Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do.
|
Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: TTXVN |
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 nghìn quân địch. Thắng lợi của ta tại Điện Biên Phủ đã làm phá sản kế hoạch Nava, đồng thời làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tại Đông Dương.
Thắng lợi Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố mang ý nghĩa quyết định. Trên cơ sở quán triệt và hiện thực hóa đường lối, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị - tinh thần giữ vai trò quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh của các lực lượng tham gia chiến dịch, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, để giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
Để phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tập trung sức, tiến hành nhiều hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Đặc biệt, qua bức thư Bác Hồ gửi đến động viên cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận trước giờ nổ súng: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh huấn chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới...”. Những biện pháp công tác Đảng, công tác chính trị và bức thư động viên của Bác Hồ đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thấu triệt sâu sắc ý nghĩa của chiến dịch, ra sức xây dựng và nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, giành thắng lợi.
Kể từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, chưa bao giờ quân và dân ta phải đứng trước nhiệm vụ nặng nề như trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ là lực lượng phòng thủ mạnh, nên đòi hỏi chúng ta phải huy động lực lượng ra trận rất lớn và đem tinh thần anh dũng, sức chịu đựng gian khổ bền bỉ, khắc phục nhiều khó khăn, trở ngại hoàn thành nhiệm vụ.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thông qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng sâu sắc và công tác tổ chức chặt chẽ, thống nhất, liên tục, cùng với kết quả trong cuộc chỉnh quân chính trị hè năm 1953, “những tin vui” từ Đảng thực hiện triệt để giảm tô, cải cách ruộng đất, thực hiện “người cày có ruộng”… đã làm cho sức mạnh chính trị - tinh thần được nâng lên.
Trong thời gian làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch, nhân tố chính trị - tinh thần đã tạo ra sức mạnh lao động sáng tạo. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, phải tăng thêm bộ đội, dân công, thời gian chiến dịch kéo dài, khối lượng bảo đảm vật chất cho chiến dịch phải tăng thêm hai đến ba lần. Tuy nhiên, bộ đội cùng các lực lượng tham gia chiến dịch đã không lùi bước trước khó khăn: Mở đường vận tải và xây dựng công sự, hầm, hào; kéo pháo vào trận địa rồi lại kéo pháo ra xuyên qua rừng núi hiểm trở để chuẩn bị lại công sự trận địa, nhưng “gan không núng, chí không mòn”…
|
Một đoạn đường mô phỏng đường kéo pháo với những vết bánh xe, dấu giày của bộ đội và những tấm chèn bánh xe pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Trong suốt quá trình chiến dịch, với sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần, bộ đội ta đã thực hiện triệt để phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chiến đấu với tinh thần vô cùng dũng cảm. Dưới mưa bom của không quân, trong lưới lửa của pháo binh địch, quân ta đã anh dũng xung phong, đánh chiếm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, tiến công tiêu diệt địch trên những ngọn đồi phía Đông cứ điểm, phát triển trận địa, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích, thắt chặt vòng vây quân địch...
Vừa chiến đấu vừa xây dựng trận địa tiến công, bao vây đánh lấn trên tất cả các hướng Đông - Bắc - Tây - Nam, với nỗ lực phi thường không kể ngày đêm, bộ đội ta đã sáng tạo nhiều phương pháp chiến đấu, tiêu biểu như phong trào bắn tỉa, đánh lấn tiêu diệt sinh lực địch, hạn chế sức mạnh hỏa lực địch, triệt dần tiếp tế bằng đường không, làm cho phạm vi chiếm đóng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng thu hẹp lại... khiến cho tinh thần, ý chí chiến đấu của quân Pháp sa sút nhanh chóng. Báo chí phương Tây nhận xét: Với biện pháp vừa dũi đất và tự vệ có hiệu quả kỳ lạ, các vòi con bạch tuộc cứ vươn tới với tốc độ khủng khiếp. Do chọn được cách đánh thích hợp, đối phương (chỉ quân ta) đã tạo cho chiếc cuốc, chiếc xẻng của họ có một sức mạnh không kém xe tăng, máy bay của quân đội Pháp.
Suốt quá trình chiến dịch, các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã làm tốt công tác bảo đảm, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong lực lượng vận chuyển, có những nam thanh niên chở được hơn 300kg trên chiếc xe đạp thồ hay nữ dân công gánh được nửa tạ trên quãng đường hàng trăm km suốt mười ngày đêm không ngủ. Nhiều gia đình cha mẹ, con gái, con dâu đều tham gia phục vụ chiến dịch.
Dù phải chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng chúng ta đã kết hợp giáo dục với đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện, tư tưởng dao động, lệch lạc. Sau những trận thắng giòn giã là tư tưởng chủ quan, khinh địch. Sau đợt 2 chiến dịch, bộ đội thương vong lớn, quân số các đơn vị thiếu hụt chưa kịp bổ sung, đạn dược còn rất ít, lương thực dự trữ còn lại không nhiều, khẩu phần của cơ quan và một số binh chủng phải rút xuống, trong lúc địch tăng cường đánh phá các tuyến vận chuyển của ta, những trận mưa đầu mùa đã bắt đầu, làm xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực, ngại hy sinh, ngại khó khăn gian khổ trong bộ đội và dân công...
Trước tình hình này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triển khai ngay trước mặt trận một cuộc đấu tranh sâu rộng chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, phát huy tinh thần tích cực cách mạng và tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, nhằm bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ chính trị, chỉ huy các cấp đã có những biện pháp tiến hành giáo dục, động viên tinh thần, tư tưởng, đi đôi với giải quyết khó khăn cho bộ đội, qua đó củng cố quyết tâm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ, dân công tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách tiến lên giành thắng lợi. Nhân tố chính trị - tinh thần luôn được củng cố, tạo ra sức mạnh mới để quân ta tiếp tục phát triển trận địa tiến công, siết chặt vòng vây, bóp nghẹt dần quân địch, đánh chiếm sân bay, triệt hẳn nguồn tiếp tế của địch, gây cho địch thương vong ngày càng cao, khiến tinh thần cán binh địch suy sụp nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954.
Có thể nói, Điện Biên Phủ chính là nơi hội tụ của tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; thể hiện sự giác ngộ cách mạng và ý thức chính trị rất cao trước nhiệm vụ trọng đại trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam