Lật giở những trang sử của Sư đoàn 365, tôi như được chứng kiến trận đánh huyền thoại trong lịch sử Pháo phòng không Việt Nam. Đó là những tâm sự của Thiếu tá Trương Đức Phương – Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 365 với tôi, khi tôi đến thăm quan Nhà truyền thống của Sư đoàn
Một trận địa pháo cao xạ của quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ
Nhìn mô hình mô tả chi tiết trận đánh và kinh nghiệm trong cách đánh của Tiểu đoàn 18 (Sư đoàn 365) bảo vệ cầu Đáp Cầu ngày 17/10/1967, tôi thực sự khâm phục và tự hào về một thời oanh liệt của quân và dân ta. Một trong những kinh nghiệm trong cách đánh độc đáo của Tiểu đoàn 18 là: Bố trí đội hình chiến đấu áp sát cầu, có đơn vị chốt, có đơn vị cơ động, bảo đảm đánh tập trung vào một chiếc trong một thời điểm, thời cơ bắn khi máy bay địch bổ nhào theo một đường thẳng, bố trí lực lượng bắn chặn khi chúng bay ra, các đơn vị phải hiệp đồng chặt chẽ, bắn chi viện bảo vệ nhau…
Lật giở những trang sử của Sư đoàn 365, trận đánh huyền thoại trong lịch sử Pháo phòng không Việt Nam như hiện ra sống động, hào hùng.
Mô hình mô tả chi tiết trận đánh ngày 17/10/1967 của Tiểu đoàn 18(Sư đoàn 365)
...Ngày đó, Tiểu đoàn 18 được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Đáp Cầu, lực lượng của đơn vị chỉ có 5 đại đội. Do địa hình trống trải rất khó bố trí lực lượng, cán bộ Tiểu đoàn đã tổ chức nghiên cứu địch và địa hình khu vực bảo vệ, phát động toàn đơn vị thảo luận tìm được cách đánh tối ưu, khắc phục chỗ yếu và phát huy thế mạnh của ta. Lúc này, Đại đội 10 và Đại đội 34 bố trí cách cầu 200m, Đại đội 36 bố trí cách cầu 350m, Đại đội 8 và Đại đội 9 nằm kẹp giữa 2 cầu cũ và mới, cách cầu 190m, Sở chỉ huy Tiểu đoàn bố trí trên đỉnh đồi Phúc Sơn.
Ngày 17/10/1967, Chính trị viên Tiểu đoàn lên dự họp Đảng ủy Sư đoàn. Chỉ huy Tiểu đoàn có Tiểu đoàn trưởng Nông Văn Dũng, Tiểu đoàn phó Hồ Sơn và Chính trị viên phó Nguyễn Văn Đức. 10 giờ ngày 17/10, Tiểu đoàn đang huấn luyện thì nhận được thông báo của Sư đoàn: từ 10 giờ đến 11 giờ, địch có khả năng đánh đường 1 Bắc.
Bộ đội cao xạ Sư đoàn 365 vẫn ngày đêm luyện tập bảo vệ vùng trời Tổ quốc
10 giờ 36 phút, trên bảng tiêu đồ 9x9 của Sở chỉ huy Tiểu đoàn xuất hiện những tốp mục tiêu ở hướng Tây Bắc và Đông Nam, cự ly từ 60 đến 80km. Căn cứ vào đường bay của các tốp mục tiêu, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh "Tiểu đoàn về cấp 1". Ngay sau đó, các đơn vị gõ kẻng báo động chuyển cấp. 10 giờ 38 phút các đơn vị liên tiếp báo cáo lên Sở chỉ huy Tiểu đoàn: "đại đội... cấp 1 xong, người vũ khí sẵn sàng chiến đấu”.
Tiểu đoàn trưởng Nông Văn Dũng thông báo: hướng 12 và 34 có nhiều tốp mục tiêu đang bay vào, cự ly 50 đến 60km, có khả năng đánh Đáp Cầu. Các Đại đội 10, 34, 36 và Khẩu đội 14,5mm tập trung quan sát từ hướng 12 về hướng số 2; Đại đội 8, 9 và Khẩu đội 14,5mm tập trung quan sát từ hướng 14 về hướng 34, chú ý hướng 34, các đơn vị nhanh chóng sục sạo phát hiện mục tiêu.
10 giờ 40 phút, kính chỉ huy TZK của Tiểu đoàn bắt được mục tiêu hướng 34, cự ly 35km, đội hình mật tập đang bay theo trục đường 18. Tốp đầu 4 chiếc F4-C bay chếch về hướng Bắc Giang. Tốp thứ hai là F105-D bay chếch về hướng số 3, 32.
Nhận xong báo cáo, Tiểu đoàn trưởng nhận định: Tốp F4-C khả năng nghi binh hoặc chặn kích không quân ta ở Kép. Còn tốp F105-D là tốp cường kích, khả năng đánh cầu Đáp Cầu. Nhận định này được thông báo xuống các đơn vị. Vừa dứt thông báo thì các đơn vị cũng dồn dập báo cáo bắt được mục tiêu cả tốp F4-C và tốp F105-D ở cự ly 15km.
Tiểu đoàn trưởng ra lệnh: Tiểu đoàn tập trung diệt tốp 02 (F105-D) trinh sát theo dõi chặt tốp 01 (F4-C), khẩu đội 14,5mm chú ý phát hiện và đánh máy bay bay thấp ở hướng thượng nguồn sông Cầu.
Đến cự ly 10 km, địch chuyển từ đội hình 4 chiếc bàn tay xòe thành đội hình so le đôi lần lượt lượn vòng về hướng 32 (Tây Nam) có vẻ như sẽ lấy nhà thờ Bắc Ninh làm điểm chuẩn bổ nhào đánh cầu. Đúng như dự đoán, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh: "Đánh bổ nhào theo phương án 2". Lệnh vừa dứt, tốp 02 vào chiếm đỉnh bổ nhào, trắc thủ đo xa của các đơn vị thông báo liên tục "60, 50, 45, 40, 38". Đến cự ly hiệu quả, các đại đội trưởng hạ lệnh bắn. Đạn từ các trận địa Đại đội 10, 34, 36 bắn ào ạt thẳng vào chiếc máy bay thứ nhất, rồi chiếc thứ ba. Các Đại đội 8, 9 bắn vào chiếc thứ hai, thứ tư theo đúng phương án, mỗi chiếc một điểm xạ. Máy bay địch lần lượt trúng đạn và bốc cháy, cả tốp F105-D đi đầu bị diệt gọn.
Thấy tốp đi đầu bị diệt gọn, tốp F105 đi sau tiếp tục bổ nhào theo đường bay của tốp trước, hỏa lực của 5 đại đội vẫn tiếp tục bắn chặn đường bay bổ nhào của địch. Thêm 1 chiếc F105 của tốp thứ ba bị đền tội. Đội hình của địch bị rối loạn, bọn giặc lái ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Trong lúc các trận địa pháo 37mm bắn mãnh liệt thì trận địa súng máy 14,5mm cũng bắn liên tục ở giai đoạn cuối của đường bay bổ nhào. Trận đánh diễn ra mau lẹ và kết thúc lúc 10 giờ 43 phút 50 giây.
Kết thúc trận đánh, trong vòng 3 phút Tiểu đoàn pháo phòng không 18 đã bắn rơi 5 chiếc F105-D, có 4 chiếc rơi tại chỗ, các trận địa và cầu Đáp Cầu được bảo vệ an toàn. Đây là trận thắng giòn giã, đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất của bộ đội pháo phòng không trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.