Nhà ngoại giao kỳ cựu Phan Doãn Nam - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng có thời gian dài giúp việc cho cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - chia sẻ những nhận định của ông về Hiệp định Geneva 1954. Trong bối cảnh thời sự hiện nay, nhà ngoại giao Phan Doãn Nam cũng nhấn mạnh về "nhân tố" Trung Quốc tại Hội nghị Geneva.
Quang cảnh hội nghị geneva (ảnh tư liệu).
Không có Hiệp định Geneva, sẽ không có Hiệp định Paris 1973
Ông Phan Doãn Nam khẳng định, không có Hiệp định Geneva, sẽ không thể có Hiệp định Paris 1973 và không có giải phóng miền Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, rõ ràng đây là thắng lợi ngoại giao của Việt Nam. "Đó không phải là mị dân, mà hoàn toàn là sự thật" - ông Nam nói. Ông Nam nhớ lại, trong đoàn Việt Nam đi đàm phán ký kết Hiệp định Geneva có người bác ruột của mình.
Đó là lần đầu tiên Việt Nam xuất quân ra ngoại giao quốc tế, từ chỗ nằm trong rừng đến lúc ra thế giới, thấy gì cũng lạ và ngơ ngác. Ngay cả cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà ngoại giao giỏi, nhưng cũng là lần đầu tiên ra quốc tế. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, phái đoàn Quốc gia Việt Nam do ông Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn, sau được thay thế bởi Nguyễn Trung Vinh rồi Trần Văn Đỗ.
Việt Nam đối chọi với 6 đoàn đàm phán hùng hậu của Anh do Ngoại trưởng Anthony Eden làm trưởng đoàn, Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Bedell Smith dẫn đầu, Liên Xô do Ngoại trưởng Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn, Trung Quốc do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai dẫn đầu, Pháp do Ngoại trưởng Georges Bidault, giai đoạn sau là Pierre Mendès France - Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng - làm trưởng đoàn. Đoàn Hoàng gia Lào do Ngoại trưởng Phui Sananikone làm trưởng đoàn, đoàn Hoàng gia Campuchia do Ngoại trưởng Nhiek Tieu Long, sau đó Ngoại trưởng Tep Phan dẫn đầu.
Ông Nam cho biết, lúc bấy giờ trong Bộ Ngoại giao cũng có nhiều ý kiến cho rằng ta nên tiếp tục đánh Pháp, để Pháp thua chạy, giải phóng luôn miền Nam. Nhưng sau này trung ương nhận định rõ, đó là tư tưởng nóng vội, chủ quan. Vào thời điểm bối cảnh lúc đó, các nước lớn muốn hòa hoãn, bản thân ta thấy sau trận Điện Biên Phủ cũng phải có thời gian để hồi phục, bởi đã hao tổn, mệt mỏi sau trận chiến này.
Ông Nam nói rằng, nghiên cứu lịch sử phải dựa vào bối cảnh, lấy kinh nghiệm bây giờ để áp đặt vào điều kiện lịch sử hồi đó là cách hiểu không đúng. Trong bối cảnh lâu dài, Hiệp định Geneva là một thắng lợi của ngoại giao Việt Nam. Không có Hiệp định Geneva sẽ không có một nửa đất nước được giải phóng để trở thành hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh sau này.
"Nhân tố" Trung Quốc
Từ 26.4.1954, Hội nghị Geneva khai mạc để giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, nhưng cuộc thảo luận Triều Tiên tại Geneva không đạt kết quả. Ngày 7.5.1954, Điện Biên Phủ thất thủ, phái đoàn Pháp bị mất mặt tại hội nghị, cuộc họp thảo luận về Đông Dương thực sự bắt đầu ngày 8.5.1954. Về "nhân tố Trung Quốc", Hội nghị Geneva là cơ hội quan trọng để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính tại Châu Á. Liên Xô mời Trung Quốc tham dự, vì cho rằng không thể thảo luận các vấn đề Viễn Đông nếu không có Trung Quốc.
Trong khi đó, các nước phương Tây cần Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, tham gia Hội nghị Geneva, mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố: "Ba nước Đông Dương sẽ không tham gia vào bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ".
Nhìn lại lịch sử, ông Phan Doãn Nam cho rằng, trên bàn đàm phán Hiệp định Geneva, có thể có những âm mưu thỏa hiệp của các nước lớn, họ chen lợi ích của họ vào đó, nhưng tựu trung, đấy là một bước thắng lợi của ngoại giao Việt Nam, dù có những điều chưa được như mong muốn. Ông Nam cho biết, trước Hội nghị Geneva, Thủ tướng Chu Ân Lai từng muốn chiến tranh Việt Nam có thể giải quyết theo Triều Tiên, tức là đình chiến và đàm phán. Nhưng ngay từ đầu, Trung Quốc đã thấy Việt Nam không dễ bị "sai bảo". Sau đó, Trung Quốc muốn Việt Nam phải phục tùng Trung Quốc, chia cắt lâu dài Việt Nam, làm cho Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc.
Ở Hội nghị Geneva, Trung Quốc bàn riêng với Pháp, mà đáng ra ngay từ đầu Việt Nam phải làm điều đó. Sau này, Bác Hồ trả lời phỏng vấn báo chí Thụy Điển đã nói rằng, Việt Nam và Pháp có thể đàm phán, nhưng không ai chú ý điều này. Ngay cả việc lấy vĩ tuyến nào làm ranh giới hai miền, chúng ta từng đưa ra các phương án vĩ tuyến 13 (khoảng tỉnh Phú Yên) hoặc vĩ tuyến 14 (khoảng Bình Định). Tuy nhiên, Trung Quốc đưa ra vĩ tuyến 16 (dưới Đà Nẵng), nhưng cuối cùng vĩ tuyến 17 được quyết định làm ranh giới chia cắt đất nước.
Ông Phan Doãn Nam cho biết, sau Thế chiến II, Liên Xô tập trung xây dựng đất nước nên muốn Trung Quốc "gánh đỡ" Đông Dương và Triều Tiên. Trung Quốc lợi dụng điều đó để làm tới. Ngay tại Hội nghị Geneva, Trung Quốc đã tiếp xúc với chính quyền miền Nam Việt Nam. Do vậy, chúng ta ở thế rất khó, chấp nhận giới tuyến để có hòa bình. Nhưng chính điều đó cho thấy, việc đạt được Hiệp định Geneva là vấn đề chiến lược lâu dài, giành được một nửa đất nước rồi mới xây dựng cách mạng.
Ông Nam kể rằng, ông có thời gian làm cán bộ ngoại giao tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc, nên ông hiểu rõ nước láng giềng phương Bắc này. Ông nhớ lại, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sửa lại kế hoạch đánh Điện Biên Phủ theo kiểu đánh chắc, thắng chắc, Chu Ân Lai thấy Việt Nam "ghê gớm", không phải dễ sai bảo. "Mình có sự tự chủ, không phải ai bảo gì nghe nấy" - ông Nam nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu nhận định, thắng lợi của Hiệp định Geneva là rõ ràng, dù có những điều chưa như mong muốn. Nhưng đó là những bài học để rút kinh nghiệm. Cần nhớ rằng, thắng lợi là cơ bản, không có nó, không có sự phát triển sau này. Nhìn lại lịch sử phải có quan điểm lịch sử, lấy cái mới áp đặt là không được; nhưng cũng không nên bóp méo, bênh vực cho những cái chưa đúng.