Hiện tượng kỳ thú về cây ổi “cười” bên mộ Vua Lê Hiện tượng kỳ thú về cây ổi “cười” bên mộ Vua Lê , Người xứ Nghệ Kiev
(Dân trí) - Vùng đất Lam Kinh vốn nổi tiếng là địa linh nhân kiệt, là Thánh địa của nhà Lê. Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Du khách đến với Lam Kinh, không thể không "khám phá" cây ổi “cười” bên mộ Vua.
Thăm Thánh địa của nhà Lê
Khu di tích lịch sử Lam Kinh không chỉ biết đến là một vùng đất địa linh nhân kiệt, mà nơi đây còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và những công trình kiến trúc có quy mô, tầm cỡ…
Theo sử sách ghi lại, tằng tổ của Vua Lê húy là Hối, người phủ Thanh Hoa, một ngày kia đi chơi ở Lam Sơn, thấy có đàn chim bay lượn dưới núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt liền dời nhà đến đây, được 3 năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước, mở đất gây nền từ đấy. Từ bấy giờ làm chủ một miền.
Vùng đất Lam Sơn có cảnh quan núi son, sơn thủy hữu tình với Hữu Thanh long, Tả Bạch hổ, sau có núi Dầu làm hậu chẩm, trước có sông Chu làm minh đường, uốn lượn hình vòng cung trước điện Lam Kinh từ Tây sang Đông.
Đường vào Nghinh môn
Cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược, do người anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo nổ ra vào mùa xuân năm 1418 ngay tại núi rừng Lam Sơn. Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, ngày 15/4/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Sau khi đã ổn định công việc triều chính, năm 1430, Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (hay còn gọi là Lam Kinh). Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về quê hương Lam Sơn an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, đất quý vương và là nơi Thánh địa của nhà Lê.
Nơi đây, không chỉ là nơi hướng về cội nguồn của con cháu dòng họ Lê mà còn là nơi hướng đến của du khách trong và ngoài nước. Với nhiều du khách khi đế với Lam Kinh sau khi đi thăm thú cảnh quan, dâng hương tưởng niệm người anh hùng dân tộc và chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo như: Ngọ môn, Chính điện, Thái miếu, bia Vĩnh lăng… du khách không thể bỏ qua Vĩnh Lăng - nơi nhà Vua an nghỉ.
Tiếp đến là Chính điện đang được phục dựng, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành
Sau Chính điện là đến Thái miếu, hiện mới trùng tu được 5/9 Thái miếu
Lăng mộ vua được xây dựng trên một giải đất bằng phẳng, nằm dưới chân núi Dầu, trên trục Bắc - Nam, phía sau lấy núi Dầu làm hậu chẩm, phía trước có núi Mục, núi Chùa làm tiền án, bên trái có núi Phú Lâm (núi Hổ), bên phải có núi Hướng và núi Hàm Rồng, tạo thành hai cánh tay ngai với thế long chầu, hổ phục. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm và trang trọng.
Cây ổi "cười" bên mộ Vua
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Trịnh Đình Dương, Trưởng ban quản lý Khu di tích vừa giới thiệu về những công trình kiến trúc, những đặc điểm nổi bật của quần thể Khu di tích và đặc biệt là Vĩnh Lăng.
Anh Dương dừng chân trước một cây ổi, biết chúng tôi đang tò mò về hiện tượng cây ổi “cười” mà lâu nay dư luận đang xôn xao, anh nói: “Đây là cây ổi có hiện tượng rất kỳ lạ mà chính du khách phát hiện và đặt tên là cây ổi “cười”.
Theo quan sát của chúng tôi, khi bước vào trước cửa Vĩnh Lăng, phía bên phải, sau hàng tượng quan hầu và tượng con giống đang chầu trước mộ Vua, có thể quan sát thấy cây ổi nằm khiêm tốn ở góc khuôn viên Vĩnh Lăng. Cây ổi có tuổi đời khoảng 80 năm, cao khoảng 3m chia làm nhiều nhánh. Thân, cành nhỏ, mảnh khảnh.
Đường vào Vĩnh Lăng
Dạo một vòng quanh cây ổi, anh Dương cho biết, cây ổi này ra hoa rồi quả quanh năm, quả ăn rất ngọt và ngon. Dừng chân lại dưới gốc cây ổi, như để minh chứng cho những điều mình vừa giới thiệu, anh Dương ngước nhìn lên xung quanh nói: “Đi đến đây thấy không hề có gió gì cả”, rồi anh dùng đầu ngón tay gãi nhẹ vào thân cây, ở vị trí gần gốc, thì phía đầu ngọn và nhiều cành lá có hiện tượng rung rinh không giống như bị gió đưa qua, đưa lại. Anh Dương đã thử nhiều lần cho chúng tôi chứng kiến.
Không chỉ có hiện tượng cù vào là cây ổi “cười”, anh Dương còn cho biết, khi cầm tay nhẹ vào cành ổi, nhắm mắt lại, tịnh tâm một lúc thì thấy người lâng lâng như được nâng bổng lên.
Nói về nguồn gốc cây ổi này, anh Dương cho biết, là do một người dân quê ở Nam Định hiếm muộn con cái đến đây cầu tự vào năm 1933. Sau khi sinh được con, người này đã cung tiến bốn con Voi, trồng hai cây long não, và một cây ổi. Đặc biệt là khi cán bộ Ban quản lý chiết cành đem trồng ngoài khuôn viên Vĩnh Lăng thì cây không "cười" nữa.
Nhiều du khách khi đến với Lam Kinh, vừa được ngắm cảnh quan, các công trình kiến trúc, được nghe giới thiệu về lịch sử, còn rất hào hứng khi trực tiếp trải nghiệm xem hiện tượng kỳ thú về cây ổi “cười”.
Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm và trang trọng
Nghệ sỹ Xuân Bắc sau khi tham quan khu di tích Lam Kinh nhận xét: “Theo những gì tôi thấy thì Lam Kinh chưa được mọi người biết đến để xứng đáng với cái tầm của Lam Kinh đang có. Khi vào, tôi thấy nền đá xanh được làm rất chỉn chu, rồi những gian điện đã được trùng tu, xây dựng lại trên nền cũ, cả nơi đức vua an nghỉ, trong một quần thể rừng như thế này nữa, tôi có thể nói đây là một nơi cực đẹp, hiếm có ở những nơi khác bì kịp và khi được nghe nói về lịch sử nữa thì không gì bằng. Qua những gì tôi thấy, ở đây đã được quan tâm, quy hoạch có bài bản và nhiều nơi không được quy hoạch như thế này”.
“Về cây ổi, tôi thấy rất lạ, thường nguyên tắc chúng ta tác động ở một địa điểm ở nơi khác nó rung thì không có gì là lạ cả. Nhưng tôi thấy lạ nhất là khi chúng ta chạm nhẹ một lực tưởng như là không tác động được thì ở cành lá của cây lại rung lên. Cái này cũng rất khó giải thích, nhưng khi chúng ta trực tiếp được, làm rồi thì chúng ta sẽ tin. Tất nhiên, giải thích trên cơ sở khoa học, lý luận thì hoàn toàn chúng ta có thể giải thích được là khi tác động dưới gốc thì trên ngọn nó rung, giống như chúng ta trèo cây thôi. Thế nhưng ở đây, chúng ta nói là lực tác động cực nhỏ, cực nhẹ, ấy vậy mà gây ra lực rung cực lớn, cái đó cũng còn phải nghiên cứu, bởi vì nó rất kỳ lạ”, nghệ sỹ Xuân Bắc chia sẻ.
Hiện tượng kỳ thú này chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng thu hút sự quan tâm, tò mò của không ít du khách khi đến với vùng đất Lam Kinh. Và hiện tượng này đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.
Cây Đa thị có đường kính lớn nhất trong khu Lam Kinh, cây đa phát triển ôm trọn cây thị
Bia Vĩnh Lăng - tấm bia độc nhất vô nhị ở Việt Nam và đã được công nhận là bảo vật quốc gia
Dòng sông Ngọc
Từ Vĩnh Lăng nhìn về khu vực Thái miếu
Voi chầu ở khu Vĩnh Lăng
Ông Trịnh Đình Dương thử cù nhẹ vào cây ổi thì cây ổi "cười"
Nghệ sỹ Xuân Bắc cũng trực tiếp thử xem hiện tượng cây ổi "cười"
Nhiều du khách nắm tay vào cành ổi và tĩnh tâm để cảm nhận sự thư thái.