Câu hỏi: Hãy cho biết đôi nét về khu di tích đình Thắng Tam ở Bà Rịa-Vũng Tàu?
Trả lời:
Đình Thắng Tam là một quần thể kiến trúc nổi tiếng ở Vũng Tàu, bao gồm: Đình Thần Thắng Tam, miếu Bà, lăng Cá Ông nằm trên đường Hoàng Hoa Thám của thành phố.
Đình Thần Thánh Tam: được xây dựng vào năm 1820 đời vua Minh Mạng thờ chung ba người có công khai phá dựng nên làng Thắng Tam ở Vũng Tàu là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Lúc đầu đình chỉ là nhà tranh vách lá, năm 1965 được trùng tu mới như hiện nay.
Đình Thần Thắng Tam kiến trúc theo lối nối tiếp: sau cổng (tam quan) là một dãy nhà gồm bốn ngôi nối liền nhau bằng một lối đi bên hông: nhà Tiền hiền, hội trường, đình Trung, sân khấu võ ca. Ngôi Tiền hiền được lợp ngói âm dương, trên mái có hình “lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi, đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng, bên trong thờ Thổ Công, Tiền hiền và Hậu hiền, Tiền vãng và Hậu vãng.
Đình trung bài trí các ban thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, thần Nam Hải...
Miếu Bà: Miếu Bà nằm bên trái đình Thần Thắng Tam. Tương truyền miếu này được xây vào cuối thế kỷ XIX thờ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và hai thần nữ khác nữa.
Lăng Cá Ông: được xây dựng cùng thời với miếu Bà. Lăng Cá Ông nằm bên phải đình Thần Thắng Tam. Hiện nay trong lăng còn bảo tồn xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ hơn 100 năm trước đây và bộ xương thần Cá Ông nữa (vớt được sau bộ xương trước khoảng 40 năm) dài 12 mét, bề ngang 1,5 mét.
(Xin đón đọc phần tiếp theo: các ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử ở Bà Rịa - Vũng Tàu)