Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất , Người xứ Nghệ Kiev
Nguyễn Hoà Thứ bảy, ngày 25/05/2024
Đến với Trường Sa, các thành viên Đoàn công tác số 19 không khỏi bất ngờ và ấn tượng với tên gọi của từng tổ công tác. Với những hoạt động trên đảo, nhà giàn, mỗi khoảnh khắc, mỗi giây phút trôi qua cũng khiến mỗi người tự hào và thêm yêu Tổ quốc mình.
Tổ công tác được đặt tên theo các đảo
Từ ngày 12 đến 18/5/2024, theo kế hoạch của Quân chủng Hải quân, Đoàn công tác số 19 chúng tôi đã thực hiện hải trình đi thăm, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Đoàn công tác có 200 thành viên, được chia làm 7 tổ công tác. Thông thường, có thể các tổ công tác sẽ có tên là tổ 1, tổ 2, tổ 3 đến hết, tuy nhiên việc đặt tên cho các tổ của Đoàn công tác số 19 cũng đặc biệt khiến các thành viên trong đoàn rất ấn tượng.
Cụ thể, tổ công tác số 1 được đặt tên là Song Tử Tây, tổ công tác số 2 có tên là Sinh Tồn, tổ công tác số 3 có tên là Cô Lin, tổ công tác số 4 là An Bang, tổ công tác số 5 là Đá Đông B, tổ công tác số 6 là Đá Tây B, tổ công tác số 7 là Trường Sa và tổ công tác số 8 có tên Nhà giàn Huyền Trân.
Tên của các tổ công tác tương ứng với 7 điểm đảo và 1 nhà giàn Đoàn công tác số 19 sẽ đến thăm, động viên các lực lượng và nhân dân nơi đây.
Khá ấn tượng với tên của các tổ công tác, chia sẻ với PV Nông thôn Ngày nay, anh Đinh Hải Đăng – PV Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế cho biết, anh rất vinh dự và tự hào khi là 1 trong 200 thành viên Đoàn công tác số 19 ra thăm, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn trong năm 2024.
Hải Đăng được sắp xếp ở tổ công tác Trường Sa cùng với các văn nghệ sỹ, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí. Khi nghe tên mình thuộc tổ công tác Trường Sa, Hải Đăng rất mừng.
Ban đầu Nam PV Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế nghĩ mỗi tổ công tác sẽ đến thăm, động viên quân và dân các đảo, nhà giàn theo tên tổ công tác của mình và như thế anh sẽ không thể thăm hết được quân và dân các đảo ở Trường Sa.
Tuy nhiên khi được giải thích, Đoàn công tác số 19 sẽ đi thăm, động viên 7 điểm đảo và Nhà giàn Huyền Trân, tên mỗi tổ công tác được đặt theo tên các điểm đảo, nam PV trẻ nhất đoàn công tác rất hào hứng.
"Tôi thấy rất ấn tượng với tên gọi của các tổ công tác và vinh dự khi mình là 1 trong hàng trăm đại biểu được đến với Trường Sa lần này. Tôi sẽ nhớ mãi tổ công tác của mình, tổ công tác có tên Trường Sa, cá tên rất đặc biệt" – PV Hải Đăng bộc bạch.
Chia sẻ với PV Nông thôn Ngày nay về tên gọi của các tổ công tác trong đoàn, đại tá Đặng Văn Cảnh – Trưởng đoàn chính trị Đoàn công tác số 19 cho biết, việc đặt tên các tổ công tác trong đoàn theo tên các đảo đã được thực hiện từ lâu.
Với các đoàn công tác đến thăm, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn, căn cứ vào số lượng các thành viên trong các đoàn công tác cũng như các điểm đảo, nhà giàn mà đoàn công tác đến thăm, ban tổ chức sẽ đặt tên các tổ công tác theo các điểm đảo, nhà giàn đó.
Theo đại tá Đặng Văn Cảnh, cũng có những đoàn công tác đặt tên các tổ công tác theo số thứ tự 1, 2, 3 đến hết, tuy nhiên việc đặt tên các tổ công tác theo tên đảo, điểm đảo và nhà giàn có ý nghĩa rất đặc biệt.
Mỗi thành viên của tổ công tác từ đó sẽ ấn tượng hơn với tên của tổ công tác của mình. Những kỷ niệm, những hoạt động trong hải trình sẽ càng được ghi nhớ sâu sắc, gắn bó với các thành viên đoàn công tác.
Lá bàng vuông non ăn gỏi cá
Đảo Song Tử Tây là đảo đầu tiên mà Đoàn công tác số 19 chúng tôi đến thăm trong hải trình đến với 7 điểm đảo và nhà giàn. Thảm thực vật trên đảo Song Tử Tây rất đa dạng. Đảo có các cây phong ba, bão táp, mu, keo lá tràm, nhàu, phi lao, bàng vuông, tra… Trên đảo, các loại cây ăn trái có nguồn gốc từ đất liền cũng như nhiều loại rau xanh được cán bộ, nhân dân trên đảo trồng xanh mướt.
Đến với đảo Song Tử Tây, đoàn công tác chúng tôi được chiến sỹ, nhân dân trên đảo mời một món quà có màu nâu, trông giống thạch và có vị rất ngon. Hỏi chiến sỹ và người dân trên đảo, mọi người đều gọi đó là thạch rau câu đảo Song Tử Tây.
Chia sẻ với PV Nông thôn Ngày nay, chị Trần Thị Liên (30 tuổi, một trong những hộ dân sinh sống trên đảo Song Tử Tây) cho biết, sở dĩ chiến sỹ và nhân dân trên đảo gọi món thạch này là thạch rau câu đảo Song Tử Tây bởi vì trong thạch có một nguyên liệu dùng từ quả của một loại cây trồng trên đảo.
Ở đảo Song Tử Tây, quả tra hầu như ra quanh năm, mọc thành chùm như chùm nho. Quả khi xanh ăn có vị chát, quả cũng được sử dụng như một phương thuốc dân gian hiệu quả. Quả khi chín màu tím, dùng ăn trực tiếp như một loại hoa quả tươi hoặc ngâm đường làm siro uống giải khát, nhiều nơi gọi tên thân mật là "nho biển Trường Sa".
Theo chị Liên, món thạch rau câu đảo Song Tử Tây có màu nâu đặc biệt bởi vì trong nguyên liệu đã được dùng quả tra. Chia sẻ về công thức làm món thạch rau câu đảo Song Tử Tây, chị Liên cho biết, chị cùng mọi người dùng sữa, đường, nước cốt dừa, quả tra cùng một số nguyên liệu khác.
Món quà đặc biệt này thường được đem ra làm quà tiếp các đoàn công tác đến thăm đảo như một đặc sản của đảo Song Tử Tây.
Với đảo Trường Sa, các chiến sỹ Hải quân nơi đây cũng chia sẻ với chúng tôi một món thực phẩm rất đặc biệt. Theo binh nhất Nguyễn Văn An - chiến sỹ làm công tác hậu cần trên đảo Trường Sa, ở trên đảo dùng lá cây bàng vuông non thay cho lá sung hay đinh lăng để ăn gỏi cá.
Nguyễn Văn An dí dỏm: Món tủ của chúng em là lá quả bàng vuông non cuộn cá trộn thính, rồi chấm nước mắm cơm, ăn vừa có hương vị ấm nồng vừa pha chút chua nhẹ, tươi mát, rất đặc biệt.
An còn tâm sự, nếu sau này Trường Sa phát triển du lịch biển, An sẽ mở một nhà hàng gỏi cá lá cây bàng vuông để phát huy "nghề anh nuôi".
Cây di sản ở quần đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa hôm nay ngoài màu xanh của biển cả còn có màu xanh của thảm thực vật phong phú với đủ loại cây xanh, cây ăn quả. Trong số đó, có những cây phong ba, cây bàng vuông, cây mù u cổ thụ hàng trăm năm tuổi hàng ngày vẫn sừng sững, hiên ngang trước sóng gió, bão giông.
Vào tháng 6/2020, Vùng 4 Hải quân, UBND huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) đã phối hợp với Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức lễ công nhận 4 cây di sản ở Trường Sa gồm cây phong ba (đảo Song Tử Tây), cây mù u (đảo Sơn Ca), cây bàng vuông (đảo Nam Yết), cây mù u (đảo Sinh Tồn).
Trong số các cây di sản này, cây mù u ở đảo Sinh Tồn gần 100 năm tuổi, 3 cây còn lại có tuổi đời trên dưới 300 năm.
Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam từng nói, việc công nhận và cấp bằng cho 4 cây di sản ở Trường Sa không chỉ khẳng định ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống và sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa từ rất sớm mà còn minh chứng với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa là mảnh đất bất khả xâm phạm của Việt Nam-một đất nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán độc lập như những quốc gia khác.
Đến với Trường Sa, được chứng kiến thế trận, diện mạo ngày càng thay đổi của biển đảo thiêng liêng; được đứng dưới các gốc cây di sản của Việt Nam ở nơi cách đất liền hàng trăm hải lý, mỗi thành viên đoàn công tác đều không khỏi bồi hồi, xúc động.
Những cây di sản như cột mốc văn hoá ở Trường Sa; các cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam cùng người dân sinh sống ở huyện đảo, các ngư dân ngày đêm bám biển như những cột mốc sống chứng minh chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa ngày càng gần với đất liền, càng gần với đồng bào cả nước hơn bao giờ hết.