khai thác rau chân vịt
|
Với thời gian ra khơi 10-25 ngày/chuyến, sản lượng rau chân vịt khai thác được gần 20 tấn/tàu. Sau khi trừ chi phí, với giá rau chân vịt khô bình quân 100.000 đồng/kg, tiền lãi thu về từ khai thác sản vật này khoảng 200 triệu đồng/tàu/chuyến. Mỗi tàu trung bình 7 người đi, mỗi người được chia lãi không dưới 20 triệu đồng/chuyến.
Theo ngư dân, hiếm có chuyến đi nào mà bị lỗ, chỉ có lãi nhiều hay ít mà thôi. Ngoài mang lại thu nhập khá cho gia đình, với nghề khai thác rau chân vịt ở vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Lý Sơn đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.
Rau chân vịt không thể nuôi trồng, mà chỉ có trong tự nhiên bởi vậy nó chứa rất nhiều dinh dưỡng quý như nguyên tố vi lượng với trên 20 loại hữu ích là sắt, đồng, kẽm, niken… Chất khoáng đa lượng như hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với bò sữa. Rong biển nói chung cũng như rau câu chân vịt nói riêng có chất xơ trong đó nổi bật là iốt (Nguyên tố vi lượng tối cần thiết cho tuyến giáp). Đặc biệt là hàm lượng Vitamin mà các loại rong biển khác phải thua xa đó chính là A, B1, B2, B6, C, D, E… Với vitamin A cao hơn cà rốt 2-3 lần, gấp 10 lần so với bơ, Vitamin B2 cao gấp 7 lần trong trứng , C,D cao hơn rau quả nhiều lần.
Khi đến Lý Sơn, món chè rau chân vịt là một trong những đặc sản ẩm thực mà du khách không thể bỏ qua.
Theo baodaknong.org.vn
Nguoofn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghe-khai-thac-rau-chan-vit-dao-ly-son-20191031091656095.htm