Một góc động Phong Nha.
|
Từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, du khách theo đường Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến du lịch khám phá di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng xuôi theo dòng sông Son vào động Phong Nha.
Sông Son rộng chừng 35-40 mét, nước xanh ngắt, trong thấu đáy, nhìn rõ cả những đàn cá đang bơi. Nước thì xanh như màu xanh đồng, nhưng lại gọi là sông Son vì vào mùa mưa, nước mưa bào mòn đất đá ở các triền núi đổ xuống làm nước sông đỏ như màu gạch son. Nhưng có một câu chuyện ly kỳ khác, có lẽ đã ra đời từ thời khai thiên lập địa, cũng giải thích về tên của dòng sông Son.
Chuyện kể ngày xưa, có vị tiên sư đại pháp người Trời thường xuống du ngoạn cảnh hạ giới, thấy yêu mến nơi này bèn ở lại rồi dạy dân cách làm ăn. Một năm kia xảy ra đại hạn, muôn vật khô héo; để cứu dân, vị tiên sư đại pháp lén về Trời khơi trộm nguồn nước từ thiên cung chảy xuống nơi là dòng sông Son bây giờ. Dòng nước tưới mát cỏ cây, cứu sống muôn loài, nhưng vị đại sư bị triệu về Trời chịu hình phạt. Dân làng cảm kích tấm lòng son của vị đại sư nên đặt tên cho sông này là sông Son. Sông Son chảy từ động Phong Nha và nối vào sông Gianh.
Hai bên bờ sông Son là những ngọn núi cũng xanh ngắt. Thuyền máy chở khách du lịch chạy xuôi ngược san sát trên sông. Thi thoảng mới gặp vài cái thuyền nhỏ đánh lưới cá, vớt rong rêu; đôi chỗ thấy cảnh bờ tre ngọn uốn cong mềm mại như cần câu, lũ trẻ con ra tắm sông, nô giỡn trong làn nước tung toé; mẹ con đàn bò dẫn nhau xuống uống nước; mấy cô con gái ra gội đầu, giặt áo, rửa rau, vo gạo… trên những cây cầu tre bắc lài ra mặt sông. Khung cảnh thật thanh bình và dễ làm cho người ta nhớ đến một vùng quê thanh bình nào đó tận sâu trong ký ức…
Động Phong Nha dài 7.729m. Cửa động rộng 20-25m, cao khoảng 10m. Thuyền tắt máy, người chèo thuyền dùng sào đưa thuyền lặng lẽ tiến vào trong lòng động Phong Nha. Cửa động hình thang, cao chừng 10 mét, rộng 20-25 mét. Lọt vào trong động, cảm giác oi nồng của mùa hè nơi miền Trung gió Lào lập tức biến mất. Trong lòng động mát như trong căn phòng gắn máy lạnh. Đấy là cảm giác ai cũng nhận thấy giống nhau, chứ còn từ đây vào trong động, một thế giới u linh, kỳ thú… sẽ hiện ra và chúng huyền ảo đến mức sự cảm nhận của chúng ta có thể không ai giống ai.
Vào trong hang mới biết thế nào là nước chảy, đá mòn. Sự xâm thực của nước mưa vào đá vôi đã gây ra tình trạng cắt xẻ mãnh liệt ở các dãy núi, khối núi, tạo thành những địa hình đa dạng: Lòng núi bị đào thành hang động, đường hầm, sông ngầm, giếng sâu; các khối núi bị tách thành vách dựng đứng và những cảnh tượng lạ lùng… Khi bạn ngước nhìn lên rồi xoay ngang, xoay ngửa ngắm nhìn, những hình ảnh của nhũ đá, của những ánh đèn lung linh phản chiếu. Ai cũng phải trầm trồ vì vẻ đẹp.
Theo thuyền độc mộc bồng bềnh vào hang sâu, bóng tối trong hang làm cho các ánh nhũ của các thạch đá, sáng lấp lánh huyền ảo, đẹp lạ lùng. Xuôi thuyền hơn 600m đường nước trong động, du khách được thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên kì vĩ đến choáng ngợp của Đệ nhất động.
Chứng kiến những hình ảnh kỳ lạ của tạo hóa thiên nhiên, mỗi du khách không khỏi xúc động trước vẻ đẹp của thạch nhũ. Cái đẹp mang những hình dáng vô cùng hoang sơ nhưng mang tính kỳ dị và luôn biết cách thu hút mọi ánh mắt của du khách dồn về phía mình mà trí tưởng tượng của con người tha hồ gán cho chúng biết bao huyền thoại, sự tích… Khó có thể mô tả vẻ đẹp hùng vĩ của những hành lang đá vôi phủ đầy thạch nhũ long lanh dưới ánh đuốc của dòng sông ngầm.
Qua hang Tiên và hang Cung Đình cùng những cột nhũ đá cao trên 20m được thiên nhiên tạo nên. Đây là hai hang tiêu biểu của động Phong Nha có hệ thống nhũ đá huyền ảo và kỳ vĩ cùng hàng ngàn những kiệt tác được hình thành bởi tạo hoá, với vô số những hình ảnh kỳ lạ và hấp dẫn.Trong hang Tiên, thiên nhiên đã tạo trên vách đá hình dáng những nàng tiên với mái tóc dài, màu vàng óng ả.
Hang Cung Đình có nhũ đá giống ngai vàng, được thiên nhiên “chạm trổ” cực kỳ tinh xảo… Nếu gõ nhẹ vào chuỗi thạch nhũ giống hình phím đàn thì người ta tưởng như đang thưởng thức âm điệu của tiếng đàn tơ-rưng trầm bổng âm vang.
Một khi bước vào thế giới lung linh kỳ ảo đó, chúng ta thật khó mà mô tả được hết những vẻ đẹp tuyệt vời của những hành lang đá vôi phủ đầy thạch nhũ vừa long lanh với những đường sáng lọt vào từ các khe đá gọi vào, với những hình dáng kỳ lạ, nhưng qua đó cũng mang cá tính độc đáo của những nhà điêu khắc khó tính. Nhà điêu khắc thiên nhiên đã rất khéo léo và tinh tế trong việc chọn vật liệu, xây dựng hình tượng và thổi hồn vào đó với biết bao hình thù đặc sắc.
Đến với động Phong Nha, được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tự nhiên của các hang động, được trải nghiệm các cung bậc cảm xúc trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, nếu ai đã đi một lần thì chắc chắn sẽ còn muốn đi thêm nhiều lần nữa.
(Báo Quảng Bình)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/dong-phong-nha-de-nhat-ky-quan-dong-20180710172048322.htm