Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về hệ thống đền, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở tỉnh Hà Tĩnh?
Trả lời:
Hà Tĩnh, từ thời Hùng Vương đã là một trung tâm của nền văn minh Đông Sơn, là đất văn vật nổi tiếng của thời Lê-Nguyễn. Tỉnh Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều thắng cảnh, các di tích lịch sử-văn hóa như hệ thống đền, chùa được phân bố đa dạng, phong phú mang đặc trưng của vùng miền.
Đền Thái Yên: Ngôi đền này nằm ở địa bàn xã Thái Yên, huyện Đức Thọ. Đền được xây dựng năm 1741, thờ Thành hoàng là ông tổ của làng mộc Thái Yên.
Đây là một ngôi đền cổ kính, đẹp và yên tĩnh, được xây dựng trên một mảnh đất diện tích chừng 5.000 mét vuông. Đền có cấu trúc theo lối tam tòa: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện. Kiến trúc ngôi đền là sản phẩm minh chứng cho một “bảo tàng” về điêu khắc gỗ lâu đời thuộc hàng tinh xảo của những người thợ mộc Thái Yên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Đền Cả: Còn có tên là đền Lớn hoặc đền Tam toà Đại Vương, đền nằm ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc cách thị trấn Nghèn khoảng 10 ki-lô-mét. Thượng điện xây dựng vào năm 1475, Trung điện xây dựng vào năm 1583 và Hạ điện xây dựng vào năm 1877.
Đền thờ ba vị: Lý Nhật Quang (hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ), Lý Đạo Thành và Lý Thái Gia (là hai vương hầu nhà Lý). Ba vị này đã có công hướng dẫn nhân dân vùng Tây Nam, Hồng Lĩnh khai lập nên một số làng, trong đó có làng Kẻ Ngật. Về sau đền còn thờ hai vị công thần nhà Trần tiếp tục công việc của ba vị họ Lý là Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư.
Đền Củi:
Đền Củi thờ Liễu Hạnh công chúa (Linh Từ Thánh Mẫu), sau này thờ thêm Đức Thánh Trần. Đền nằm ở sườn núi Ngũ Mã ven sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, cách Vinh khoảng 10 ki-lô-mét.
Đền Củi được xây dựng từ thế kỷ XVIII dưới thời Lê Cảnh Hưng, đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Đền có ba toà: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện. Đây là ngôi đền thờ mẫu đẹp và nổi tiếng là linh thiêng.
Đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung:
Đền thờ này nằm ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, thờ Đặng tất và Đặng Dung là hai cha con, hai tướng lĩnh tài đức song toàn, có công lớn trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi giặc tan Lê Lợi đã phong cho hai ông là “Tiết nghĩa Trung thần”. Đền được xây dựng trên diện tích đất 3.300 mét vuông. Cấu trúc đền thờ hình chữ “Nhị” gồm bái đường và thượng điện. Lễ tế tại đền tổ chức vào ngày 5 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Đền thờ Nguyễn Biểu:
Đền thờ thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ. Đền được xây dựng vào thời nhà Lê để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Biểu. Ông đỗ thái học sinh cuối đời Trần và làm Điện Tiền thái sử. Ông là một nhà ngoại giao tài tình, được Trần Quý Khoáng cử đi sứ năm 1413.
Hiện nay đền vẫn giữ được nhà bái đường, thượng điện, cột nanh, tắc môn, hai tấm bia đá. Nhiều đồ thờ, tượng chạm khắc, câu đối, hoành phi vẫn còn nguyên vẹn.
Bên cạnh những ngôi đền nổi tiếng Hà Tĩnh còn có hai ngôi chùa lớn sau:
Chùa Chân Tiên:
Chùa Chân Tiên nằm trên núi Tiên An, sát bờ biển thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc. Chùa được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ XIII), thờ Phật tổ và Thánh Mẫu.
Điện thờ Phật có diện tích 50,2 mét vuông, kiến trúc theo kiểu tứ trụ gồm ba gian lợp ngói âm dương, 4 cột xây, tường bao ba phía. Hai bên hiên chùa có tượng quan văn, quan võ. Trong chùa có nhiều câu đối cổ.
Điện thờ Thánh Mẫu gồm thượng điện, kiệu long đình, bái đường... có diện tích 56 mét vuông. Cửa thượng điện có đề bốn chữ Hán “Thiên hạ Mẫu nghi” và hình con phượng giang cánh bay lên. Kiệu long đình là nơi đặt đồ tế lễ, bốn đầu đao trên mái kiệu có 8 hình rồng. Trong kiệu có 8 con hạc chầu... Chùa Chân Tiên hiện còn lưu giữ 14 tượng Phật làm bằng gỗ mít, một bàn thờ, một lư hương, một án hương, một trống, mõ. Tại đây còn dấu chân tiên để lại trên đá khi đi vãn cảnh ở hạ giới.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, chùa Chân Tiên là một di tích lịch sử cách mạng. Đây từng là nơi luyện tập của nghĩa quân Phan Đình Phùng, là nơi hội họp của các chí sĩ yêu nước để đòi giảm sưu thuế trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, của Đảng Tân Việt năm 1928. Trong phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, chùa là trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất giữ tài liệu của Đảng.
Chùa Chân Tiên vừa là di tích văn hoá-lịch sử vừa là một danh thắng nổi tiếng ở Hà Tĩnh.
Chùa Tượng Sơn:
Chùa Tượng Sơn được xây dựng từ thời Hậu lê (đầu thế kỷ XVIII) ở làng yên Hạ, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Chùa do thân mẫu của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sáng lập.
Chùa Tượng Sơn nằm ở giữa một khu đất bằng phẳng, bốn phía đều có núi sông bao bọc. Trước mặt chùa là dòng sông Ngàn Phố, sau lưng là ngọn núi Voi đứng sừng sững, có khe suối chảy quanh năm tạo nên âm thanh rộn rã. Chính vì vậy, chùa có tên gọi là Tượng Sơn Tự, hay còn gọi là chùa Ầm Ầm.
Quần thể chùa Tượng Sơn có ba ngôi nhà: chùa Thượng, chùa Hạ, chùa Tổ. Trong chùa Thượng, chính điện thờ Phật Thích Ca, bên tả thờ ông bà Tham đốc quận công (ông bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng (thân mẫu của danh y), bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu. Chùa Hạ kết cấu một lầu chuông tám mái, hoa văn chạm trổ rất đẹp. Tầng trên để gác chuông, tầng dưới là nơi lễ bái. Sát cạnh chùa Thượng là nhà tổ, thờ tượng Tổ Đạt Ma, lịch đại Tổ Sư.
Chùa Tượng Sơn tuy nhỏ nhưng là một ngôi chùa cổ mà di tích lịch sử gắn với đại danh y Lê Hữu Trác. Chùa có nhiều pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật với dáng vẻ độc đáo. Ở đây có một pho tượng lớn tên là Bồ Tát Chuẩn Đề 18 tay. Chùa Tượng Sơn là một ngôi chùa được nhiều khách trong nước và ngoài nước biết đến.
Ngoài một số đền, chùa nổi tiếng trên, Hà Tĩnh còn có đình Hội Thống và miếu Biên Sơn, đây cũng là hai di tích lịch sử-văn hóa đã được Nhà nước công nhận.
(Xin đón đọc phần tiếp theo - Hà Tĩnh: Khu mộ Phan Đình Phùng)