Cách thủ đô Hà Nội chừng 20km, nay thuộc về phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đền Đô uy nghi trầm mặc gợi bao hoài niệm về nơi phát tích của các bậc đế vương xưa. Chúng tôi xuống xe từ khá xa, lặng lẽ bước qua cửa đền.
Đến thăm Đền Đô chúng tôi thấy, khác với nhiều điểm du lịch thường nháo nhác những hàng quán bán đồ lưu niệm, đền thờ nơi đây yên tĩnh, sạch sẽ gợi sự thanh tịnh. Tại ngôi đền này, tưởng như mỗi hừng đông nơi làng cổ, khuôn mặt của tám vị vua Lý cùng hướng về phía ánh sáng như một niềm mong mỏi vào sự hưng thịnh của đất nước và dõi trông theo cuộc sống muôn dân. Nhìn vào tám pho tượng uy nghi cũng gợi cho ta sự liên tưởng về tám chương đoạn của lịch sử với những nốt thăng trầm của Đại Việt qua từng chiều đại.
Cổng đền Lý Bát Đế (ảnh: Bùi Đức Thắng)
Bước ra khu ngoại thất của đền, bắt gặp hình ảnh thủy đình soi bóng xuống mặt nước trong nắng. Hình ảnh thủy đình từng xuất hiện trong tờ tiền “năm đồng vàng” của Ngân hàng Đông Dương thời Pháp, đã từng xuất hiện trong sách báo nhưng khi tận mắt được chứng kiến ta lại có một xúc cảm thật khác khi nghĩ tới hồ nước thông với cái tên sông Tiêu Tương xưa như hé lộ nhiều điều kỳ thú trong sử sách mà ta chưa có dịp đi sâu tìm hiểu.
Gác lại những câu chuyện xưa của lịch sử, điều mà chúng tôi quan tâm nhất khi thăm Đền Đô là những hiện vật được lưu giữ tại nhà lưu niệm của khu đền. Câu chuyện cảm động về hậu duệ thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường, ông Lý Xương Căn sau khi thắp nén nhang dâng tổ đã úp mặt xuống đất trước linh cung thờ các vị vua Lý. Tám thế kỉ đã qua, sau mấy chục thế hệ dòng dõi nhà Lý hòa huyết với người Cao Ly ở cả hai miền Nam, Bắc của bán đảo Triều Tiên. Vậy mà ý thức về cội nguồn, tiên tổ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Giọt nước mắt của cháu con trở về rơi xuống nền đền như một bài học về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, làm ấm lòng các bậc tiên tổ nơi chín suối, đúng như những lời mà họ luôn ấp ủ: “Thân ở phương xa muôn vạn dặm. Hồn lưu Tổ quốc xứ Hà Bắc”.
Có phải vì thế chăng mà dân gian cho rằng 8 vầng mây thường xuất hiện trong những ngày lễ lớn như một sự ghi nhận tấm chân tình đó, tạo thêm vẻ linh thiêng cho Đền Đô.
Câu chuyện về các chiều vua Lý, về đền thờ Lý Bát Đế còn dài, nhưng một chiều ghé thăm Đền Đô cũng đủ để lại trong lòng du khách bao suy cảm.
http://danviet.vn/net-viet/tham-den-do-nho-ve-cac-trieu-vua-ly-637876.html