Tàu Arkhangelsk đã thực hiện chuyến tập kết đầu tiên - Ảnh tư liệu Đỗ Thái Bình
Ai cũng nhớ tên những con tàu đó: Kilinski (Ba Lan), Arkhangelsk, Stavropol (Liên Xô), nhưng câu chuyện đã đưa những chiếc tàu châu Âu đến đậu ở Cà Mau, Quy Nhơn đợi người tập kết thì không phải ai cũng biết. Chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình đã giúp đỡ chúng tôi tìm câu trả lời.
“Dang tay bè bạn...”
Hiệp định Genève ký kết, đất nước tạm chia hai. Tập kết và di cư. Thế nhưng trong lúc có rất nhiều tàu Pháp, tàu Mỹ đưa người Bắc di cư vào Nam, thì Chính phủ VN dân chủ cộng hòa không có gì trong tay để đón người tập kết.
Nhiều nước xã hội chủ nghĩa lúc đó đã sẵn sàng dang tay giúp đỡ. Một ủy ban hỗn hợp được lập ra để lo liệu và việc thuê tàu, tổ chức chuyên chở được giao cho Công ty vận tải biển Sovfracht của Liên Xô.
Ông Anatoly Akulinichev, thành viên của Sovfracht, đã viết lại trong hồi ký: “Tôi được triệu tập đến Matxcơva và được yêu cầu thực hiện đơn đặt hàng của chính phủ một cách vô điều kiện: tìm thuê tàu để phục vụ công tác đình chiến ở Việt Nam, cân đối chi phí cũng như đảm bảo thời gian cho các chuyến vận chuyển. Nhiệm vụ này rất đặc biệt: giúp đỡ Việt Nam, một đất nước vừa trải qua chiến tranh.
Chúng tôi chọn các tàu hàng có tải trọng lớn và có thể cải tạo được để chở người, các tàu ấy lại đang phải có mặt ở vùng Viễn Đông mới kịp tiến độ công việc. Sau khi tìm chọn được năm con tàu (Kilinski của Ba Lan, hai tàu Arkhangelsk và Stavropol của Liên Xô, hai tàu Sunny Queen và Sunny Prince của Na Uy - theo ghi chép của thuyền trưởng R.Cielewicz - PV), chúng tôi bay đến Bắc Kinh và chuyển sang xe lửa để đến Việt Nam”.
Những chiếc tàu đã được đưa đến Nhà máy đóng tàu Quảng Châu (Trung Quốc) để sửa chữa, cải tạo. Từ những chiếc tàu chở hàng chỉ có vài chục thủy thủ đoàn, chúng phải được chuẩn bị để chở hàng ngàn người. Hầm tàu được cọ rửa sạch để chứa nước ngọt, thực phẩm. Các tầng, hầm boong được đóng sạp nhiều tầng để người ở. Làm thêm bếp, nhà vệ sinh...
Trong khi ấy, Akulinichev đến gặp Bác Hồ. Cuộc gặp gỡ thân tình và mọi người nói chuyện với nhau về tàu biển. Bác vui vẻ kể những kinh nghiệm của mình khi còn là một phụ bếp trên tàu và những ngày lênh đênh bằng tàu biển qua nhiều nước trên thế giới.
Akulinichev cũng nhận được bản danh sách kê những gì các con tàu của ông sẽ phải vận chuyển: hàng trăm ngàn người, xe tăng, pháo, đạn, mìn... và đặc biệt nhất, trong danh sách còn có “bảy con voi mà những người Việt Nam gọi là đồng đội”.
Chuyến tập kết đầu tiên được thực hiện bởi tàu Arkhangelsk. Thuyền trưởng Dmitry Zotov Kirillovitch đã quan sát từng chi tiết của chuyến tàu này để ghi nhận những thiếu sót trong việc tổ chức, sắp xếp đưa đón người, việc ăn ở trên tàu và đưa ra những đề nghị điều chỉnh cho các chuyến kế tiếp.
Nhờ vậy, các tàu Kilinski, Arkhangelsk, Stavropol đã để lại ấn tượng đẹp không mờ phai với các hành khách lần đầu biết biển.
Kilinski - con tàu mà những người miền Nam tập kết thường hay nhắc đến - Ảnh tư liệu Đỗ Thái Bình
Voi đi tập kết
Voi được sắp xếp đi trong những chuyến tàu cuối cùng, tháng 1-1955. Người Pháp hợp tác rất tốt, cho mượn tàu trung chuyển để đưa voi ra, cung cấp bản đồ độ sâu bờ biển.
Akulinichev đến khu tập kết Quy Nhơn từ hôm trước, tham gia một buổi mitinh và sau đó vào việc chính: thảo luận với thuyền trưởng về cách tải voi. Thuyền trưởng có một chút e ngại nhưng cuối cùng cũng đồng ý với Akulinichev về việc sẽ chuyên chở cùng lúc bốn con voi.
Phải làm những chiếc cũi lớn, đan những tấm đệm lót xuống rọ đựng hàng để đặt dưới mình voi khi cẩu nó lên tàu.
Chỉ có một sự cố nhỏ khi một con voi kêu rống và rút chân lên làm mất thăng bằng, suýt rơi trở lại xuống sàn tàu trung chuyển.
Cuối cùng, bằng quyết tâm và lòng yêu mến những con voi thân thiện, trung thành, dũng cảm, bốn con voi Tây nguyên đã yên vị trên tàu Kilinski ra Bắc. Ba con voi còn lại và một số ngựa được chuyển ở chuyến sau.
Đó là những con voi Tây nguyên được thuần hóa, đã từng băng rừng vượt suối tải gạo, tải đạn, tải thương, tham gia những chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê (1952).
Ba trong số những con voi này đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công, là niềm tự hào của Tây nguyên. Được coi là đồng đội, voi cũng được đưa lên tàu tập kết, được ra Bắc để sống ở vườn Bách thú, vươn vòi chào bà con thủ đô.
Sau này khi các tàu Kilinski, Stavropol, Arkhangelsk lên đường về nước, ba chú voi đã được gửi theo làm quà tặng hữu nghị đến những người bạn Ba Lan, Liên Xô. Mấy chú voi Việt Nam rất được yêu mến.
Câu chuyện của voi Việt Nam cùng với hai chú voi con Ấn Độ đã được nhà văn Sergei Baruzdin viết thành cuốn sách Ravi và Shashi để kể chuyện với thiếu nhi Liên Xô thời đó.
Tiếc nuối còn lại
“Năm 1973, tàu Kilinski quay trở lại Việt Nam và đậu ở cảng Hải Phòng gần một năm trước khi đi về xưởng tháo dỡ sắt vụn ở Đài Loan. Thật đáng tiếc. Khi ấy có lẽ Việt Nam còn quá bận rộn với việc tìm giải pháp kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước nên đã không lưu ý đến việc mua lại chiếc tàu, lưu giữ những vật chứng ký ức.
Nếu không, hôm nay chúng ta đã có thể có một bảo tàng sống động về những ngày tập kết ngay trên tàu Kilinski” - kỹ sư Đỗ Thái Bình, Hội Hải dương học Việt Nam, nói trong tiếc nuối.
Say mê nghiên cứu tàu biển, hàng hải, ông Bình từng đến tận nhà máy đóng tàu tại Los Angeles, California (Mỹ), nơi chiếc tàu Kilinski xuất xưởng năm 1944 và mang cái tên đầu tiên Mexico Victory.
“Chiếc tàu ấy đạt mọi tiêu chuẩn hàng hải hiện đại lúc bấy giờ, và dù là tàu chở hàng, cải tạo một chút nó đã chở người tốt. Tìm thấy tấm ảnh cuối cùng chụp Kilinski năm 1973, thấy tàu vẫn đẹp, vẫn sừng sững, lộng lẫy, tôi lại càng tiếc, dù chẳng phải người tập kết, chẳng có được những kỷ niệm sâu đậm khi lần đầu đặt chân lên tàu” - ông Bình nói và lật đi lật lại những tấm ảnh chụp Kilinski mà ông tìm được.
- Tàu Kilinski mang tên người anh hùng Ba Lan Jan Kilinski (1760-1819) đã nổi lên chống Nga hoàng năm 1794. Thuyền trưởng là R.Cielewicz. Từ tháng 10-1954 đến 7-1955, tàu thực hiện 27 chuyến Nam - Bắc, vận chuyển 85.000 người, 3.500 vũ khí các loại, 250 tấn đạn dược.
- Tàu Arkhangelsk. Thuyền trưởng là Zotov. Thực hiện 12 chuyến Nam - Bắc từ tháng 10-1954 đến 2-1955, chuyên chở hơn 30.000 người và hơn 1.300 tấn hàng.
- Tàu Stavropol, thuyền trưởng là Chernobrovkin, sau những chuyến Bắc - Nam, từ tháng 1-1955 đã chuyển sang chở gạo viện trợ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
(Số liệu trích từ Báo cáo của R.Cielewicz, thuyền trưởng tàu Jan Kilinski, viết 1955)