Khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du - Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Hà Tĩnh là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du – danh nhân văn hóa thế giới. Hãy cho biết đôi nét về khu lưu niệm Nguyễn Du?
Trả lời:
Nguyễn Du (1765-1820) quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là Đại thi hào, là danh nhân văn hóa thế giới. Đền thờ ông được xây dựng vào năm 1825 tại quê hương Tiên Điền.
Toàn bộ khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn nằm rải rác ở làng Tiên Điền với diện tích khoảng 20 héc-ta (từ bờ sông Lam đến xứ Đồng Cùng). Riêng khu lưu niệm của nhà thơ nằm trên một diện tích đất khoảng 2 héc-ta, có tường bao quanh. Từ cổng chính vào lần lượt là nhà khách, nhà tư văn 2, nhà tư văn 1, bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh, đền thờ nhà thơ và nhà trưng bày. Nhà trưng bày có một số hiện vật quý như nghiên mực, đĩa mai hạc Nguyễn Du được tặng trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc, địa bàn của ông; nậm rượu, chén uống rượu, hòm sắc của cụ Nguyễn Nghiễm. Mộ của nhà thơ Nguyễn Du đặt tại Đồng Cùng, gồm ba hạng mục: thờ tự, phần mộ, khuôn viên. Bia đá ở đây có hàng chữ: “Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du 1765-1820”.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Hà Tĩnh?
Trả lời:
Khu lưu niệm Bác Hồ nằm ở phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh. Sau 50 năm xa quê hương, ngày 15 tháng 6 năm 1957, trước khi về quê hương Kim Liên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm và làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Để ghi nhớ công ơn và thực hiện lời dạy ân cần của Bác Hồ kính yêu, nhân dân Hà Tĩnh đã tu sửa và tôn tạo hồ sen, cầu ao nơi Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đứng nói chuyện. Cũng chính tại nơi này nhân dân Hà Tĩnh đã dựng bia tưởng niệm bằng đá hoa cương và trồng cây cảnh quanh khu vực Bác đến. Từ ngày đó đến nay, nhân dân Hà Tĩnh vẫn quen gọi đây là khu lưu niệm Bác Hồ.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về di tích cách mạng ngã ba Nghèn?
Trả lời:
Di tích cách mạng ngã ba Nghèn nằm ở địa phận xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Nghèn là chứng tích cách mạng và di tích văn hóa. Cách ngã ba Nghèn khoảng 300 mét về phía đông trước đây có chùa Nghèn và 9 ngọn tháp dựng trên núi. Tại đây cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân Can Lộc trong phong trào Xô Viết 1930-1931 rất quyết liệt. Cũng tại cầu Nghèn, dân quân tự vệ địa phương đã bắn rơi ba máy bay trong những năm chiến tranh phá hoại. Nhiều sự kiện khác cũng diễn ra tại Nghèn. Một đài tưởng niệm Xô Viết – Nghệ Tĩnh, phù điêu, nhà bia lưu danh và nhiều hiện vật được lưu giữ tại di tích này.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về các khu di tích lưu niệm lớn ở Hà Tĩnh?
Trả lời:
Hà Tĩnh là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, cũng là nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài của dân tộc. Nơi đây vẫn còn một số di tích lưu niệm có giá trị.
Di tích lưu niệm Lê Hữu Trác:
Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) sinh ở Hưng Yên. Hà Tĩnh là quê thân mẫu của ông. Các di tích lưu niệm Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn có ba công trình. Tượng toàn thân Lê Hữu Trác ở thị trấn Phố Châu, trước trụ sở Hội Y học dân tộc huyện, giữa bồn hoa hình tròn, trồng nhiều loại cây, có cả hoa và cây thuốc. Khu vườn có diện tích chừng 1 héc-ta cách Phố Câu khoảng 6 ki-lô-mét (theo đường 8A) có nhà thờ ông, lập năm 1889 đời vua Thành Thái, ngôi nhà thờ ba gian kiểu tứ trụ, dựng bằng gỗ mít, gỗ lim. Cửa ra vào chạm trổ hoa văn. Vườn ở đây trồng nhiều cây thuốc. Mộ của Lê Hữu Trác đặt tại núi Minh Tự, xã Sơn Quang.
Di tích lưu niệm Nguyễn Công Trứ:
Di tích này nằm ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) quê ở Uy Viễn, Nghi Xuân, ông là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Ngoài là một nhà thơ, Nguyễn Công Trứ còn là một nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc, được nhân dân vùng Kinh Sơn, Ninh Bình, Tiền Hải và Thái Bình lập đền thờ khi còn sống để tri ân. Hiện nay tại di tích này, còn có nhà thờ trên khuôn viên gần 2.000 mét vuông. Cách nhà thờ 200 mét là phần mộ của ông.
Khu lưu niệm Trần Phú:
Trần Phú (1904-1931) là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (10-1930 đến 9-1931). Khu lưu niệm Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, được Bộ Văn hóa quyết định thành lập năm 1959.
Nhà lưu niệm Trần Phú được xây dựng tại vị trí nhà thờ họ Trần, gồm 3 gian lợp ngói vẩy, tường bao bằng đá ong không trát, đồ thờ sơ sài. Từ năm 1984 đến năm 1988, ngành Văn hóa huyện Đức Thọ đã tôn tạo và xây dựng mới một số công trình. Khuôn viên được mở rộng thành 2 héc-ta, gồm 2 khu vực là nhà trưng bày và nhà thờ. Nhà trưng bày có diện tích 90 mét vuông, trưng bày trên 200 hiện vật và tư liệu giới thiệu về thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động của Trần Phú. Một số tư liệu về quê hương Đức thọ của Trần Phú trong việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...
Nhà thờ ở phía Tây, có các đồ tế tự, hoành phi cửa võng... Đặc biệt là nhiều bài vị của nhiều người trong dòng họ Trần được thờ rất trang trọng. Khu lưu niệm Trần Phú được tu bổ lại khang trang hơn vào năm 1994.
(Xin đón đọc phần tiếp theo - Hà Tĩnh: Di tích ngã ba Đồng Lộc)
|