Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Trở lại Hòn Đất Trở lại Hòn Đất , Người xứ Nghệ Kiev
 

Trở lại Hòn Đất

Gần ba mươi năm tôi mới có dịp quay lại Hòn Đất, địa danh luôn có sức lay động trong tâm trí mỗi người Việt Nam về một thời hào hùng của đất nước, nhất là với những ai đã đi qua những năm tháng chiến tranh.


Thắp hương trên bàn thờ chị Sứ tại khu tưởng niệm.
Thắp hương trên bàn thờ chị Sứ tại khu tưởng niệm.

Từ thị xã Rạch Giá, dọc theo quốc lộ 80, quang cảnh toàn vùng đã có nhiều thay đổi. Làng xóm trù phú, đông đúc. Những thị trấn tấp nập đời sống dân sinh. Nhiều công trình mới mọc lên trên mảnh đất là chiến trường ác liệt năm xưa. Đồng lúa chạy dài từ Tri Tôn vào tận vùng Nam Thái Sơn, qua Ba Hòn. Vùng biển Hòn Đất ngày nắng đẹp, nhiều tàu thuyền đang ra khơi. Những lò gốm nổi tiếng từ xa xưa đã góp phần làm nên Văn hóa Óc Eo vẫn đang tỏa khói. Những người thợ làm đá tài hoa ở Thổ Sơn đang mải mốt chế tác các sản phẩm mới… Một cuốc sống bình dị vậy thôi mà đã từng là mơ ước của mấy thế hệ con người nối tiếp nhau cầm súng chiến đấu trên mảnh đất này!

Chợt thấy lại trước mắt tôi quang cảnh Hòn Đất ngày ấy. Vùng đất chịu bao hy sinh mất mát sau mấy chục năm kháng chiến chống Mỹ lại vừa trải qua cuộc chiến tranh biên giới cận kề càng trở nên xơ xác. Những cánh đồng bị bỏ hoang. Con đường nhỏ nối với Hà Tiên nát nhừ vì bom đạn và xuống cấp. Vùng Bà Hòn không một bóng cây. Chợ thị trấn nghèo và thưa thớt… Cái ấn tượng sâu đậm nhất của những ngày ấy còn lại trong tôi là những con người.
 

Má Bảy Hương, mẹ chị Sứ bên mộ con - Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng - chị Sứ (ảnh chụp năm 1984).

Tôi nhớ mẹ Gấm với mái tóc bạc phơ, miệng nhai trầu, những buổi chiều của mấy chục năm về trước bình thản kể cho tôi nghe về cuộc đời mẹ và xã Nam Thái Sơn. Mẹ là Anh hùng LLVT, một trong 34 bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Hòn Đất. Cuộc đời đầy những biến động, hy sinh mất mát của bà tôi đã cố gắng kể lại phần nào trong cuốn “Quê Nam” do Nhà xuất bản Phụ nữ cho ra mắt bạn đọc vào năm 1985. Từ một cô gái nghèo ở Nam Định - cùng với nhiều người từ Thái Bình, Sơn Tây, bà theo cha mẹ vào Nam năm 1941 để đi phu đồn điền.

Địa danh Nam Thái Sơn ra đời chính từ tên ghép của ba vùng quê đó. Sinh ra trên đất Bắc, lớn lên ở miền Nam, mẹ Gấm đã cùng cả gia đình bươn chải làm ăn sinh sống và tham gia vào cuộc kháng chiến. Con gái duy nhất, con rể và hai người cháu ruột của mẹ đều là liệt sĩ. Câu chuyện mẹ Gấm ôm xác con, chị Nguyễn Thị Mai đi biểu tình ở Tri Tôn cùng bà con vùng Hòn mãi là một sự kiện tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước ở Hòn Đất. Tôi đã có một tuần bên mẹ, hằng ngày nghe mẹ kể chuyện, theo mẹ đi chợ Hòn Đất, về thăm bà con Nam Thái Sơn, được mẹ nấu canh cá rô cho ăn. Trong những câu chuyện mẹ kể, tôi nhận ra không chỉ phẩm chất dũng cảm hy sinh mà còn là tình yêu thuơng bao la của một người phụ nữ dành cho chồng, con, cháu và bà con làng xóm. Những lời mẹ kể về liệt sĩ Nguyễn Thị Mai chan chứa tình mẫu tử.

Chuyện mẹ một mình chèo đò vào tận U Minh, vượt qua vùng chiến sự để thăm các cháu; chuyện mẹ sẵn sàng đi tìm bạn đời mới cho chồng khi biết mình không còn khả năng sinh nở… đều để lại ấn tượng sâu sắc. Tôi nhớ mãi căn nhà nhỏ lợp mái tranh lúp xúp của mẹ không xa chợ thị trấn, nơi mẹ cùng cậu cháu ngoại duy nhất còn sống, Vũ Thành Tuyến, khi đó là cán bộ huyện đoàn. Hai bà cháu quấn quýt bên nhau gây dựng cuộc sống mới khi đất nước đã hòa bình, sau bao hy sinh mất mát của những người thân. Bây giờ, Vũ Thành Tuyến đã là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện.
 

Nhóm phóng viên chiến trường của TTXVN thăm Hòn Đất và chụp ảnh lưu niệm tại chân tượng đài khu mộ chị Sứ (tháng 4/2012).

Tôi nhớ má Bảy Hương, mẹ của anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng - chị Sứ. Buổi sáng của một năm đã xa ấy, tôi may mắn được đón má về thăm Hòn Đất. Biết tôi muốn viết về những nguyên mẫu của tiểu thuyết “Hòn Đất”, anh Sáu Chấp, Bí thư Huyện ủy, nhiệt tình đưa thuyền máy sang tận An Giang đón má cùng một số người thân về vùng Hòn. Anh cũng cho xe lên Rạch Giá đón bà Cà Sợi về để tạo nên một cuộc gặp gỡ hiếm có ở đây. Tôi đã theo má Bảy Hương, bà Cà Sợi cùng một số người thân khác vào thăm mộ chị Sứ ở Hòn Đất.

Cuộc chiến tranh chưa xa. Cả vùng Hòn còn xơ xác, tiêu điều. Nhưng khu mộ chị Sứ khi đó cũng đã được xây cất khang trang trên sườn núi, cách hang Hòn không xa và nhìn thẳng về phía những cánh đồng của xã Thổ Sơn. Bữa ấy, má Bảy Hương đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc đời của má, về người con gái rất mực hiền thảo, yêu thương, từ những năm tháng chị còn nhỏ ở với gia đình cho đến khi chị tham gia cách mạng. Má còn kể cả về mối tình đầu đã được hứa hôn của chị với anh Quang, một cán bộ cách mạng đã đi tập kết… Còn những người dân vùng Hòn thì kể cho tôi nghe về cuộc chiến đấu ác liệt trong vùng, về sự hy sinh anh dũng của người nữ anh hùng khi chị Sứ mới 25 tuổi. Hình ảnh chị bị bọn địch treo lên cây xoài, tra tấn đến chết vẫn không khai báo, nhờ đó mà các cơ sở vùng Hòn Đất mà chị trực tiếp tham gia gây dựng từ những năm đen tối nhất vẫn được an toàn.

Tôi sẽ không bao giờ quên gương mặt đau đớn đến tột cùng của má Bảy Hương bên mộ con. Má ngồi như hóa đá giữa trưa nắng chang chang, bên những nén hương chậm rãi tỏa. Không có sự đau đớn nào bằng nỗi đau của những bà mẹ mất con, dẫu rằng sự hy sinh anh dũng của người con gái đã đi vào sử sách và trở thành một truyền thuyết có thực. Khi làm phóng sự “Những trang sách màu xanh”, tôi có gặp nhà văn Anh Đức, nghe ông kể về việc viết tiểu thuyết “Hòn Đất” và những nhân vật của mình. Cũng là một trường hợp rất độc đáo khi những nguyên mẫu từ cuộc chiến đấu bước thẳng vào những trang sách, đem lại cho tác phẩm sức sống của cuộc chiến đấu anh hùng; rồi từ trong trang sách, nhân vật lại bước ra cuộc đời, được người đọc và nhân dân đón nhận như những người thân thiết. Khu di tích mộ chị Sứ ở Hòn Đất ngày nay là một địa chỉ quen thuộc với đông đảo mọi người.

Ngày nay, quang cảnh khu di tích đã khác xưa nhiều. Khu mộ chị Sứ được tôn tạo, ốp đá hoa cương, có mái che rộng. Phía sau mộ là một bức tượng lớn tựa lưng vào núi, miêu tả cuộc chiến đấu của quân dân Hòn Đất. Liền đó là khu tưởng niệm, một bảo tàng nhỏ về lịch sử của cả vùng. Danh sách hơn 1.000 liệt sĩ của huyện Hòn Đất được khắc trên những tấm bia lớn hai bên tượng đài. Không xa khu tưởng niệm, trường trung học mang tên Phan Thị Ràng vừa mới khánh thành năm trước, hàng ngày rộn ràng những gương mặt trẻ thơ đến trường. Sang tháng Tư, mỗi ngày thêm nhiều đoàn khách từ các nơi về thăm Hòn Đất và viếng mộ chị Sứ. Qua những dòng lưu bút ở khu tưởng niệm, có thể nhận thấy những tình cảm tha thiết, lòng biết ơn, tâm trạng bồi hồi thương nhớ của những người từ nhiều vùng quê trong cả nước đến đây thăm.

Đoàn các nhà báo chiến trường của TTXVN về lại Hòn Đất cũng trong tâm thức ấy. Các nhà báo Hoàng Vân, Lê Nam Thắng gắn bó với Rạch Giá - Kiên Giang - Hòn Đất từ trong kháng chiến. Các anh bám trụ ở Phân xã TTXGP, căn cứ tại U Minh Thượng nhưng thường xuyên qua lại vùng này. Nhà báo Phạm Nhật Nam, Phó Giám đốc cơ quan đại diện TTXVN tại phía Nam, người đã từng lăn lộn ở chiến trường miền Đông Nam bộ, nhắc tôi rằng, trong số 260 liệt sĩ của TTXVN hy sinh trong chiến tranh, ngay tại Hòn Đất này có một người. Đó là nhà báo Trung Vũ (Ba Trung), phụ trách tổ thông tấn báo chí, người đã trực tiếp tham gia trận đánh 72 ngày đêm vào năm 1969 và đã anh dũng hy sinh tại đây. Lê Cương, Kim Sơn, Quang Minh đều là những nhà nhiếp ảnh gắn bó với chiến trường và để lại những tác phẩm có giá trị. Kim Sơn coi bức ảnh chụp mẹ Gấm là một kỷ niệm đẹp trong đời cầm máy. Lê Cương thì nhắc mãi lần cùng nhà nhiếp ảnh Minh Trường hành quân qua vùng này về miền Tây trong chiến tranh. Các bà mẹ ở Nam Thái Sơn mang quà ra bến sông tặng anh em trong đoàn, ngoài quần áo, đồ ăn, có cả thuốc lá Ruby rất hiếm ở chiến trường ngày ấy…

Chúng tôi thắp hương trên mộ chị Sứ. Trên bia mộ, hình ảnh chị vẫn trẻ trung xinh đẹp ở tuổi đôi mươi, tóc bới cao, áo dài hoa, cặp mắt có cái nhìn đầy nghị lực nhưng vẫn mang nét cười hiền dịu. Anh em trong đoàn viếng đài liệt sĩ, thăm nhà bảo tàng, gặp gỡ bà con vùng Ba Hòn, sang thăm điểm di tích Hòn Me, liền kề bên Hòn Đất. Ở đây là nơi Đài PT TH Kiên Giang đặt điểm phát sóng truyền hình quốc gia. Nhà báo Nguyễn Thanh Hà, giám đốc Đài nguyên là một cán bộ TTXGP trong chiến tranh, đã biến điểm phát sóng Hòn Me thành nơi trưng bày các hiện vật về chiến tranh cách mạng. Rất đông người sau khi thăm khu di tích Hòn Đất, viếng mộ chị Sứ đều ghé thăm điểm trưng bày này. Những kỷ vật của một thời, những vũ khí đã được dùng trong chiến đấu, cả xác máy bay, xe tăng Mỹ do quân Giải phóng thu được… cũng được trưng bày ở đây. Trong không gian ấy, người ta cảm nhận được một cách sâu sắc lịch sử của mảnh đất này vì quá khứ luôn có mặt trong hiện tại, trong không gian sống hôm nay.

Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi có cuộc gặp mặt với Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bùi Văn Đạt và một số đồng chí nữa trong huyện ủy. Trước đây anh là chủ tịch huyện, nhiệm kỳ này mới chuyển qua công tác đảng. Bùi Văn Đạt quê gốc Thanh Hóa, người cao lớn, chất lính còn rõ ở tiếng cười to, sảng khoái, cái nhìn thẳng thắn, trung thực. Anh chiến đấu ở vùng này từ trước năm 1975, rồi liên tục công tác ở đây nên rất am hiểu tình hình trong huyện. Theo Bùi Văn Đạt, sự phát triển của Hòn Đất những năm qua thể hiện trên nhiều mặt, trước hết là nông nghiệp.

Từ môt huyện thiếu ăn sau chiến tranh, đến nay, Hòn Đất đã đạt sản lượng lương thực trên 5.000 kg/năm trên đầu người. Năm 2011, sản lượng lương thực của huyện là 883 ngàn tấn. Tốc độ tăng trưởng của toàn huyện là 13%; thu nhập bình quân đầu người là 28,5 triệu đồng/năm. Đội tàu đánh cá của Hòn Đất đã lên trên 1.000 chiếc, đạt sản lượng trên 38.000 tấn/năm. Năm vừa qua, huyện đã hoàn thành cầu Sóc Sơn, khởi công cầu Hòn Đất, hoàn thành dự án chiếu sáng dọc quốc lộ 80. Hoạt động dịch vụ cũng phát triển với tốc dộ cao. An sinh xã hội đảm bảo; 14 trường học trong huyện đạt chuẩn quốc gia. Số hộ nghèo trong huyện giảm nhanh. Các chương trình y tế - dân số được triển khai có hiệu quả. Đời sống của các gia đình chính sách được các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân chăm lo. Toàn huyện đã xây dựng gần 130 căn nhà Đại Đoàn Kết…

Bùi Văn Đạt nói: - Khó khăn trong quá trình phát triển của Hòn Đất còn nhiều. Năm 2012 và những năm sau, chúng tôi quyết tâm đạt mục tiêu phát triển toàn diện, vừa tiếp tục xây dựng hạ tầng cho vùng đất chịu nhiều tàn phá trong chiến tranh, vừa tập trung sức phát triển sản xuất nông nghiệp, hải sản, công nghiệp, dịch vụ…, vừa chăm lo công tác xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con các vùng. Chỉ có phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, chúng tôi mới thực hiện được mong ước của nhiều thế hệ đã chiến đấu hy sinh trên mảnh đất này gửi gắm, mới xứng đáng với truyền thống của Hòn Đất anh hùng!

Tháng Tư về! Đi đến đâu người ta cũng cảm nhận được một sức sống mới đang lan tỏa trên vùng đất chịu bao hy sinh mất mát trong chiến tranh nay đang đổi mới từng ngày. Thị trấn Hòn Đất khang trang đang được xây dựng theo quy hoạch. Cầu mới đang bắc ngang sông, nối đường về Nam Thái Sơn. Trên đỉnh Hòn Me, trạm tín hiệu truyền hình phát sóng đi toàn vùng. Trên mộ chị Sứ, những đóa hoa thành kính của những con người từ các vùng đất đến vẫn thắm tươi. Trên bãi biển dưới chân vùng Hòn, nơi gần 60 năm trước, người dân ở đây tiễn người thân xuống tàu tập kết ra Bắc, nơi từng chứng kiến bao chia ly, mất mát, mong chờ của cuộc sống và con người ở đây, sáng nay lại nhộn nhịp tàu thuyền ra khơi cho một mùa cá mới.

Tháng 4/2012


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66011111

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July