Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Cột cờ Lũng Cú được coi là nóc nhà của Hà Giang. Hãy cho biết đôi nét về cột cờ Lũng Cú?
Trả lời:
Cột cờ Lũng Cú được coi là nóc nhà của mảnh đất Hà Giang thiêng liêng của Việt Nam. Cột cờ nằm cách thị trấn Đồng Văn hơn 20 ki-lô-mét, cách thị xã Hà Giang khoảng 170 ki-lô-mét. Cột cờ được dựng trên đỉnh núi Rồng, cao 300 mét so với mặt đất, 1.600 mét so với mặt biển.
Cột cờ là một khối bê tông ốp vật liệu trắng và đỏ, hình lục lăng, cao 17 mét (so với nền). Lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54 mét vuông, tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất của 54 dân tộc Việt Nam. Đứng trên đỉnh núi (chân của cột cờ) nhìn xuống dưới chân núi có hai hồ bán nguyệt, đó chính là mắt rồng. Chưa ai lý giải vì sao hai hồ bán nguyệt này chưa bao giờ cạn, cả trong mùa khô.
Tới Lũng Cú ta sẽ thấy một không gian mát mẻ, trong lành. Ta có dịp đắm mình trong những làn điệu dân ca hay trống đồng của người Lô Lô, hay những bát rượu cay nồng của người dân tộc đón khách.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về dinh họ Vương?
Trả lời:
Dinh họ Vương nằm cách thị trấn Đồng Văn 14 ki-lô-mét, cách thị xã Hà Giang 145 ki-lô-mét, xây dựng đầu thế kỷ XX. Người đứng ra chịu trách nhiệm việc xây cất Dinh họ Vương là Vương Chính Đức và con trai là Vương Chí Sình. Dinh họ Vương nằm trên địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Dinh được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993.
Dinh họ Vương có kiến trúc kiểu Trung Hoa cổ. Dinh không lớn nhưng lại có kiến trúc rất đẹp và độc đáo. Bên trái phía trước cổng có hai ngôi mộ của vợ chồng Vương Chính Đức và con Vương Chí Sình, nguyên là đại biểu Quốc hội. Đường dẫn lên cổng dinh dốc thoai thoải, tạo bậc cấp lát đá phiến lớn, vuông vức. Tường đá bao quanh dinh thự dày khoảng 60 xăng-ti-mét, cao hơn 2 mét, bố trí nhiều lỗ châu mai. Tường trong dày, kiên cố hơn nhưng thấp hơn tường ngoài, làm chức năng bó nền dinh thự. Tại đây có 10 ngôi nhà với 64 phòng (6 nhà dọc, 4 nhà ngang), thuộc tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Các hạng mục khác như lô cốt, bể nước, sân, bếp và kho, chuồng ngựa, nhà vệ sinh... Khung vách và sàn của các ngôi nhà đều là gỗ quý; chân cột kê đá chạm rất đẹp, mái nhà lợp ngói máng. Tiền dinh hướng ra cổng, tại đây treo bức hoành phi có bốn chữ “Biên chinh khả phong” được vua Nguyễn ban. Các chi tiết chạm khắc trên đá, trên gỗ thể hiện sự tinh xảo và tài nghệ của người thợ.
Dinh thự vừa là khu di tích lịch sử vừa là nơi tham quan du lịch của tỉnh Hà Giang. Nơi đây đã đón rất nhiều khách du lịch, bởi mang nét đặc trưng của vùng cao biên giới.
(Xin đón đọc phần tiếp theo - HÀ NAM)
|