CVĐC Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3000 km2, nằm ở địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km; là nơi sinh sống của 9 dân tộc anh em, như: Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay… Nơi đây được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vùng đất hiếm có
CVĐC Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có, nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử của Trái đất qua các dấu tích còn lại. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái đất. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá và đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng (như các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm…) đã phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới bắc Việt Nam. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành trong khu vực, tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
CVĐC Non nước Cao Bằng cũng nổi tiếng phong phú với các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động - thực vật đặc hữu.
Nơi đây còn chứa nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có thể kể đến như: Thác Bản Giốc, Quần thể Hồ Thang Hen, Khu Du lịch Sinh thái Phia Oắc - Phia Đén. Vùng đất này có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 Di tích Quốc gia đặc biệt, là: Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo – nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay; Di tích Lịch sử Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950.
Phát huy giá trị di sản
Từ nhiều năm trước, cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị về di sản địa chất, văn hóa, lịch sử nằm trong vùng CVĐC, Cao Bằng đã xây dựng mục tiêu gắn với phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, tại CVĐC đang tồn tại một số hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới, đặc biệt là công tác quản lí chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả.
Về việc này, ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Quản lý CVĐC, cho biết: “Giai đoạn 1 Cao Bằng đã hoàn thành xong việc xây dựng CVĐC đạt theo tiêu chí của UNESCO. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục mời chuyên gia tư vấn của UNESCO xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể, để đảm bảo gắn kết với phát triển bền vững, phát huy tối đa các giá trị sẵn có của CVĐC. Trong đó tập trung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, tập trung phát triển hệ thống đối tác, phát triển hệ thống sản phẩm để đảm bảo tăng cường sinh kế cho người dân địa phương”.
Trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung khai thác 3 tuyến du lịch trong khu vực CVĐC để thu hút khách du lịch, là tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay”; tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”; và tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”.
Với 3 tuyến du lịch này, du khách sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm, tìm hiểu mọi mặt về CVĐC và trải nghiệm văn hóa bản địa. Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn trùng lòng xuống, sống chậm lại để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá, hiếm hoi ở nơi đây.
Tùng Chi (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/cong-vien-dia-chat-toan-cau-non-nuoc-cao-bang-xu-so-than-tien-phia-bac-viet-nam-20190130162153595.htm