Mạc Cảnh Huống là nhân vật có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, khi xuất thân là một vị hoàng tử vương triều Mạc, nhưng ông lại một lòng phò tá nhà Nguyễn.
Phần mộ của thống thủ Mạc Cảnh Huống.
Thân thế gây nhiều tranh cãi trong lịch sử
Ông được vua Duy Tân truy ban sắc phong "Khai quốc công thần". Đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn của lịch sử chưa lời giải đáp.
Trong suốt chiều dài nghìn năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam, sự khắc nghiệt của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, của các thế lực thù địch khiến thân thế của rất nhiều nhân vật "khai thiên lập quốc" chỉ còn lại rất ít tài liệu đề cập đến. Một trong số đó là danh thần Mạc Cảnh Huống của nhà Nguyễn. Theo dấu những tài liệu lịch sử ít ỏi viết về ông, chúng tôi tìm về xóm Hoàng Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mảnh đất mà ngày xưa ông chọn làm nơi sinh sống những năm cuối đời khi tháo bỏ đai áo của vị "Khai quốc công thần" triều Nguyễn sinh sống.
Theo chân ông Nguyễn Trường Mười, Trưởng tộc họ Nguyễn Trường ở Quảng Nam, Đà Nẵng, cũng là hậu duệ đời thứ 12 của cụ Mạc Cảnh Huống lên ngôi từ đường nhỏ của dòng họ được xây trên đỉnh một quả đồi có địa thế cao hơn xung quanh. Sau khi thắp nén nhang thơm mời tổ tiên về chứng kiến, ông Mười chậm rãi lật giở từng trang gia phả giấy đã ngả "màu thời gian". Ông Mười cho biết, dòng họ Nguyễn Trường vốn xuất thân là người họ Mạc, cụ Mạc Cảnh Huống, trong gia phả của dòng họ vẫn còn ghi rõ thủy tổ của dòng họ cụ Mạc Cảnh Huống (SN 1542-1677) tên húy là Lịch, là con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang.
Quê gốc của họ Mạc ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương Đàng Ngoài nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Theo ông Mười thì họ Nguyễn Trường là dòng họ được vua ban. Sau khi cụ Mạc Cảnh Vinh kết duyên cùng con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thì được chúa ban cho phép mang họ mình. Sau năm đời mang họ vua đến đời ông Nguyễn Phước Huề thì quyết định đổi sang Nguyễn Trường, với ý nghĩa thể hiện sự vĩnh cửu của đặc ân vua ban.
Thế nhưng theo "Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử" do Viện sử học xuất bản 1966 dựa theo quyển "Lê Triều thông sử" của nhà khoa học Lê Quý Đôn thì chúa Mạc Đăng Doanh chỉ có 7 người con trai là: "Phúc Hải, Kinh Điển, Tý Trường, Lý Hòa, Hiệp Cung, Phúc Tư và Đôn Nhượng" (trang 446-447) và không có thân vương nào tên là Cảnh Huống và đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong. Thế nhưng theo sách "Đại Nam liệt truyện tiền biên" do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn thì Mạc Cảnh Huống một trong ba khai quốc công thần của nhà Nguyễn thì ông là em trai cùng cha khác mẹ với thân vương Mạc Phúc Hải, em ruột của thân vương Mạc Kính Điển, chú ruột của Hoàng hậu Mạc Thị Giai- vợ của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Còn theo ông Mười thì "Cái tên Mạc Cảnh Huống có lẽ không phải là tên thật của cụ, mà do hoàn cảnh tình huống của bản thân cụ lúc đó nên cụ mới lấy cái tên đó đặt cho mình". Cách giải thích của ông Mười nhắc đến cuộc hôn nhân giữa cụ Mạc Cảnh Huống và bà Nguyễn Thị Ngọc Dương, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn chăm lo nhà cửa, chăm sóc con cái để ông có thể một lòng dựng nghiệp. Năm 1564, Mạc Cảnh Huống lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Dương là em gái của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Vì tình yêu với vợ, tình anh em "cột chèo", năm 1568 dưới thời vua Mạc Hậu Hợp (1562-1592) ông đưa cả gia đình vào Đàng Trong với ý đồ giúp cho Nguyễn Hoàng sau này, dù lúc đó Nguyễn Hoàng còn đang phục vụ ở Đàng Ngoài theo yêu cầu của chúa Trịnh Tùng.
Do đó mà sau khi Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa lần thứ hai vào năm 1600 và trở thành chúa Tiên, thì Mạc Cảnh Huống cùng với Nguyễn Ư Kỷ và Tống Phước Trị trở thành bộ ba phụ tá đắc lực cho chúa Nguyễn sau này được sắc phong là đại khai quốc công thần.
Ông Nguyễn Trường Mười hậu duệ đời thứ 12 đang kể về thủy tổ của mình.
Tài năng quân sự, cuối đời đi tu
Vị Phật sống thọ 135 tuổi giữa kinh đô Chămpa
Ông Mạc Cảnh Huống và vợ vốn là những người rất sùng đạo Phật nên đã giúp bà con nhân dân làng Cổ Trai (Quảng Trị) xây dựng chùa thờ Phật và đặt tên là Lam Sơn Phật Tự. Đến năm 1667 khi ở tuổi 125 ông cho trùng tu ngôi chùa thờ Phật trên đồi Bảo Châu có tên gọi là Bảo Sơn Phúc hay Bảo Châu Sơn tự. Ông trở thành trụ trì của ngôi chùa này, lấy pháp danh Thuyền Cảnh Chân Tu. Nhà sư trụ trì chùa được hơn mười năm, mất ở tuổi 135, được nhân dân trong vùng và dinh Quảng Nam coi như vị Phật sống.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương thì: "Triều Nguyễn cũng đánh giá rất cao sự đóng góp của Mạc Cảnh Huống trong việc xây dựng vương triều nhà Nguyễn thuở sơ khai". Trong Liệt thánh thục lục của Quốc sử quán triều Nguyễn có viết: "Khi Thái Tổ hoàng đế vào Nam trấn Thuận Hóa, Tống Thuận Trị sớm dâng bản đồ sổ sách trong xứ lại cung Uy Quốc công Nguyễn Ư Kỷ, Thống binh Mạc Cảnh Huống, đồng tâm tận lực phụ tá vương thất, thật có công trạng trong thời kỳ quốc sơ vậy. Cảnh Huống dần dần làm quan tới chức Thống binh, góp mưu nơi màn trướng, công lao phụ tá buổi quốc sơ ngang với Nguyễn Ư Kỷ, Tống Phước Trị".
Suốt 38 năm liên tục từ 1600-1638 từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, rồi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan ông là vị chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, là người vạch ra chiến lược quân sự để chống quân Trịnh ở phía Bắc, bình quân Chiêm ở phương Nam. Dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ông đóng vai trò quan trọng trong đường lối hòa bình để bình định bộ tộc Man ở Ai Lao thường hay cướp bóc, quấy rối ở biên giới phía tây (1621). Tiếp đó ông góp công lớn trong chiến thắng của quân nhà Nguyễn trước quân Trịnh do các danh tướng Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế chỉ huy 5000 quân theo lệnh chúa Trịnh Tráng, hai lần vào các năm 1627 và 1633. Từ kinh nghiệm trong suốt thời gian dài xây dựng quân đội, từ những bài học thực tiễn trong giao tranh, Thống Thái phó Mạc Cảnh Huống đã dành thời gian và trí tuệ biên tập quyển sách về phép dùng binh gọi là "Binh thư trận đồ".
Cuốn binh thư đó tuy bị thất lạc không còn nữa. Thế nhưng theo Fiar Dimingo Navarette (1618-1686) trong quyển "Những cuộc du hành và những cuộc tranh luận" thì: "Tôi nghe nhiều lần người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nói rằng, quân đội chúa Nguyễn là những xạ thủ giỏi... Đây là lý do tại sao họ luôn giành ưu thế trong các cuộc đối đầu liên tục với chúa Trịnh". Còn giá sỹ Cristoforo Borri, người từng sống ở Đàng Trong từ 1618-1622 đã hết lời ca ngợi tính ưu việt của quân đội chúa Nguyễn dưới thời chúa Sãi: "Như vậy, ở khắp nơi, ở trên đất liền cũng như trên biển, vang dội tên tuổi quang vinh làm vẻ vang cho phẩm giá của quân đội Đàng Trong". Còn giáo sỹ Metello Saccano lại có một cái nhìn, đánh giá khác: "Với lực lượng quân sự cực kỳ nhanh nhẹn và đông đảo, chúa Đàng Trong đã giữ vững được kỷ cương trong sự thịnh vượng, an ninh được thần dân kính phục".
Tất nhiên sự hùng mạnh của quân đội Đàng Trong hiển nhiên phải có đóng góp hết sức quan trọng của huân thần Thống Thái phó Mạc Cảnh Huống với tư cách là tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Đàng Trong. Ở tuổi 96 (tức năm Mậu Dần 1638) ông mới xin chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cho ông được từ quan, nghỉ công việc để có thể toàn tâm tu hành. Ông chọn làng Trà Kiệu, huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam (nay là xóm Hoàng Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để định cư và trở thành thủy tổ của tộc Mạc ở đây.
Hiện nay bài vị của ông được thờ tại gian giữa cùng 13 vị tiên hiền khác của các tộc Ngũ Xã, trong di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu, vì những đóng góp to lớn của ông trong việc khai khẩn và phát triển mảnh đất Ngũ Xã Trà Kiệu.