HÀ TĨNH
DI TÍCH NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Ngã ba Đồng Lộc – một điểm sáng bất tử của nhữngngười anh hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hãy cho biết đôi nét về di tích ngã ba Đồng Lộc?
Trả lời:
Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1964 đến năm 1972, quốc lộ 1A bị đánh phá ác liệt, quốc lộ 15A là đường giao thông chính tuyến Bắc-Nam, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm. Ở đây máy bay Mỹ đã tập trung hàng nghìn quả bom đánh phá nhằm chặn đường tiếp tế của ta. Tính bình quân, cứ mỗi mét vuông đất chịu tới hơn 3 quả bom.
Khu di tích ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia. Khu di tích này gồm một số hạng mục như sau:
Tượng đài chiến thắng: nằm dưới thung lũng trong công viên Tuổi trẻ, nơi ngày xưa còn chi chít hố bom. Phía trước mặt tượng đài là ngã ba-nơi giao nhau của ba con đường huyết mạch và dãy núi Trọ Voi. Sau lưng tượng đài là dãy núi Mũi Mác. Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng... của bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích... Xung quanh tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng cho hoà bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc.
Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc:
Từ dưới đường lên khoảng 50 mét, qua mấy dãy tam cấp dài là Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc. Nhà bia được xây dựng năm 1998, khắc tên 1.950 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Nhà bia tưởng niệm là trang sử hào hùng bi tráng của lịch sử Việt Nam. Tên tuổi các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã, đang và sẽ được lưu danh muôn đời.
Khu mộ mười nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong:
Ngã ba Đồng Lộc cũng là nơi gắn với tên tuổi 10 nữ liệt sĩ anh hùng do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng. Tiểu đội của chị có 15 nữ thanh niên xung phong tuổi còn rất trẻ (từ 15 đến 24), chịu trách nhiệm canh giữ và sửa đường, thông xe. Trưa ngày 24 tháng 7 năm 1968, như mọi ngày, 10 nữ thanh niên ra mặt đường. Ba lần bị bom vùi, họ lại rũ đất đứng dậy, tiếp tục công việc với cuốc, xẻng san lấp hố bom, vá đường, cắm tiêu đánh dấu bom nổ chậm để tối cho xe qua. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, có một quả bom rơi sát miệng hầm, nơi 10 cô gái tránh bom nên cả 10 cô đều hy sinh.
Thi hài của các cô lúc đầu được mai táng tại đồi Bãi Dịa cách Trọ Voi 1 ki-lô-mét, sau này mới chuyển về gần nhà bia tưởng niệm ở dãy đồi Trọ Voi này. Khu mộ của 10 cô thanh niên xung phong đã được tôn tạo năm 2000, trang nghiêm và thoáng đãng. Hố bom 10 cô hy sinh hiện vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ.
Nơi yên nghỉ của 10 cô gái hiện có một cây bồ kết, dưới gốc cây là tấm bia khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Trong bài thơ có đoạn:
“... Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...”
Ngoài một số hạng mục đã kể ra trên đây khu di tích Ngã ba Đồng Lộc còn có: Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc, phòng trưng bày truyền thống Ngã ba Đồng Lộc....
(Xin đón đọc phần tiếp theo - Hà Tĩnh: Hệ thống đền, chùa)
|