Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Điện Biên Phủ là một địa danh đã làm rạng ngời trang sử Việt Nam. Hãy cho biết đôi nét về quần thể di tích Điện Biên Phủ?
Trả lời:
Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được cả thế giới biết đến, bởi những chứng tích chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam trong cuộc đọ sức với quân đội viễn chinh Pháp năm 1954. Quần thể di tích này tập trung chủ yếu ở thành phố Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm...”, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống được 16.200 quân địch; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, đánh bại kế hoạch Na-va của Pháp và Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, thừa nhận quyền độc lập và hoà bình của Việt Nam.
Hàng chục năm đã qua đi, tại đây vẫn lưu giữ nhiều chứng tích nằm rải rác khắp nơi trong vùng: các trận địa pháo, xác máy bay địch, cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm. Một số hạng mục di tích đáng kể nhất ở đây là:
1.Đồi Him Lam là trận đánh mở màn chiến dịch vào ngày 13 tháng 3 năm 1954.
2.Đồi Độc Lập là trận đánh chiếm cứ điểm ngày 15 tháng 3 năm 1954.
3.Các đồi C,D,E là những quả đồi diễn ra các trận đánh rất ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất. Tất cả đều được bảo tồn. Trên mỗi quả đồi có gắn tên bằng các chữ cái khá to ở vị trí dễ quan sát nhất, từ xa có thể nhìn rõ. Từ tháng 5 năm 2004, trên đồi D1 đã khánh thành Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.
4.Đồi A1 là điểm cao quan trọng nhất có tính quyết định của chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây bộ đội Việt Nam đã phải chiến đấu suốt 36 ngày đêm cực kỳ gian khổ. Hy sinh mất mát rất nặng nề cho cả hai phía. Tối ngày 6 tháng 5 năm 1954, bộ đội ta phát lệnh nổ quả bộc phá gần một tấn, khiến bọn địch sống sót phải đầu hàng. Bộ đội ta làm chủ trận địa.
5.Sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206: năm xưa nằm ở vị trí trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hiện nay sân bay dân dụng Điện Biên Phủ trong hệ thống đường bay nội địa của Hàng không Dân dụng Việt Nam.
6. Hầm sở chỉ huy quân đội Pháp: Hầm này nằm ở gần cầu Mường Thanh. Vị trí hầm, hình dáng, kích thước, cấu tạo của hầm chỉ huy vẫn được giữ nguyên như nó vốn có.
7.Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đây là nơi lưu giữ và sưu tập rất nhiều hiện vật mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ của quân và dân Việt Nam để làm nên chiến thắng vẻ vang mùa xuân 1954. Những hiện vật này được trưng bày cả trong nhà và ngoài trời.
8.Nghĩa trang: Nghĩa trang Đồi A1 có 644 ngôi mộ anh hùng liệt sĩ. Nghĩa trang đồi Him Lam có 986 mộ liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây hàng năm vào ngày 27 tháng 7 được nhân dân ở khắp nơi về dâng hương tưởng niệm những người anh hùng đã hy sinh vì vận mệnh dân tộc.
9.Sở chỉ huy chiến dich của bộ đội Việt Nam: Nơi đây nằm cách trung tâm Mường Thanh hơn 30 ki-lô-mét, trong một khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng. Tại đây có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, các cố vấn, bộ phận giúp việc... Gần đó trên đỉnh núi Pú Huốt đặt đài quan sát của sở chỉ huy trong những ngày chiến dịch ác liệt mùa xuân 1954. Từ đài quan sát có thể nhìn rõ toàn cảnh trận địa dưới lòng chảo Mường Thanh bằng mắt thường.
Quần thể di tích được giữ gìn, bảo quản nghiêm cẩn để các thế hệ người Việt Nam và bè bạn năm châu tận mắt chứng kiến, hiểu thêm những năm tháng chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về Tượng đài “Chiến thắng Điện Biên Phủ”?
Trả lời:
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là một tượng đài để kỷ niệm chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Là một phần trong dự án trùng tu di tích lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn 1... Với tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp cơ sở hạ tầng 13 tỷ đồng. Được coi là một trong những công trình trọng điểm chào mừng 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 đến 7-5-2004).
Quần thể Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 chiến sĩ đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ Quyết chiến Quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6 mét, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6 mét kết cấu bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Do nhà điêu khắc Nguyễn Hải-người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế trên cơ sở tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 - 1965).
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ – tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của Đại tướng võ Nguyên Giáp cùng việc thực hiện một kế hoạch khảo sát, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng) đã đề xuất chọn địa điểm đồi D1. Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50 mét so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thành phố đều nhìn thấy...
Câu hỏi: Hãy cho biết những nét chính về di tích Noọng Nhai?
Trả lời:
Di tích Noọng Nhai là một tượng đài kỷ niệm trận ném bom hủy diệt của quân đội Pháp ngày 25 tháng 4 năm 1954. Tượng đài Noọng Nhai nằm ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Tượng đài Noọng Nhai như một dấu tích đau thương về những ngày quân Pháp thua đau trên các chiến trường đã điên khùng trút 10 quả bom napan hủy diệt toàn bộ Noọng Nhai. Đây là trận hủy diệt đau thương nhất ở Điện Biên Phủ lúc đó vì 444 người dân vô tội (trong đó rất nhiều người già và trẻ em) đều bị chết oan uổng. Chính sự kiện này đã khắc sâu sự căm thù của đồng bào và nhân dân cả nước, hun đúc ý chí quyết tâm đánh giặc của đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Tượng đài Noọng Nhai được dựng lên như một sự nhắc nhở tất cả mọi người về những đau thương trong chiến tranh do thực dân Pháp gây ra trên đất nước Việt Nam.
(Xin đón đọc phần tiếp theo - Đồng Nai)
|