TỈNH BẮC GIANG
Khu du lịch Suối Mỡ - Ảnh Internet
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về di tích Suối Mỡ?
Trả lời:
Di tích Suối Mỡ có phong cảnh hữu tình, nằm cách thành phố Bắc Giang 37 ki-lô-mét, theo đường 31 và đường 293 về phía Đông. Di tích Suối Mỡ có đền Suối Mỡ, nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn (công chúa Quế Mỵ Nương đời vua Hùng thứ 16), gồm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng nằm dọc theo dòng suối. Từ đền Hạ đến đền Thượng đi bộ khoảng 1 giờ, nếu đi theo suối phải mất khoảng 2 giờ. Đây là nơi được Nhà nước ghi nhận là di tích lịch sử.
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về di tích thành Xương Giang và di tích cách mạng Hoàng Vân?
Trả lời:
Di tích thành Xương Giang: nằm ở phường Thọ Xương, cách thành phố Bắc Giang khoảng 4 ki-lô-mét, bên cạnh quốc lộ 1A đi Lạng Sơn. Thành Xương Giang do nhà Minh xây dựng vào thế kỷ XV để trấn giữ nơi cửa ngõ đường rút quân phía Bắc. Đây là thành cổ ghi dấu ấn của nghĩa quân Lam Sơn rất rõ. Nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi do tướng Trần Nguyên Hãn chỉ huy sau gần một năm vây hãm, đã kịp đánh chiếm thành Xương Giang trước khi viện binh của quân Minh qua ngả biên giới Lạng Sơn kéo xuống nước ta. Cũng chính tại nơi đây đã diễn ra trận đánh lịch sử đánh thắng 10 vạn quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Hệ thống thành cổ Xương Giang hiện nay vẫn còn dài khoảng 600 mét, có 4 cổng chính, diện tích khoảng 27 héc-ta.
Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang vừa công bố kết quả khai quật khảo cổ học thành cổ Xương Giang (xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang) ngày 20 tháng 6 năm 2008 cho biết: Đây là ngôi thành có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi án ngữ toàn vùng Đông Bắc đất nước và che chở cho thành Đông Quan (Hà Nội) trong thời kỳ nước ta bị nhà Minh đô hộ vào thế kỷ XV. Các nhà khảo cổ đã tiến hành điều tra, thám sát khu di tích này từ đầu tháng 4 năm 2008 tại địa điểm xung quanh khu vực đồi Ngô, xã Xương Giang gồm: Giếng Phủ (giếng nước có đường kính 10 mét nằm dưới chân đồi Ngô), Trường trung học Văn hóa Bắc Giang.
Tại khu vực Giếng Phủ, các nhà khảo cổ phát hiện được vật liệu xây dựng các công trình kiến trúc như gạch lát nền, gạch ốp trang trí với đường nét tinh xảo, phong phú cùng với ngói âm có kích thước 23,8x21,5 xăng-ti-mét; những hiện vật này được nung với nhiệt độ cao. Điều này đã khẳng định xung quanh khu vực này là những công trình kiến trúc dinh thự của tầng lớp quan lại cao cấp của quân đội nhà Minh.
Các nhà khảo cổ đã khai quật tại 3 hố nằm trên đồi Ngô, phát hiện các lớp ngói ken dày, các dải ngói và các hàng trụ móng cùng lớp kè, gia cố ở phần móng.
Tại hố khai quật thứ 2, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện 3 di cốt người cổ và hiện vật gốm men Trung Quốc và Việt Nam có niên đại từ thế kỷ XIV đến XV. Hố khai quật thứ 3 còn có vết tích gạo cháy có độ sâu từ 10 đến 15 xăng-ti-mét và gần 1.600 hiện vật gồm các loại gạch ngói, mảnh vỡ các loại, 8 hiện vật đồ sành gốm men Việt Nam có niên đại thế kỷ XV và một số vật liệu gia cố kiến trúc như đinh sắt... Qua vết gạo cháy ken dày mảnh gạch ngói có thể xác định được công trình kiến trúc này là kho lương của quân đội nhà Minh. Có thể khẳng định khu vực này là tổng thể các công trình kiến trúc liên hàn gồm nơi ở của các quan lại cao cấp nhà Minh và kho dự trữ lương thực của quân đội.
Trong thời gian tới, Viện Khảo cổ sẽ cùng với bảo tàng Bắc Giang tiếp tục xây dựng kế hoạnh nghiên cứu lâu dài gồm điều tra, thám sát tổng thể thành Xương Giang, sau đó lựa chọn địa điểm quan trọng để tiến hành khai quật và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu di tích này.
Di tích cách mạng Hoàng Vân: Di tích cách mạng này thuộc huyện Hiệp Hòa, được gọi là ATK. Đây là căn cứ chuẩn bị cho công cuộc giành độc lập năm 1945. Nơi này cũng là nơi ở của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (1940-1945). Nơi đây có 7 di tích được công nhận là di tích lịch sử cách mạng như đình Hoàng Vân, đình Vân Xuyên, Nghè Sư, đình Xuân Biểu, xóm Đá...
Câu hỏi: Hãy kể tên các đình, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở Bắc Giang?
Trả lời:
Như đã nói ở trên Bắc Giang là một vùng đất có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử, đồng thời nơi đây cũng hội tụ nhiều truyền thống văn hóa của đất Kinh Bắc. Có lẽ vì thế, hệ thống đình, chùa ở Bắc Giang tương đối phong phú. Cách thành phố Bắc Giang 8 ki-lô-mét về phía Nam ta gặp đình Phúc Long. Nơi đây thờ 6 vị Đại Vương và Anh Tôn công chúa (là những người có công lớn đối với đất nước). Đến xã Đồng Lỗ, huyện Hiệp Hòa ta sẽ gặp đình Lỗ Hạnh. Đình này được xây dựng từ thời nhà Mạc, thế kỷ XVI (1576). Đình Lỗ Hạnh có kiến trúc độc đáo và rất cổ kính. Trong đình có tượng bà chúa Tiên Dung cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương. Ngoài ra còn có đình Thổ Hà được xây dựng vào đời Lê Hy Tông nằm ở làng Thổ Hà, huyện Việt Yên. Đây cũng là một ngôi đình cổ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ở Bắc Giang.
Bên cạnh các ngôi đình nổi tiếng, Bắc Giang còn có hai ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa:
Chùa Đức La: Chùa này được xây dựng vào đầu đời Trần, tọa lạc ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Chùa nằm trên một khu đất thấp, sau lưng dãy núi Cô Tiên. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc cổ và đặc biệt hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Chùa Bổ Đà: Chùa được xây dựng ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, là trung tâm Phật giáo thời nhà Lê, vốn có nguồn gốc từ thời Lý thế kỷ XI. Chùa nằm trong khuôn viên rộng có cảnh núi non đẹp, hấp dẫn du khách. Hiện nay tại chùa này vẫn là nơi giảng dạy Phật pháp của các tăng ni, Phật tử của Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang.
(Xin đón đọc phần tiếp theo: Bắc Kạn)
|