Quần thể danh thắng Tràng An nhìn từ trên cao
|
Kho thông tin về truyền thống cư trú của loài người
Trải qua hơn 30.000 năm phát triển, Tràng An sở hữu giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, đã được công nhận là kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người. Nơi đây cũng là một trong số ít địa điểm có giá trị ở Ðông - Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác.
Tràng An minh chứng cho cách thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến động lớn về môi trường trong suốt 30.000 năm. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người Việt cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất. Hàng loạt các di tích, di vật được tìm thấy đã khẳng định vùng đất này đã liên tục được sử dụng làm nơi định cư của loài người. Từ khi các bãi bồi hình thành, cư dân đã tới đây định cư, khai thác nguồn lợi từ biển và núi rừng. Họ cư trú ngoài trời, trong các hang động và lùi sâu vào vùng lõi của Tràng An. Quá trình tiến hóa địa chất của khối đá vôi Tràng An xảy ra vào thời kỳ Pleistoxen và Holoxen, khi đó con người trải qua những thay đổi về khí hậu và môi trường dữ dội nhất trong lịch sử Trái đất, trong đó có sự kiện cảnh quan bị tái ngập nhiều lần do mực nước biển dâng.
Cố đô Hoa Lư là một chứng tích khảo cổ nổi bật và được lưu giữ tốt, thể hiện rõ nét về cuộc sống vào giai đoạn thế kỷ 10 của lịch sử Việt Nam, về mối quan hệ mật thiết giữa cảnh quan và cư dân thời bấy giờ. Vào giai đoạn này, tại thung lũng Hoa Lư, cư dân Tràng An không ngừng phát triển bản sắc văn hóa của họ trong sự hòa hợp chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Người Việt đã xây dựng kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng để phục hưng văn hóa thời tự chủ, lập ra 3 triều đại đầu tiên của nền văn minh Ðại Việt. Bản sắc văn hóa liên tục được phát triển, lưu truyền qua các thế hệ, hiện hữu trong những truyền thống tín ngưỡng, đã trở thành di sản về niềm tin và tín ngưỡng mà ngày nay được thể hiện sinh động qua hàng loạt các lễ hội như Lễ hội chùa Bái Ðính, Lễ hội Cố đô Hoa Lư hay Lễ hội Thánh Quý Minh Ðại Vương...
Đến với Tràng An là ngược thời gian trở về với nét vàng son của lịch sử
|
Bức tranh non nước và mây trời
Tràng An là nơi non nước và mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây,… Tràng An là vùng thiên nhiên hiếm hoi không bị ảnh hưởng nhiều bởi các hoạt động của con người. Rừng rậm còn hoang sơ, hồ nước, sông suối trong vắt, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh, âm thanh và sắc màu hiện hữu hoàn toàn thuộc về tự nhiên.
Cảnh quan địa chất núi đá dạng tháp karst (karst) có tuổi đời 250 triệu năm của Tràng An là một trong những khu vực đẹp ngoạn mục được công nhận vào hàng bậc nhất thế giới. Cảnh quan gồm chủ yếu một loạt các tháp karst dạng nón, với vách dốc đứng, cao 200m so với nền đất chung quanh. Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh, được ví như những thanh kiếm khổng lồ, bao quanh các thung, trũng và hố sụt.
Quần thể hang động tại Tràng An được ví như một trận đồ bát quái, có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Nối liền các hồ là những hang động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo.
Tràng An - nơi non nước và mây trời hòa quyện
|
Vẻ đẹp của Tràng An nhiều màu sắc, đa dạng và luôn biến hóa. Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan karst là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi. Quanh năm Tràng An đều có sương sớm, mây chiều, khí núi, có cảnh dê gặm cỏ trên vách thung lũng và trâu nước đầm mình trong bãi phù sa cùng đàn cò trắng. Môi trường thiên nhiên đẹp tuyệt mỹ được pha trộn hoàn hảo cùng bức tranh cuộc sống nông thôn truyền thống, với vườn tược và ruộng lúa xen lẫn những ngôi làng nhỏ. Những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, gợi đến sự vĩnh hằng trong tín ngưỡng tâm linh, chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan.
Đại diện cho tiến trình phát triển sự sống của Trái đất
Tràng An là khu vực có đặc điểm địa chất đặc sắc, thể hiện rõ hơn bất kỳ nơi nào trên Trái đất về các giai đoạn tiến hóa cảnh quan karst trong môi trường nhiệt đới ẩm. Quá trình phân cắt sâu của khối đá vôi đã tạo nên một loạt các địa hình karst kinh điển, gồm nón và tháp karst, các hố sụt, thung lũng, các tảng đá đổ lở, trầm tích, hang động và sông ngầm.
Sự có mặt của các dạng cảnh quan karst chuyển tiếp giữa karst “fengcong”, với những chóp núi nối liền các nón karst, và karst “fenglin” với những tháp karst độc lập trên những cánh đồng phù sa bồi tích là những đặc điểm cực kỳ quan trọng của di sản. Mạng lưới các đứt gãy song song giao nhau chia cắt khu vực thành ô mạng, tạo nên các trũng karst tròn, kín. Các bồn trũng và thung lũng ngập nước này liên thông với nhau bởi các dòng chảy, chảy qua các hang động và hang ngầm, có nhiều hang xuyên núi, tạo cho trần hang có dạng "xâm thực rãnh" do dòng chảy và nhiều loại trầm tích hang động, bao gồm các nhũ đá, măng đá, cột đá và rèm đá.
Quần thể hang động tại Tràng An được ví như một trận đồ bát quái
|
Tràng An là một trường hợp hiếm đặc biệt của hệ thống karst tự sinh (chỉ nhờ nước mưa). Những biến động của mực nước biển được thể hiện qua một chuỗi những bề mặt mài mòn ở vách núi, cùng với các hang động, các mặt cắt, trầm tích bãi biển và các lớp vỏ sò.
Các nhà địa chất quốc tế đánh giá đây là một thí dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo, có thể dùng để nhận biết, so sánh với các khu vực khác trên thế giới.
Với những giá trị được công nhận toàn cầu đó, Quần thể danh thắng Tràng An vẫn luôn là một điểm đến không thể bỏ qua. Đến với Tràng An là ngược dòng thời gian trở về với nét vàng son của lịch sử, thả hồn trong văn hóa tâm linh truyền thống, là ngắm nhìn giang sơn hùng vĩ, và tận hưởng bầu không khí thuần khiết của thiên nhiên. Mảnh đất linh thiêng này từ lâu đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam./.
Mai Phương
(tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/trang-an-ninh-binh-di-san-hon-hop-dau-tien-cua-dong-nam-a-20190131155755059.htm