Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt?
Trả lời:
Di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) thuộc thôn Thọ Đức, Tam Đa, huyện Yên Phong. Tại Thọ Đức, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng nhiều trại quân lớn hiện nay vẫn còn dấu tích trong lòng đất: trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt, trại Mái Ấm. Trên khu vực bãi Miễu, Lý Thường Kiệt cho xây dựng một phòng tuyến lớn chặn giặc ở cửa sông Thọ Đức. Xung quanh là các khu hậu cần: kho Dốc Gạo, kho Cung ở Gò Cung, kho Gươm ở Gò Gươm.
Trong kháng chiến chống Tống 1077, khu vực Thọ Đức được xây dựng thành phòng tuyến kiên cố trong hệ thống phòng tuyến sông Như Nguyệt. Cánh quân đóng ở đây có nhiệm vụ chặn mũi tiến công của giặc từ phía núi Tiêu Lát tràn sang và làm nhiệm vụ ứng cứu cho hai cánh quân ở khu vực Như Nguyệt và Thị Cầu. Phòng tuyến vững chắc này đã góp phần tạo nên chiến thắng vang dội của quân dân nhà Lý mùa xuân năm 1077, đập tan cuộc xâm lăng của nhà Tống.
Toàn khu vực Thọ Đức hiện nay vẫn nằm trên một khu đất cao so với xung quanh. Đình, đền, chùa ở Thọ Đức cũng là những di tich lịch sử nằm trong hệ thống di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về di tích Kinh Dương Vương?
Trả lời:
Di tích Kinh Dương Vương nằm ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, bên bờ sông Đuống, được xây dựng từ lâu, đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840) di tích được tu bổ và lập bia. Công trình được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích quốc gia tháng 2 năm 1993.
Cụm di tích nằm trên diện tích đất khoảng 42.000 mét vuông, với các hạng mục kiến trúc lăng mộ, bệ thờ, bia đá (cao 1,05 mét và rộng 0,45 mét) và đền thờ. Ngày 16 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 21, việc xây cất lăng được hoàn thành. Đền thờ Kinh Dương Vương có diện tích 2.347 mét vuông, kết cấu ba gian kiểu chữ “Công”. Trong đền hiện vẫn đang lưu giữ nhiều hiện vật quý.
Thần tích lưu giữ ở đình làng có ghi “Kinh Dương Vương tự là Lộc Tục, lấy con gái của Động Đình Quân là thần Long Nữ, sinh ra Lạc Long Quân tự là Sùng Lãm. Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ sinh trăm người con. Sau năm mươi người theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển khai phá, gìn giữ, mở mang bờ cõi, ngài truyền cho con cả nối ngôi vua là vua Hùng Vương thứ nhất...”.
Di tích Kinh Dương Vương nằm ở vùng đất có nhiều di tích nổi tiếng khác như chùa Dâu, chùa Bút Tháp... Đây là những công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo của nước Nam.
Câu hỏi: Bắc Ninh là địa danh nổi tiếng của những đền, chùa, miếu, mạo... Hãy cho biết đôi nét về hệ thống đền, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở vùng đất quan họ này.
Trả lời:
Như đã nói ở trên, Bắc Ninh là một vùng đất mà những di tích lịch sử – văn hóa được hình thành rất sớm. Đây cũng là một địa danh được sử sách nhắc đến nhiều bởi những câu chuyện như đi vào huyền thoại của thế giới tâm linh. Sau đây là một số ngôi đền, chùa chính ở Bắc Ninh.
Đến Bắc Ninh ta không thể không đến thăm Đền Đô bởi nơi đây lưu giữ nhiều cổ vật quý, nhiều tư liệu lịch sử quan trọng, đặc biệt là tấm văn bia cổ của Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan khắc vào năm 1602. Đền Đô không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng của đất Kinh Bắc.
Đền Đô được xây dựng thời nhà Lê. Đền đã được trùng tu nhiều lần, lớn nhất vào triều Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, đền được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc” xung quanh có tường thành vây bọc.
Đền được chia thành hai khu vực chính: nội thành và ngoại thành. Nội thành gồm nội thất và ngoại thất. Nội thất gồm nhà hậu cung đặt ngai thờ và bài vị của tám vị vua thời Lý. Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái và các công trình nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (Lý Chiêu Hoàng). Giữa khu ngoại thất là 5 cửa rồng có đường lát đá xanh đi thẳng lên nhà vuông. Khu ngoại thành sát với tường thành ở hai đầu hồi nhà khách, mỗi bên bốn gian nhà kiệu. Từ 5 cửa rồng đi thẳng tới sát bờ hồ là nhà biểu diễn rối nước theo kiểu chồng diêm tám mái, tám đao cong. Bên hồ bán nguyệt là nhà bia.
Ảnh nguồn - Internet
Đền Bà Chúa Kho được xây dựng mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn, theo kiểu tam ban: ban Hạ, ban Trung, ban Thượng. Đền Bà Chúa Kho nằm ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Đền thờ Bà Chúa Kho. Tương truyền đây là một người phụ nữ Việt Nam giỏi tích trữ lương thực, khéo tổ chức sản xuất, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1077). Năm 1077, bà qua đời và nhân dân đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của bà. Từ lâu, đền Bà Chúa Kho đã thu hút rất nhiều khách trong nước về dâng lễ, cầu phúc, cầu tài, cầu may mắn.
Ngoài hai ngôi đền nổi tiếng, ở Bắc Ninh còn có hệ thống chùa rất đa dạng phong phú như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật tích... cùng một số ngôi đình cũng được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa như: đình làng Đình Bảng, đình Cổ Mễ, đình Đông Hồ...
(Xin đón đọc phần tiếp theo: Bến Tre)
|