THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CỘT CỜ
Cột Cờ Hà Nội - Ảnh minh họa Internet
Câu hỏi: Cột Cờ Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho nước Việt Nam. Hãy nêu những nét cơ bản về Cột Cờ.
Trả lời:
Cột Cờ (còn gọi là Điền Đài) là một trong những công trình kiến trúc ít ỏi thuộc khu vực thành cổ Hà Nội, còn nguyên vẹn trong suốt quá trình quân Pháp chiếm đóng (từ năm 1894 - 1897). Lúc đó Cột Cờ là điểm cao nhất trong thành phố nên quân Pháp dùng làm đài quan sát và đặt trạm thông tin liên lạc ở đó.
Căn cứ vào hiện trạng của di tích, có thể thấy Cột Cờ được xây hình tám cạnh có ba tầng và một thân cột. Các tầng đế có hình chóp vuông cụt, nhỏ dần chồng lên nhau, xung quanh xây ốp bằng gạch. Tầng một, mỗi chiều dài 42,5 mét, cao 3,7 mét, có 4 cửa. Cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa hướng Tây có đắp hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam có đắp hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề. Tầng hai mỗi cạnh 13 mét. Tầng ba mỗi chiều dài 12,8 mét, cao 1,5 mét, có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc.
Cột Cờ hình trụ 8 cạnh, thon dần từ dưới lên trên. Cột cao 18,2 mét, mỗi cạnh đáy chừng 21,1 mét. Trong thân Cột Cờ có cầu thang 54 bậc xoáy ốc lên tận đỉnh. Toàn thể Cột Cờ được soi sáng và thông hơi bằng 39 cửa nhỏ hình hoa thị và 6 cửa hình rẻ quạt. Những cửa này được đặt dọc các cạnh, mỗi cạnh có chừng 4 đến 5 cửa.
Đỉnh Cột Cờ cấu tạo hình bát giác, cao 3,3 mét, có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh. Giữa lầu là một trụ tròn, đường kính 0,4 mét, cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cao 8 mét). Như vậy toàn bộ Cột Cờ có chiều cao là 33,4 mét.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng cũng là ngày mà lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam độc lập lại phấp phới tung bay trên Cột Cờ.
Cột Cờ thành Hà Nội đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho cả nước. Cho dù thành trì Hà Nội ngày nay không còn nữa, nhưng Cột Cờ vẫn là hình ảnh của Thăng Long cũ có từ ngàn năm nay. Hiện Cột Cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Đây là một di tích lịch sử ghi lại quá trình đấu tranh gian khổ, quật cường của nhân dân Việt Nam để ngọn cờ độc lập sẽ mãi mãi tung bay giữa thủ đô.
(Xin đón đọc phần tiếp theo các Bảo tàng ở Hà Nội)
|