BẾN TRE
Nhà thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu
Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: hãy cho biết đôi nét về Ba Tri và đền thờ Nguyễn Đình Chiểu?
Trả lời:
Ba Tri là một thị trấn thuộc tỉnh Bến Tre, nằm ở cuối cù lao Bảo, giữa sông Hàm Luông và sông Ba Lai, ngoảnh mặt ra biển Đông. Và những năm 60 của thế kỷ trước, phố chợ Ba Tri khá đông đúc, hàng quán liền kề nhau kéo dài theo bờ kênh vốn là huyết mạch giao thông. Ba Tri còn là vùng đất võ, người dân ở đây mang chí khí hào hùng, chuộng điều nhân nghĩa, trung dũng. Truyền thuyết địa phương còn mãi ca tụng ông Thanh Vệ tay không đánh cọp để bảo vệ dân làng...
Đối diện với Ba Tri bên kia sông Ba Lai, là đất Gò Công – căn cứ địa của nghĩa quân chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Trương Định. Ba Tri lại tiện đường thủy đi Vũng Tàu, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Là khu vực tiếp giáp giữa ba tỉnh miền Đông đã bị cắt nhượng cho Pháp và ba tỉnh miền Tây vẫn nằm dưới quyền cai quản của triều đình Huế sau hòa ước Nhâm Tuất (1862).
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), sau khi bất hợp tác với giặc và bè lũ tay sai, về định cư tại Ba Tri lúc 41 tuổi. Ở đây ông sống trong sự cưu mang đùm bọc của đồng bào. Ông làm thuốc, dạy học... giữ vững mối liên hệ với các thủ lĩnh nghĩa quân, viết lên những áng văn chương bất hủ thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc cao độ. Đặc biệt nhà thơ đã thể hiện chứa chan lòng xót thương ưu ái đối với những anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc (thơ văn điếu Trương Định, thơ văn điếu Phan Tòng, văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...). Ông đã mất đêm 24 tháng 5 năm Mậu Tý (tức là ngày 3-7-1888) dưới một mái tranh đơn sơ do đồng bào dựng cho ông gần phố chợ Ba Tri, sau khi ông từ chối không nhận nhà đất cũ và tiền bồi thường của chính phủ Pháp. Ngày làm lễ an táng, cánh đồng An Bình Đông (tức An Đức ngày nay) trắng xóa màu khăn tang. Bà con trong họ ngoài làng, học trò, người bệnh, bạn bè tứ xứ nườm nượp kéo về đây, ngậm ngùi tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ba tri ngày nay đã đổi khác nhiều. Đền nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã được xây trên một vạt đất cao thuộc địa phận ấp Giồng Cụt, xã An Đức của Ba Tri. Ngôi đền có quy mô vừa phải, kiểu thức giản dị nhưng trang nghiêm. Một tấm bia cẩm thạch đơn sơ dựng bên hồ bán nguyệt ngát hương sen trắng ghi dấu nền nhà cũ của cụ Đồ Chiểu. Dưới tán lá xanh tươi của mận, xoài Đồng Nai, của thông... Mộ cụ Đồ Chiểu khắc chữ “Nhật” nằm bên cạnh cụ bà Lê Thị Điền khắc chữ “Nguyệt” cũng trắng xóa một màu thanh bạch. Hàng năm vào ngày mồng 1 tháng 7 (ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu) nhân dân Ba Tri và Bến Tre thay mặt đồng bào cả nước tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhà thơ một cách rất trọng thể.
Bên cạnh những công trình kinh tế, văn hóa hiện đại khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu nằm giữa những tán lá um tùm, liền kề cánh đồng An Đức xanh mướt lúa ngô. Từ chốn xa, dòng Hàm Luông vỗ nước ra khơi như mãi hát khúc trường ca ru nhà thơ vào giấc ngủ.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về những ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở tỉnh Bến Tre
Trả lời:
Bến Tre là một tỉnh có truyền thống anh dũng chống ngoại xâm nên cũng là một tỉnh có nhiều di tích, đền đài, miếu mạo. Sau đây là một số ngôi chùa nổi tiếng được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở Bến Tre:
Chùa Hội Tôn:
Chùa Hội Tôn nằm ở ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVIII, do thiền sư Long Thiền xây dựng. Ở điện Phật có tượng Thập Điện Minh Vương bằng đồng cao 0,7 mét được đúc tại Huế ở thế kỷ XIX.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm: 1805, 1884, 1947, 1992. Năm 1805 được tôn tạo tượng Phật, pháp khí... cũng trong năm này tại chùa đã đúc một quả chuông lớn.
Chùa Tuyên Linh:
Chùa tọa lạc ở ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày. Chùa được dựng vào năm 1861 và có tên là chùa Tiên Linh. Năm 1907, hòa thượng Khánh Hòa về trụ trì đã cho tu sửa lớn và năm 1924 đổi tên là chùa Tuyên Linh. Đến năm 1941, hòa thượng tổ chức trùng tu và mở rộng chùa. Năm 1983 chùa được trùng tu.
Từ năm 1920, hòa thượng chùa Tuyên Linh là một trong những vị thủ xướng “phong trào chấn hưng Phật giáo” lập ra trường học đào tạo tăng ni tại đây. Chùa có pho tượng Hộ pháp bằng đồng cao 0,70 mét, ngoài vườn chùa có tháp tổ. Chùa được xếp hạng di tích tháng 7 năm 1994.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về làng du kích Đồng Khởi ở Bến Tre?
Trả lời:
Làng du kích Đồng Khởi là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960. Làng Đồng Khởi ở xã định Thủy, huyện Mỏ Cày, cách thị xã Bến Tre 15 ki-lô-mét. Ở đây có nhà trưng bày nhiều loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bến Tre đã xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam. Đây là một địa danh đã được xếp hạng di tích cách mạng.
Bến Tre là quê hương, nơi sinh sống và an nghỉ của nhiều danh nhân. Ngoài các di tích kể trên ở Bến Tre còn có mộ Võ Trường Toản, đây là một nhà nho lớn thế kỷ XVIII và di tích tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định.
(Xin đón đọc phần tiếp theo: Bình Dương)
|