BẠC LIÊU
THÁP CỔ VĨNH HƯNG
Ảnh nguồn - Internet
Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về tháp cổ Vĩnh Hưng?
Trả lời:
Tháp cổ Vĩnh Hưng nằm ở ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, cách thị xã Bạc Liêu khoảng 20 ki-lô-mét. Theo quốc lộ 1A, từ Bạc Liêu hướng về Cà Mau 5 ki-lô-mét, đến cầu Sập, rẽ theo lối chợ Vĩnh Hưng ta sẽ gặp tháp cổ Vĩnh Hưng.
Đây là công trình duy nhất mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Ăng Ko của người Khmer còn được bảo tồn ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháp được xây dựng để thờ vị vua Khmer có tên Yacovar Man. Tháp được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992.
Tháp Vĩnh Hưng được phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền thời đó xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam Kỳ. Sau này tháp còn có một số tên gọi khác như: tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat... các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra tấm bia khắc chữ Phạn ghi việc xây dựng tháp tháng 814 tương ứng với năm 892 (sau Công nguyên) ở một cạnh tháp. Năm 2002, các nhà khảo cổ lại phát hiện thêm nhiều di vật quý ở đây.
Tháp Vĩnh Hưng được xây dựng trên một khu đất chừng 1.000 mét vuông, bình diện hình chữ nhật; một cạnh 5,6 mét; cạnh kia 6,9 mét; cao 8,2 mét (đỉnh tháp đã bị sập). Vật liệu là gạch xếp khít với nhau, không thấy vữa kết dính. Tháp có cấu trúc khá đơn giản: một gian, tường dày, mái vòm (khi chưa bị sập), một cửa nhìn về hướng Tây.
(Xin đón đọc phần tiếp theo: Bạc Liêu - Các ngôi chùa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa)
|