Sáng 23/9, TP HCM tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày Nam Bộ kháng chiến. Tham dự lễ kỷ niệm có ông Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; bà Hà Thị Khiết –Trưởng ban Dân vận Trung ương, cùng nhiều lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và đông đảo cán bộ – chiến sĩ, đoàn viên thanh niên...
Chương trình văn nghệ tái hiện những ngày quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đứng lên chống quân Pháp xâm lược lần thứ 2
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định: “Ngày 23/9/1945 – Ngày Nam Bộ kháng chiến – đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Dù trải qua hai phần ba thế kỷ, sự kiện Nam Bộ kháng chiến vẫn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta, nhất là đối với nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và các tỉnh Nam Bộ”.
Ngày 23/9/1945 – tức 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại quảng trường Ba Đình lịch sử – nhân dân Nam bộ chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do, lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập vừa giành được.
Đêm 22/9/1945, thực dân Pháp tiến hành gây hấn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trước hành động xâm lược đó, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt bằng vũ khí có sẵn trong tay, dù là vũ khí thô sơ.
Sáng ngày 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, ông Trần Văn Giàu, đã phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược…”.
Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt, chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà đèn bị phá. Mọi thứ vật dụng từ giường tủ, bàn ghế, quầy hàng,… được nhân dân sử dụng làm chướng ngại vật để cản bước tiến của quân địch.
Trong thành phố, đã tổ chức 360 tổ xung phong công đoàn, với gần 6.000 đội viên và 500 tự vệ bám trụ các vị trí chiến đấu. Ở ngoại thành, các lực lượng vũ trang cách mạng siết chặt vòng vây. Ngay ngày 23/9/1945, giặc Pháp đã vấp phải sự chiến đấu anh dũng của quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và nhận nhiều thiệt hại.
Với tầm vông và giáo mác, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định một lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm giữ vững nền độc lập dân tộc (ảnh tư liệu)
Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 24/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà còn làm cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ… Đồng bào phải cương quyết giữ vững lòng tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày Độc lập”.
“Phải đoàn kết chặt chẽ, muôn người như một, dũng cảm, thận trọng, thật kiên quyết… để đưa cuộc giải phóng của chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng” – Chính phủ Trung ương kêu gọi đồng bào đứng lên chống Pháp xâm lược.
Với quyết tâm kìm chân địch trong nội thành càng lâu càng tốt của quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã tạo thời gian và điều kiện để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước.
Theo ông Lê Hoàng Quân, tiếp nối truyền thống yêu nước, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, Đảng bộ, quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã phát huy hào khí Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”; chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thức, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ đi trước. Thành phố đã giữ vững thành quả cách mạng, khôi phục và phát triển kinh tế. Đặc biệt trong 30 năm đổi mới, thành phố đã có nhiều biến đổi sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nhớ ngày người Sài Gòn tử thủ trên những cây cầu xưa
Tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, đại diện thế hệ trẻ thành phố, giảng viên ĐH Luật TPHCM Trần Ngọc Lan Trang nói: “Nhớ về ngày Nam Bộ kháng chiến, với tính thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân miền Nam, tuổi trẻ chúng tôi nguyện phấn đấu học tập vươn lên sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Chúng tôi nguyện đem sức trẻ và trí tuệ tham gia góp phần xây dựng và bảo vệ, phát triển thành phố và đất nước; xứng đáng là những đoàn viên thanh niên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”.
Quốc Anh
http://dantri.com.vn/xa-hoi/phat-huy-hao-khi-thanh-dong-to-quoc-20150923154848911.htm