Dừng chân ở Bắc Giang những ngày tháng Chín, khi tiết trời dần chuyển mình sang Thu, đoàn phóng viên chúng tôi có cơ hội được đắm mình bên những câu chuyện kháng chiến hào hùng của dân tộc. Qua từng di tích ghi lại dấu ấn cuộc chiến tranh, dường như mọi thứ vẫn còn được lưu giữ vẹn nguyên đến ngày hôm nay.
Lặng lẽ Vĩnh Nghiêm
Tọa lạc tại vị trí cảnh quan đẹp, với thế đất của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy”, chùa Vĩnh Nghiêm như một niềm tự hào của người dân Kinh Bắc. Nơi đây được xem là trường Phật giáo đầu tiên của Việt Nam gắn với dòng Thiền Trúc Lâm danh tiếng. Nổi bật bởi những dấu ấn kiến trúc từ thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, Vĩnh Nghiêm là điểm đến không thể bỏ qua trên những dặm đường hành hương của biết bao thế hệ người Việt hàng trăm năm nay. Tôi bỗng nhớ đến một câu ca dao mà ai đó đã từng ngân nga rằng:
“Ai qua Yên Tử Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.
Thật vậy, ngày nay, Vĩnh Nghiêm mang trên mình vai trò không hề nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy vốn văn hóa cổ truyền thống. Mái chùa cổ này lưu giữ một kho mộc bản quý giá với 3.050 bản khắc kinh đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Buổi trưa, đoàn phóng viên điền dã được ngụ tại Chùa, thưởng thức ẩm thực chay và nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình kế tiếp. Màu thời gian ẩn hiện dưới mái chùa cổ kính rêu phong, Vĩnh Nghiêm lặng lẽ đón chào những người con đất Việt tìm về thắp nén hương thơm, thanh thản vãn cảnh chùa trong không gian phảng phất mùi trầm, mùi hoa lan, hoa đại được trồng từ hơn 300 năm về trước...Ghé thăm Vĩnh Nghiêm buổi sáng đầu Thu, ấn tượng in đậm trong tôi là khung cảnh bình yên đến ngỡ ngàng. Hòa trong dòng người hành hương đến Chùa với nét mặt ánh lên sự thành kính nơi cửa Phật, có lẽ, mọi người đang bận tìm cho mình khoảnh khắc tĩnh lặng riêng để tạm quên đi bộn bề, lo toan thường nhật.
Bổ Đà – chốn Tổ linh thiêng
Người ta vẫn thường truyền tai nhau rằng, đến Bắc Giang mà không ghé qua ngôi chùa nằm trên ngọn núi Phượng Hoàng thì thật là thiếu sót. Quả không sai! Ngay khi bước đến cổng, hiện lên trước mắt tôi là dải tường bằng đất xù xì, rêu phong, bao quanh khuôn viên chùa. Tường đất tại chùa Bổ Đà là nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được. Bước đi giữa hai dải tường đất, lắng nghe tiếng vi vu của hàng tre, tiếng chuông chùa vang vọng ngân nga, chúng tôi như được tiếp thêm một làn gió mới, thanh thoát và nhẹ nhàng.
Vườn Tháp ở chùa Bổ Đà (Ảnh: Linh Nguyễn)
|
Tương truyền chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở nên nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng. Trải qua thời gian, với những thăng trầm của lịch sử, di tích đã qua nhiều lần tu bổ tôn tạo song vẫn giữ được những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đứng từ đỉnh núi Phượng Hoàng, du khách thập phương có thể quan sát được toàn bộ Phòng tuyến sông Như Nguyệt ghi dấu ấn lịch sử dân tộc. Trước cảnh sắc sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, không gian nhuốm màu huyền thoại, tôi như thấu được lời thơ của người xưa vang vọng bên tai:
“Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”
Trải bước quanh chốn Tổ linh thiêng, vườn tháp chùa Bổ Đà là nét đặc biệt tạo điểm nhấn tại đây. Vườn tháp có tổng 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau, xếp hàng hàng, lớp lớp và xây bằng kỹ thuật truyền thống bắt mạch đá vôi mật mía. Đây là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 2.000 vị tăng, ni. Vào những ngày rằm, những người được khai nhãn sẽ thấy được ánh sáng hừng lên từ ngọn tháp cổ.
Trong khuôn viên chùa Bổ Đà, còn lưu giữ “Bộ mộc bản kinh Phật” được khắc trên gỗ thị, với gần 2.000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn truyền lại những giá trị tư tưởng Phật giáo trên thế giới. Nhiều thế kỷ trôi qua, bộ mộc bản kinh vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, lưu truyền cho thế hệ sau.
Phương ngôn xưa có câu: “Bắc Bổ Đà – Nam Hương Tích”, phía Nam thành Thăng Long có chùa Hương Tích, phía Bắc lại nổi tiếng bởi chùa Bổ Đà. Nếu có dịp, bạn nên ghé thăm, chiêm bái chùa Bổ Đà, tìm hiểu về giá trị văn hóa, ý nghĩa tâm linh quý báu để thấy rằng chùa Bổ Đà xứng danh là một ngôi chùa cổ thiêng nhất miền Kinh Bắc.
Tấm chân tình vùng Quan họ cổ
Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc đoàn điền dã di chuyển đến huyện Việt Yên để thưởng thức những canh quan họ cổ. Dân ca Quan họ là sản phẩm của vùng Kinh Bắc xưa, bao gồm tỉnh Bắc Ninh bên bờ Nam sông Cầu và tỉnh Bắc Giang ở bờ Bắc sông Cầu ngày nay. Chẳng biết từ bao giờ, Quan họ đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa trong đời sống thường ngày của người dân ở những làng quê này.
Các liền anh, liền chị quan họ làng Thổ Hà. (Ảnh: Linh Nguyễn)
|
Ngôi làng Thổ Hà nằm khiêm nhường bên dòng sông Cầu, nơi nuôi dưỡng biết bao tâm hồn Quan họ. Lâu nay, tôi vẫn thường được nghe những câu Quan họ có nhạc đệm, nhưng có dịp về Thổ Hà, mới được nghe một canh Quan họ đúng nghĩa. Các liền anh, liền chị đón chúng tôi bằng làn điệu thắm đượm tình nghĩa:
“Khách đến chơi nhà
Đốt than, quạt nước, pha trà, người xơi
Trà này quý lắm người ơi
Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”
Trong không gian sinh hoạt Quan họ của người dân Thổ Hà, những liền anh, liền chị “chơi” Quan họ đắm đuối, tôi cảm nhận, họ đối đáp bằng cả trái tim và đam mê. Chính sự giản dị, cổ xưa cùng sự nhiệt huyết đã tạo nên một chất riêng cho Quan họ vùng Bắc sông Cầu.
Theo các nghệ nhân Quan họ, một canh hát quan họ thường có ba chặng. Chặng đầu tiên hát mời, chặng thứ hai là chặng vặt và chặng thứ ba là chặng giã. Mỗi chặng được hát theo các điệu khác nhau, khi thì lề lối, khi lại lưu luyến trữ tình. Sau canh hát đón bạn trên sông kết thúc, quan họ Thổ Hà sẽ chuyển về hát ở chùa. Tiếp đến, chuyển về một nhà chứa Quan họ (nhà của một liền anh, liền chị trong bọn quan họ). Đó là lời giải thích cho phong tục “ngủ bọn Quan họ” được lưu truyền đến ngày nay.
Nghệ nhân Phú Hiệp, anh hai Quan họ Thổ Hà, tâm sự: “Câu hát mà chúng tôi cất lên là sự trải lòng mình. Quan họ là phải chơi sao cho thể hiện được tấm chân tình, sự hiếu khách và tấm lòng của người hát”.
Trải qua bao thời gian, dù cuộc sống có khó khăn đến nhường nào, những câu quan họ vẫn giữ được tinh hoa đặc trưng của nó. Cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, “bữa tiệc” Quan họ đầu Thu khép lại bởi màn chia tay giã bạn đầy lưu luyến. Rời một phần Kinh Bắc trở về Thủ đô, chúng tôi luôn mong muốn, những di sản văn hóa, di sản phi vật thể tại Bắc Giang luôn được bảo tồn, nuôi dưỡng và phát triển trong cộng đồng các làng quê Việt.
• Tiểu ban Thông tin UNESCO (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) tổ chức chuyến công tác thực tế cho các phóng viên, biên tập viên chuyên trách về UNESCO thăm các di sản của Bắc Giang.
• Các khách mời đã tham quan, tìm hiểu thực tế tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế mới trồng na tại huyện Lục Nam, tham quan khu du lịch sinh thái Suối Mỡ... Đặc biệt, các vị khách đã được trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa địa phương như: canh Quan họ cổ, phong tục ngủ bọn của người Quan họ, tham dự và thảo luận về phương án bảo vệ di tích, di sản và vai trò của người dân trong việc phát triển, bảo tồn văn hóa, di tích...
• Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Tỉnh hiện có hơn 700 di tích được xếp hạng. Trong đó có 101 di tích cấp quốc gia, có 3 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, tăng tỷ trọng công nghiệp cũng như tập trung ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, dịch vụ bền vững.
• Thời gian qua, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa như: Kiểm kê di tích các di sản văn hóa; hệ thống hóa, số hóa; quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, thành lập ban quản lý di tích... Trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục dành nguồn lực đầu tư tôn tạo, bảo tồn với phương châm giữ nguyên cảnh quan, các giá trị vật thể, phi vật thể tại các điểm di tích.
|
Linh Nguyễn/ Báo TG&VN