10 năm về trước, giáo xứ Xương Điền thuộc xã Hải Lý huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bị nước biển xâm thực, Nhà thờ Trái Tim và hai làng chài ven biển là Xương Điền,Văn Lý đã trở thành hoang tích. Bằng sự nỗ lực của mình, tỉnh Nam Định đã xây dựng một tuyến đê biển kiên cố, ngày nay, khu vực này từ hoang tích trở thành một địa điểm du lịch lý thú, kết nối du khách về ý thức bảo vệ môi trường trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
Những hoa văn tinh xảo trên các mảng tường đổ nát của nhà thờ vẫn đẹp một cách quyến rũ.
|
Dấu ấn hoang tàn
Giáo xứ Xương Điền xưa kia có Nhà thờ Trái Tim được xây dựng từ năm 1927. Nhà thờ sừng sững đứng bên bờ biển tạo niềm tin cho ngư dân làng chài đối mặt với cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Tháp chuông của nhà thờ được ví như ngọn hải đăng để người dân nhận biết dấu hiệu cho thuyền vào bờ mỗi khi ra khơi.
Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá lớn đã "xóa sổ" hai làng chài Xương Điền, Văn Lý thuộc Giáo xứ Xương Điền, dấu tích còn lại của nhà thờ chỉ còn lại tháp chuông. Khi thủy triều lên, tháp chuông bị sóng biển bao quanh, phần móng bị ngập nước khoảng 0,5m.
Sau chấn động địa lý này, Nhà thờ đổ nát chỉ còn giữ lại khung xương bên ngoài với nền móng hòa lẫn cát biển. Từ đó, địa chỉ này bị bỏ hoang, vì thế người dân gọi là Nhà thờ đổ.
10 năm trước, khi nhóm phóng viên Báo ảnh Việt Nam có mặt tại khu vực này làm phóng sự đã chứng kiến nhà cửa, vườn tược bị sóng biển đánh sập, cả một địa phận giáo xứ Xương Điền trước kia vốn trù phú như một bãi chiến trường bên bờ biển.
Chứng tích của biến đổi khí hậu
Ngày nay, dấu tích giáo xứ Xương Điền xưa chỉ còn là cái khung và tháp chuông trên nền đổ nát nhưng vẫn có vẻ đẹp quyến rũ. Du khách đến với Hải Hậu đều ghé thăm Nhà thờ đổ để chứng kiến dấu ấn thời gian mà thiên tai tàn phá và trải nghiệm cuộc sống của người dân làng chài ven biển.
Chúng tôi đến bãi biển Xương Điền, nơi có Nhà thờ đổ cảm nhận bãi biển đẹp nhất vào buổi sớm với cuộc sống hối hả của người dân làng chài. Những chuyến thuyền đầy ắp tôm cá về bờ, người dân có thể bán ngay tại ven biển. Mặt trời le lói đằng Đông là khoảnh khắc đẹp mang nét cổ kính nhất của nhà thờ hòa với vẻ đẹp của đại dương.
Vào khám phá Nhà thờ đổ, thấy quanh mình chỉ là khung nhà thờ bằng gạch rêu phong nhưng rất thú vị khi chạm tay vào các dấu tích này. Cảm giác nhỏ bé của con người trong nhà thờ và biển mênh mông trước mặt khiến cho chúng tôi ý thức phải bảo vệ môi trường để giữ biển.
Từ Nhà thờ đổ chúng tôi cùng một nhóm du khách tìm đến chợ Bến để tận hưởng món ăn của chợ phiên vùng biển với những người dân Hải Hậu chân chất, nồng hậu.
Ông Vũ Ngọc Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Việc bảo tồn tháp chuông nhà thờ đã được địa phương triển khai gấp rút nhằm ghi nhận những công lao to lớn của nhân dân trong công cuộc quai đê lấn biển, chống biển xâm thực bảo vệ sản xuất trong hàng trăm năm qua, đồng thời tuyên truyền cho cộng đồng bảo vệ môi trường sống. UBND huyện Hải Hậu vừa có đề án Quy hoạch 20ha bãi biển Hải Lý để làm khu du lịch chứng tích biến đổi khí hậu và sinh thái môi trường biển”./.
(Báo Nam Định)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nha-tho-do-hai-ly-chung-tich-bien-doi-khi-hau-20180820151427759.htm
|