Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh , Người xứ Nghệ Kiev
Quỳnh Nguyễn (thực hiện) Thứ sáu, ngày 19/07/2024
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ nhất phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Phạm Thắng
Chiều 18/7, Đảng, Nhà nước đã trang trọng tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Sao vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố Quyết định và trao Huân chương Sao vàng tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về những công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc ta.
Những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bộ Chính trị vừa quyết định trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thưa ông, ý nghĩa của Huân chương Sao vàng là gì?
- Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam dành để trao tặng cho những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhà nước và của đất nước; là người có nhiều cống hiến cho đất nước.
Ý nghĩa của Huân chương Sao Vàng là ghi nhận công lao, đóng góp, thành tích của cá nhân cho thành tích của đất nước. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí của cá nhân đó trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng, của đất nước, của dân tộc.
Trong hệ thống Huân chương, cao nhất là Huân chương Sao Vàng, sau đó là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập…
Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình công tác?
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo, một chính khách nổi tiếng không những ở trong nước, là nhà lãnh đạo của Đảng, của nhân dân, mà còn được biết đến và kính trọng ở nước ngoài. Trong 3 nhiệm kỳ qua, đặc biệt từ Khoá XI (năm 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những cống hiến lớn đối với công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, thực hiện chiến lược về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Đặc biệt, Tổng Bí thư có cống hiến lớn về mặt lý luận, với công trình dày công nghiên cứu và có phát hiện mới là tác phẩm: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Đây chính là sự tổng kết quá trình đổi mới gắn liền với con đường XHCN mà Bác Hồ đã lựa chọn.
Ngoài tác phẩm lý luận lớn này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều cống hiến trên các lĩnh vực lý luận chuyên ngành. Trong đó, đồng chí là một nhà lý luận chuyên sâu với chuyên ngành xây dựng Đảng. Tổng Bí thư đã có những tác phẩm về xây dựng Đảng có ý nghĩa, tổng kết về công tác xây dựng Đảng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới. Đáng chú ý nhất là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức cán bộ.
Tổng Bí thư còn có tác phẩm viết về Nhà nước pháp quyền – là cuốn sách "Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" mới ra mắt cách đây vài ngày; tác phẩm về đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…
Từ Đại hội XI, để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, Tổng Bí thư còn trực tiếp đảm nhận cương vị Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trải qua những nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đây là cuộc chiến khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đây là cuộc chiến không ngừng nghỉ và với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ án đã được xử lý. Theo đó, mang lại tác dụng ngăn chặn, đẩy lùi, cảnh báo, cảnh tỉnh những người có ý định hay có vi phạm về các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thông qua cuộc đấu tranh này cũng nhằm đẩy mạnh giáo dục trong Đảng và tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
Trong lịch sử Đảng ta cũng sẽ ghi nhận những thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.
Như vậy, trong lĩnh vực nào, về mặt lý luận hay thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những cống hiến đặc biệt xuất sắc. Điều này đã được toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo "2 trong 1", vừa là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, vừa là nhà một nhà lý luận, nhà khoa học. Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa vai trò của một chính khách, của một nhà lãnh đạo với một nhà khoa học, một nhà lý luận.
Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và phẩm chất cao quý
Là người nghiên cứu Lịch sử Đảng, cũng là người đã từng làm việc với Tổng Bí thư một thời gian dài, ông thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã học tập và trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
- Khi nhắc đến người học trò xuất sắc của Bác Hồ, thì thứ nhất phải xác định mục tiêu, con đường đấu tranh cách mạng mà đồng chí đó kiên định. Trong đó, phải kiên định quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay khi thành lập Đảng năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định con đường, lý tưởng, mục tiêu đấu tranh và đã được toàn Đảng, toàn dân noi theo. Để trở thành học trò xuất sắc của Người trước hết phải ghi nhớ điều này.
Thứ hai, Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và cũng là một nhà lý luận nổi tiếng, được khẳng định với tư tưởng Hồ Chí Minh. Học trò xuất sắc của Bác Hồ cũng phải thấu hiểu và có trình độ trí tuệ, trình độ lý luận cao, đặc biệt là thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, khi nói đến Hồ Chí Minh là nói đến tấm gương sáng ngời về sự trung thành vô hạn với Đảng, với đất nước và với dân tộc. Bác cũng là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Khi là học trò xuất sắc của Bác Hồ phải có được phẩm chất cao quý này của Hồ Chí Minh, đặc biệt về đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có đủ 3 khía cạnh này, đặc biệt, là đạo đức, là sự cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư như Bác Hồ đã dạy. Tổng Bí thư thể hiện rõ nhất phẩm chất, đạo đức cao quý đó theo tấm gương của Bác Hồ.
Bên cạnh đó, phong cách Hồ Chí Minh, là sự gắn liền với thực tiễn, gắn liền với những quyết định, những mục tiêu chiến lược chung của Đảng với những vấn đề của cuộc sống, của nhân dân. Cùng với đó là sự kiêm tốn, giản dị, biết lắng nghe, biết vận dụng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những đồng chí được gọi là học trò xuất sắc của Bác Hồ đã thể hiện được phong cách làm việc như vậy. Phong cách của một nhà lãnh đạo tận trung với đất nước, phục sự cách mạng và phục vụ đất nước. Với tinh thần như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong vai trò lãnh đạo, trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.