Là một tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc, Cao Bằng không có những công trình kiến trúc hoành tráng, không có những khu du lịch được đầu tư lớn nhưng phong cảnh núi rừng với thiên nhiên hùng vĩ nơi đây đã níu chân biết bao du khách!
Nằm tại vùng Đông Bắc của Việt Nam, phía Tây giáp với Tuyên Quang và Hà Giang, phía Nam giáp với Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng ngày hôm nay vẫn giữ được nét hoang sơ với núi, rừng, thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, lộng lẫy mà vẫn dịu dàng thanh thoát giữa đất trời. Bức tranh non nước xanh thẳm ấy cuốn hút bao người.
Nếu đến với Cao Bằng, chúng ta không nên bỏ qua những địa điểm du lịch hấp dẫn như thác Bản Giốc; động Ngườm Ngao; suối Lê- Nin; hang Pắc Bó; hồ Thang Hen,... Ngoài ra du khách còn có thể được đắm chìm trong không gian văn hóa độc đáo của đồng bào người Tày, Nùng,... với những điệu hát Then say đắm lòng người, những món ăn độc đáo mang hương vị của núi rừng. Chúng ta cùng khám phá vẻ đẹp vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.
|
Hành trình về nguồn Pác Bó
Khu di tích Pác Bó nổi tiếng, là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945).
Đặt chân đến khu di tích Pác Bó, mọi người sẽ cảm nhận cảnh quan nơi đây thật hoành tráng. Dừng chân nơi Nhà trưng bày khu di tích Pác Bó, bạn sẽ thấy những hiện vật trưng bày gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng nước ta giai đoạn trước năm 1945 như chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su giản dị... mà Người đã dùng. Cách khu nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không xa là núi Các Mác, suối Lênin trong xanh thơ mộng, với những đàn cá tung tăng bơi lội dưới những tán cây rừng… Tất cả tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Cảm giác bình yên như được giao hòa cùng núi rừng, sông suối… làm mọi người khó có thể quên khi đặt chân đến nơi này.
Vẫn còn đó cột mốc 108 và cây si già như chứng tích lịch sử chứng kiến giây phút đầu tiên nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc sau 30 năm xa cách. Ở lưng chừng núi, hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) là nơi ở của Người. Xa xa, bên bờ suối là chiếc “bàn đá chông chênh” nơi Người từng ngồi “dịch sử Đảng”... Mỗi hiện vật đều ghi dấu hình ảnh của Người.
Một chuyến đến thăm khu di tích lịch sử Pác Bó, du khách vừa được ngắm cảnh đẹp thơ mộng, tận hưởng không gian trong lành khoáng đạt nơi núi rừng Việt Bắc; vừa có dịp hiểu hơn về cuộc đời bình dị mà vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Ảnh: Hoài Nam |
Hùng vĩ Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng gần 90 km và cách Hà Nội gần 400 km là một địa điểm du khách không nên bỏ qua khi đến với Cao Bằng. Thác Bản Giốc là một trong 4 thác lớn và đẹp nhất trên thế giới nằm trên biên giới các quốc gia và cũng là thác nước tự nhiên lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù để đến được địa điểm trên, du khách phải vượt qua đoạn đường khúc khuỷu, quanh co, nhưng bù lại, du khách có thể cảm nhận trên cung đường này khung cảnh bình yên rất nên thơ của vùng sơn cước. Không khí thật trong lành, không có nhiều tiếng động cơ xe máy ồn ã, không khói bụi mịt mù. Dọc đường, qua khung cửa kính ô tô, núi rừng Đông Bắc hùng vĩ xen kẽ những cánh đồng bát ngát nối nhau trùng trùng, điệp điệp, những thảm cỏ xanh ngắt, vạt hoa dại ven đường lác đác điểm tô chùm hoa sim tím, những mái nhà tranh be bé nép mình bên sườn núi, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ giữa cánh đồng xanh mơn mởn… khiến du khách rất ấn tượng.
Đặt chân đến thác Bản Giốc, khung cảnh bình yên với màu xanh mát dịu hòa trong cái gió se lạnh hiện ra trước mắt. Từ phía xa, vẳng bên tai tiếng thác nước đổ xuống ầm ào, bọt tung trắng xóa một góc trời. Thác Bản Giốc được ví như "nàng công chúa ngủ trong rừng" mang vẻ đẹp kỳ vĩ, nằm trên dòng chảy Quây Sơn hiền hòa, chảy yên bình qua biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc, rồi uốn lượn quanh chân núi Cô Muông, qua những làng mạc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, sau đó tách ra thành nhiều nhánh, đột ngột hạ thấp xuống tạo nên dòng thác đẹp diệu kỳ. Từ độ cao hơn 30m, những khối nước lớn cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung tóe vô vàn tia nước mát lạnh.
Một tuyệt phẩm thiên nhiên với dòng thác chia làm hai phần, phía nam là thác cao, phía bắc là thác thấp. Thác thấp là thác chính, hùng vĩ và thơ mộng hơn, nép mình vào núi rừng rộng lớn. Nhìn từ xa, dòng nước chảy từ trên cao xuống tựa như dải lụa trắng mềm mại nằm vắt vẻo trên triền núi trong khung cảnh thanh bình với ruộng đồng xanh mướt. Vào mùa Hè, bức tường nước của thác chính như một bản hùng ca dữ dội. Dưới chân thác, những nhánh sông chảy êm đềm uốn quanh các tảng đá, nước nông và xanh trong, có thể nhìn thấy những đàn cá bơi lội. Hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh, lác đác những chùm hoa dại mọc ven bờ, làm cho cảnh sắc thêm sinh động. Bạn có thể đi thuyền tham quan toàn bộ thác Bản Giốc và ngắm những cánh rừng, đồng ruộng bên bờ Quây Sơn.
Đặc biệt, thật tuyệt biết bao nếu bạn được chứng kiến vẻ đẹp thác Bản Giốc vào buổi sáng ban mai khi ánh nắng mặt trời chiếu xiên qua làn hơi nước trên mặt thác, ánh lên thành dải cầu vồng bảy sắc lung linh, huyền ảo. Vẻ đẹp hùng vĩ thác Bản Giốc trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ.
Vẻ đẹp thạch nhũ trong động Ngườm Ngao
|
Động Ngườm Ngao - một kỳ tích thiên nhiên
Cách thác Bản Giốc khoảng 5 km là động Ngườm Ngao, đây cũng là cảnh quan tuyệt đẹp tại Cao Bằng. Động Ngườm Ngao hoang sơ, quyến rũ, mang đậm màu sắc huyền ảo. Từng chùm thạch nhũ buông rủ trong động tạo nên những hình thù kỳ lạ, kích thích sự tò mò nơi du khách. Khung cảnh rất sinh động, kỳ thú khiến ai cũng phải thán phục. Trong lòng hang động Ngườm Ngao còn có một dòng suối ngầm chảy qua, tiếng nước chảy róc rách vang vọng trong núi đá càng làm tăng vẻ bí ẩn nơi đây.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học thì động Ngườm Ngao là hang động đá vôi được hình thành khoảng 300 triệu năm cách ngày nay. Tổng chiều dài của động khoảng 2.144m gồm có 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm, Ngườm Bản Thuôn… Nhiệt độ trong động từ 18 đến 25 độ C, mùa Hè cho cảm giác mát mẻ, còn mùa Đông ấm áp.
Theo tương truyền, xưa kia trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống nên người dân tộc Tày mới đặt tên động là Ngườm Ngao, có nghĩa là Động Hổ. Tuy nhiên, có thuyết cho rằng những tiếng gầm rú được phát ra nhờ tiếng suối nước chảy trong động tạo lên nghe giống tiếng gầm của hổ dữ vì vậy người dân đặt tên động là Ngườm Ngao.
Đưa mắt nhìn bốn phía lên trên vách đá vôi, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh kì thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá… Và càng không thể bỏ qua những “điểm nhấn” nổi bật nhất của Ngườm Ngao là cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn… Tất cả những cảnh vật trên đều do thiên nhiên tạo ra từ nhũ và măng đá vôi, không hề có sự can thiệp sắp đặt của con người nhưng chúng hiện lên vô cùng sinh động, quyến rũ. Quả thực, Ngườm Ngao là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng.
Cao Bằng với non xanh, nước biếc hữu tình là một điểm đến của du lịch sinh thái, về nguồn, còn rất nhiều điều hấp dẫn để bạn khám phá với tất cả các thời điểm trong năm. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh sắc thiên nhiên thì đời sống văn hóa đồng bào sinh sống nơi đây cũng là một đề tài hấp dẫn cho những ai yêu thích.
Thanh Thảo (tổng hợp)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/cao-bang-non-nuoc-huu-tinh-20171122112209012.htm
|