12/02/2016
Bất kỳ ai có một lần may mắn được đặt chân lên Phú Quốc, hòn đảo với vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ, chắc hẳn sẽ hiểu tại sao Phú Quốc luôn được gắn với tên gọi “thiên đường đảo ngọc” và nằm trong top những điểm du lịch hấp dẫn nhất mà du khách quốc tế lựa chọn khi đến với Việt Nam. Dịp Tết Nguyên Đán, Phú Quốc sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn cùng gia đình có một kỳ nghỉ lễ tuyệt vời và lý thú.
Bãi Sao – thiên đường của biển, một trong những bãi biển đẹp nhất Phú Quốc
Dinh Cậu lung linh dưới ánh chiều tà
Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Phú Quốc có diện tích tự nhiên 593 km2, bao gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất có diện tích tự nhiên 567 km2.
Thiên đường vùng biển phía Tây Nam
Suối Tranh
Phú Quốc có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, quanh năm ấm áp với nhiệt độ trung bình khoảng 28oC, nên du khách có thể thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của Phú Quốc ở bất kì thời điểm nào trong tiết trời dịu mát.
Khám phá đảo ngọc Phú Quốc sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của rừng nguyên sinh, biển cả bao la trải dài với những bờ cát trắng mịn, làn nước trong xanh, lặn biển ngắm các rạn san hô đầy quyến rũ, tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm, thăm xưởng ngọc trai hay những vườn hồ tiêu xanh bạt ngàn… Bãi Sao, Bãi Dài, Bãi Khem, mũi Gành Dầu, Dinh Cậu, suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Đá Ngọn, làng chài cổ Hàm Ninh… mỗi địa điểm đều có những nét riêng biệt hút hồn du khách.
Suối Đá Ngọn
Đến với Phú Quốc, không ai có thể cưỡng lại được vẻ đẹp của Bãi Sao - bãi biển đẹp nhất đảo – với chiều dài hơn 7 cây số, có dáng cong cong, thoai thoải hình mảnh trăng khuyết. Cát biển ở Bãi Sao không mang màu vàng như biển Nha Trang, hay vàng đậm ngả sang nâu như biển Vũng Tàu, mà là màu trắng tinh và mịn như kem. Bãi Sao nằm gọn trong vòng tay trìu mến của hai dải núi thoai thoải, mang đến không gian yên tĩnh và khí hậu trong lành.
Đắm mình trong không gian bao la của biển cả, ba bề là tiếng sóng vỗ và ngước mắt ngắm nhìn ánh chiều tà từ Mũi Dinh Cậu sẽ là trải nghiệm hiếm ai có thể bỏ qua. Nằm đơn sơ trên một ghềnh đá độc lập, lặng lẽ nhô ra biển, Dinh Cậu là ngôi miếu cổ với mái ngói cổ kính rêu phong, nằm dưới tán xanh của cây cổ thụ có tuổi hơn thế kỷ. Chẳng cần một sự tô điểm nào ngoài chính sự tạo dựng kì lạ của tự nhiên, ở Dinh Cậu toát ra một vẻ kì bí đầy cuốn hút. Dinh Cậu được ví như biểu tượng của Phú Quốc - nơi biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những hòn đá hòa trộn với nhau thành một khung cảnh hữu tình.
Một xưởng làm nước mắm Phú Quốc
Khá biệt lập với trung tâm và các bãi biển nổi danh như Bãi Sao, Bãi Dài… của Phú Quốc, Mũi Gành Dầu chứa đựng những tâm sự rất riêng của tự nhiên biển đảo trong sự hoang vu và bằng lặng đến bất ngờ. Mũi Gành Dầu được xem như miệng cá, khi ví von hòn đảo xinh đẹp này như một chú cá lớn đang vẫy đuôi. Bãi biển uốn cong mềm mại như hình vành trăng lưỡi liềm dài hơn nửa cây số, được chở che bởi hai vồ núi vươn ra như đôi cánh chim hải âu. Cát trắng mịn màng, sóng xanh êm trải vỗ về, nước trong vắt nhìn thấu đáy. Cuối mũi Gành Dầu có một rạn đá trải rộng kỳ thú với những tảng đá biến ảo muôn hình vạn trạng.
Vườn Quốc gia Phú Quốc là địa chỉ đầy hứa hẹn cho những ai đam mê du lịch sinh thái, yêu thích phiêu lưu trong những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn vẫn giữ nguyên nét hoang sơ vốn có. Đây được xem là một trong những vườn quốc gia còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đi sâu vào bên trong những cánh rừng nguyên sinh, du khách sẽ bắt gặp một hệ động thực vật vô cùng phong phú với rất nhiều loài chim thú sống giữa một khung cảnh thiên nhiên hoang dã đến không ngờ. Vườn còn được tô điểm bởi sắc màu tinh khiết của những dòng suối nổi tiếng bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh: Suối Tranh chảy qua các ghềnh đá tạo nên những con thác mềm mại, trắng xóa trong màu xanh mượt mà của cỏ cây hoa lá; Suối Đá Bàn sở hữu những tảng đá lớn, phẳng lì, tầng tầng lớp lớp đổ dài; Suối Đá Ngọn với 7 ngọn thác hùng vĩ, đẹp đến mê hồn… Giữa rừng già, tiếng chim hót líu lo, tiếng róc rách, có khi lại ào ào của dòng suối, tất cả tạo nên một bản nhạc diệu kỳ của tự nhiên.
Hướng tới một Đặc khu Hành chính - Kinh tế trong tương lai
Thiên nhiên hữu tình trong Vườn quốc gia Phú Quốc
Đề án lập Đặc khu Hành chính Kinh tế Phú Quốc được Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang đề xuất lên Chính phủ từ cuối năm 2012 với mong muốn phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương.
Theo Quy chế hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang (ban hành kèm theo Quyết định 20/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ): Các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào Đảo Phú Quốc trong các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, cảng biển, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, tài chính - ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, y tế, nhà ở, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan.
|
Phú Quốc được đánh giá là đối thủ cạnh tranh đầy tiềm năng trong cuộc đua trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng” hàng đầu ở Đông Nam Á. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ miễn thị thực cho du khách nước ngoài đến tạm trú tại Phú Quốc trong thời hạn không quá 30 ngày càng tạo thuận lợi cho Phú Quốc trong cuộc đua hấp dẫn các du khách quốc tế.
Năm 2012, sân bay quốc tế mới ở Phú Quốc đã được xây dựng với chi phí lên đến 970 triệu USD. Mỗi năm, sân bay có thể đón tiếp 2,5 triệu hành khách. Ngoài các đường bay trong nước, các đường bay quốc tế từ Nga, Singapore, Campuchia, Hàn Quốc… đến Phú Quốc cũng đang được khai thác để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài.
Ngoài đường hàng không, ngay từ năm 2008, Cảng biển Quốc tế An Thới hiện đại đã được xây dựng với năng lực tiếp nhận 440.000 hành khách/năm và bốc xếp 28.000 tấn hàng hóa/năm. Trong tương lai, nơi này sẽ được quy hoạch thành một khu đô thị cảng quốc tế với chức năng làm đầu mối kỹ thuật, trung tâm tiếp vận thương mại, dịch vụ du lịch cho toàn đảo Phú Quốc.
Dự báo đến năm 2020, Phú Quốc sẽ đón khoảng 2 – 3 triệu lượt du khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 35 – 40%. Đến năm 2030, đảo sẽ đón khoảng 5 – 7 triệu lượt du khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 45 – 50%.
Được mệnh danh là “vương quốc” của những sản vật nổi tiếng như nước mắm, hồ tiêu, ngọc trai, Phú Quốc đang dần quy hoạch phát triển và xuất khẩu những đặc sản ra nước ngoài. Đặc biệt tháng 8/2013, Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), khẳng định chất lượng của nước mắm Phú Quốc đã chinh phục được các khách hàng khó tính của châu Âu. Để sản phẩm này vững chân ở thị trường EU, các cơ sở làm nước mắm ở Phú Quốc luôn tuân thủ một quy tắc nghề nghiệp mang tính sống còn, đó là chỉ sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống, không sử dụng bất cứ một loại chất phụ gia hay bảo quản nào.
Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc
Ngoài nước mắm, hồ tiêu được xem là đặc sản thứ hai của đảo ngọc với diện tích hiện tại khoảng 400 ha theo tiêu chuẩn Global Gap, cho sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Phú Quốc có kế hoạch phấn đấu mở rộng diện tích trồng tiêu lên 1.000 ha vào năm 2020.
Phú Quốc còn nổi tiếng là vùng nuôi trồng ngọc trai nhân tạo lớn của Việt Nam. Lợi thế là vùng biển sạch, có nhiều đảo nên kín gió, sóng lặng, rất thuận tiện cho việc nuôi trồng ngọc trai, tạo nên những hạt ngọc trai to, sáng, bóng lung linh nhiều màu sắc như hồng, trắng, đen.
Những tiềm năng lớn về du lịch, kinh tế khiến Phú Quốc đang là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư đến khai thác phát triển. Hiện tại, Phú Quốc có khoảng 136 dự án đang triển khai, với tổng diện tích 5.110 ha, tổng vốn đăng ký hơn 144.000 tỷ đồng, tập trung phần lớn vào lĩnh vực du lịch. Trong số này, nhiều dự án có vốn đầu tư vài nghìn đến vài chục nghìn tỷ đồng thuộc các tập đoàn như Vingroup, Sun Group... và một số nhà đầu tư lớn khác đã và sẵn sàng khởi động. Một dự án Casino vừa được quy hoạch tại khu sinh thái Bãi Dài với diện tích 30.000 m2, cũng được nhiều nhà đầu tư ngỏ ý tham gia với tổng vốn cam kết không dưới 4 tỷ USD. Các dự án xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc luôn đi kèm với mục tiêu bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ rừng Phú Quốc.
Vườn tiêu xanh bạt ngàn
Ông Nguyễn Thanh Nghị (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) - người được giao chuẩn bị đề án "Đặc khu Hành chính - Kinh tế Phú Quốc" và được phân công chỉ đạo đầu tư phát triển Phú Quốc - từng chia sẻ trên tờ VnEconomy: “Để phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, cần thiết phải có những chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai, nhà ở, đầu tư, thương mại, thu hút nguồn nhân lực... đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, thương hiệu và uy tín vào đầu tư phát triển Phú Quốc. Nếu được Trung ương chấp thuận đề án, đây sẽ là một bước ngoặt lớn đánh dấu bước phát triển mới mạnh hơn, nhanh hơn của Phú Quốc trong tương lai”.
Thanh Hà
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/thien-duong-dao-ngoc-phu-quoc-20160128151621828.htm
|