Bia trấn ải ở Pha Long, Mường Khương, Lào Cai
35 năm, thời gian chưa đủ để ông quên đi bữa cháo nếp cuối cùng. 35 năm, ông vẫn nhớ như in hình ảnh của những người đồng đội trong tổ tam tam: Những Trần Văn Thái. Những Vi Văn Cao.
Pháo đài Đồng Đăng và pháo hoa Trung Quốc
Năm đó, binh nhì Triệu Quang Điện vừa cưới vợ được 4 tháng, cũng vừa qua khóa huấn luyện 4 tháng ở Đông Khê, trở lại Lạng Sơn vào đúng buổi chiều ngày 16, khi phía Trung Quốc cho người đuổi trâu dò phá những bãi mìn biên giới.
5h sáng, khi pháo bắn cấp tập vào Đồng Đăng, ông cùng hai người đồng đội trong tổ thậm chí còn chưa kịp ăn nồi cháo gạo nếp đã đặt trên bếp để vội vã xách súng lên chốt ngay tại khu vực Đền Mẫu, pháo đài Đồng Đăng.
Tới 7h, sương còn chưa tan thì lính Trung Quốc đã kéo sang khắp nơi. Ba người kê súng bắn. Ông Điện, giữ súng trung liên bắn suốt 1 giờ đồng hồ.
“Hồi huấn luyện, tôi bắn bia được 3 điểm 9 - ông Điện nhớ lại - nhưng hôm đó, lính Trung Quốc lên quá đông, có lẽ là không cần bắn giỏi cũng có thể trúng”. Riêng tại chốt Đền Mẫu, binh nhì Điện đã tiêu diệt tới 30 lính Trung Quốc.
Lính Trung Quốc cứ theo tiếng kèn lớp lớp xông lên. Bị hắt ngược trở lại, rồi lại xông lên.
Trong một thời khắc, khi ông vừa nhảy xuống hào thay đạn thì chỉ nghe “bầm”. Ngoảnh lại, nơi 2 người đồng đội nằm chỉ còn lại một hố pháo đen xì. Không còn chút vết tích.
Tới 10h, xe tăng Trung Quốc đã tràn ngập khắp nơi. Pháo binh Trung Quốc nã đạn vào pháo đài trong suốt nửa ngày 18.
Bấy giờ trong hang Đền Mẫu, ngay phía dưới chốt của ông Điện có tới 300 - 400 dân tới tránh pháo.
Đến tối 18, đơn vị ông nhận được phương án đưa dân trong hang ra. Và chỉ trong một đêm, binh nhì Triệu Quang Điện trực tiếp đưa dân, ra ra vào vào 3 lần để cõng được ra 3 người đồng đội bị thương nặng.
Chúng tôi theo lối mòn trèo lên pháo đài Đồng Đăng, nơi bị đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến biên giới.
Vào ngày 17.2.1979, 2 sư đoàn bộ binh Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tấn công ác liệt nơi này.
Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn.
Tháng 2 năm nay, pháo đài trở nên cô đơn, trơ trọi giữa sự náo nhiệt của lễ hội Đền Mẫu.
Hoặc như ở chính cái nơi mà lính Trung Quốc xả súng vào chiếc xe cứu thương 12A 04-35 của bệnh viện Lạng Sơn đi Đồng Đăng cứu nhân dân bị thương, giết chết cả người lái xe, cả BS Nguyễn Thu Thủy, y tá Trịnh Thị Sâm, giờ một con đường mới đã được mở ra dập dìu xe cộ, hàng hóa thông thương qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Quá khứ không dễ quên. Nhất là khi đó là những gì đau thương nhất. Cho dù theo thời gian, những nhân chứng chiến tranh giờ đã lần lượt ra đi. Ông Hoàng A Tỉn, nhân chứng thảm sát trong sân Bách hóa tổng hợp Bát Xát đã mất 2 năm trước.
Đến Tổng Chúp, lại nghe tin ông Nông Văn Ất, nguyên trưởng trại giống Đức Chính, người đã mất vợ và 4 đứa con trong vụ thảm sát Tổng Chúp giờ cũng không còn.
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long
Nhưng cũng có những tấm bia trấn ải mới được dựng lên. Ngay bên tay phải đồn biên phòng tiền tiêu Pha Long, Mường Khương, Lào Cai, có những dòng chữ mới, được in trên bia đá:
Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.
Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh dịch: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.
Thiếu tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên đồn Pha Long cho biết tấm bia trấn ải vừa được dựng hồi tháng 5, đúng vào điểm đối diện đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Bên này từng hàng, từng hàng tên tuổi của 37 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc được khắc chìm trong đá xám.
Năm ấy, những chiến sĩ công an vũ trang còn trẻ măng đã đánh đến viên đạn cuối cùng, đã đâm gẫy đến chiếc lưỡi lê cuối cùng để bảo vệ tổ quốc.
Ngày 17.2.1979, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một người lính Pha Long đã gửi bức điện cuối cùng về hậu phương. Và cũng chỉ vài chữ, đại ý: Chúng tôi hết đạn. Xin Vĩnh biệt.
Chợt nhớ đến những câu thơ Vương Trọng:
Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.
…
Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!..
Năm nay, chỉ duy nhất một, trong số gần bảy chục gốc đào ở Pha Long đơm hoa.
Không xa Pha Long là điểm cao Tả Ngải Chồ, nơi một đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo, anh hùng liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết đã tay bút tay súng hy sinh vào ngày 17.2.1979.