Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về Bảo tàng điêu khắc Chăm-pa và Bảo tàng Đà Nẵng?
Trả lời:
Bảo tàng điêu khắc Chăm-pa: nằm trong một khu vực yên tĩnh của thành phố Đà Nẵng, đầu đường Trưng Nữ Vương và đường 2 tháng 9, đối diện Đài Truyền hình Đà Nẵng. Bảo tàng được lập ra từ năm 1915, lúc đầu có tên là Hăng-ri Pac-măng-chi-ê (tên một trong số những người đầu tiên phát hiện Mỹ Sơn) về sau Bảo tàng này đổi tên là Bảo tàng Chàm (Viện Cổ Chàm) và nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm-pa. Bảo tàng có kiến trúc theo kiểu mô phỏng những đường nét của tháp Chàm. Đây là bộ sưu tập cuối cùng về văn hóa Chàm. Hiện nay bảo tàng được mở rộng tu sửa khang trang để trưng bày các hiện vật điêu khắc Chàm bằng đá và đất nung (có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV) khai quật được từ Quảng Bình đến Bình Định.
Bảo tàng được chia theo hai giai đoạn chính: trước thế kỷ X và từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, thời kỳ chấm dứt của vương quốc Chăm-pa. Các hiện vật phát hiện tại Đồng Dương, Khương Mỹ, Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Tháp Mẫm (Bình Định) và một số nơi khác, chủ yếu ở khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam được trưng bày trong bốn phòng manh tên địa danh tìm thấy hiện vật.
Từ phía sau sân trước đi vào, phòng bên trái trưng bày các công trình điêu khắc Chăm tìm thấy ở khu vực Mỹ Sơn. Các bức tượng lớn của thần Siva, tượng nữ thần Uma (vợ của Siva), các bức chạm khắc mô tả cảnh sinh hoạt của các tầng lớp tăng lữ, quý tộc.
Phòng tiếp theo là cảnh sinh hoạt của người Chàm ở kinh thành Trà Kiệu. Sau khu Trà Kiệu là nơi trưng bày các tượng Phật, tượng Hộ pháp... tương đối lớn, được phát hiện ở Đồng Dương. Phần bên phải của bảo tàng (đối diện với phần Mỹ Sơn) là những di vật phát hiện ở Trà Bàn (Bình Định) như tượng thần, vũ nữ, nhạc công...
Với trên 450 tác phẩm đã được trưng bày, Bảo tàng điêu khắc Chăm-pa ở Đà Nẵng đã khắc họa được một thời kỳ lịch sử vô cùng quan trọng của vương quốc Chăm-pa, trong đó có thời kỳ cực thịnh.
Bảo tàng Đà Nẵng: Bảo tàng thành phố Đà Nẵng nằm ở số 78, đường Lê Duẩn. Bảo tàng là một tòa nhà lớn gồm 3 tầng, bố trí đẹp, rất thoáng đáng và rất ấn tượng. Nơi đây trưng bày hơn 2.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về các chủ đề: lịch sử thành phố Đà Nẵng, chứng tích chiến tranh và dân tộc học.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về những ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa của thành phố Đà Nẵng?
Trả lời:
Chùa Phổ Đà: chùa ở 340 Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng, được xây dựng vào năm 1927.
Chùa Phổ Đà được xây dựng theo hình chữ “Khẩu”, bao gồm chính điện, hai bên là nhà khách, nhà thiền và giảng đường. Trong chính điện thờ 3 tượng Phật bằng đồng được đúc vào năm 1947. Sân trước chính điện rộng 500 mét vuông, giữa có hồ rộng hình bầu dục, giữa hồ là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao hơn 3 mét đứng trên hòn non bộ.
Phổ Đà là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng vì đây là nơi đào tạo các tăng ni của tỉnh từ hơn 3 thập kỷ qua. Trước đây có tên là chi nhánh học viện Phật giáo Trung phần. Năm 1961 đổi tên là chùa Phổ Đà. Hiện nay chùa là nơi đặt trường cơ bản Phật học của khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng.
Chùa Tam Bảo: Chùa ở số 327 Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng. Chùa được xây dựng vào những năm 1953 đến 1963 và được trùng tu vào năm 1990. Chùa có 5 tháp cao vút do thợ Quảng Nam-Đà Nẵng kỳ công pha màu trước khi nung ngói đã tạo nên 5 màu sắc biểu tượng của Phật giáo. Kiến trúc của chùa khá đặc biệt được chia làm 3 phần:
Tầng trên là chính điện, chỉ thờ một Phật tổ duy nhất. Bên cạnh điện là tủ sách Tam Tạng. Bàn thờ và bàn thuyết giảng ở chính điện làm bằng gỗ do chính vua Thái Lan trong năm đầu mới lên ngôi ban tặng.
Tầng dưới là một khu giảng đường.
Trước chùa có hai cây Bồ Đề là hai cây của Bồ Đề Đạo trường (nơi Bồ Tát thành đạo) được đưa từ Ấn Độ về trồng ở đây. Phía sau chùa có hai cây Sà Là cũng được lấy từ LumPiNi (nơi Bồ Tát ra đời).
Đây là một ngôi chùa theo phái Phật giáo Nam Tông (từ Ấn Độ sang) nên đã tạo được ấn tượng đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến lễ chùa.
Ngoài hai ngôi chùa nổi tiếng như đã nói trên, Đà Nẵng còn có một hệ thống chùa chiền, miếu mạo khá phong phú như chùa Pháp Lâm, chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, chùa Quán Thế Âm... đều là những ngôi chùa được khách thập phương biết đến bởi sự linh thiêng và có kiến trúc độc đáo.
(Xin đón đọc phần tiếp theo: Đắk Lắk)
|