Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam , Người xứ Nghệ Kiev
V.N Thứ ba, ngày 17/01/2023
Hiệp định Paris đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20; mang ý nghĩa chiến lược, để quân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển.
Sáng nay 17/1 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.
Có mặt tại buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự có mặt của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam, các cán bộ tham gia phục vụ đàm phán, ký kết cùng gia đình.
Ý nghĩa chiến lược
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưỏng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, ông cha ta luôn chú trọng hoạt động ngoại giao, tạo nên truyền thống và bản sắc riêng của nền ngoại giao Việt Nam đầy hào khí, hòa hiếu, trọng lẽ phải, chính nghĩa và công lý: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo!"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình!". Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Hiệp định Paris ký kết 50 năm trước đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20. Thắng lợi của Hiệp định Paris có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào" với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.
Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không".
Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý. Phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên thế giới. Phong trào này đã trở thành biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri loài người.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói: Thắng lợi tại Hội nghị Paris bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, truyền thống yêu nước nồng nàn, khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối; đời đời biết ơn sự hy sinh xương máu vô cùng to lớn của biết bao cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước, sự ủng hộ và hướng về Tổ quốc của kiều bào ta ở nước ngoài.
Trong thắng lợi chung của dân tộc, có đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cũng như đội ngũ cán bộ phục vụ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris.
Hội nghị Paris đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đã tôi luyện nên những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh, những con người đã trở thành những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao, được bạn bè quốc tế quý mến như các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác. Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta tri ân và ghi nhớ sự cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao và thực thi Hiệp định Paris.
Những bài học ngoại giao
Trong phát biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chỉ ra những bài học ngoại giao từ hiệp định Paris mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bộ trưởng nói: Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia- dân tộc; bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; bài học về phong cách, nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt;bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng.
Ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, thế giới đang trải qua những biến động lớn và rất phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng chung, tha thiết của các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Đã từng trải qua nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Nhân chứng từ cuộc đàm phán
Tại lễ kỷ niệm, sự có mặt của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Do tuổi cao, đã rất lâu bà Nguyễn Thị Bình mới xuất hiện trực tiếp trong một sự kiện ở Hà Nội.
Trong 5 năm đàm phán bà Nguyễn Thị Bình có mặt 4 năm và là một trong 4 người ký tên trong Hiệp định.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bình nói: Hiệp định Paris là thắng lợi có tính quyết định, đi tới giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, là kết quả gần 20 năm chiến tranh ác liệt gian khổ của cả dân tộc.
Bà bày tỏ sự tri ân chiến sĩ đồng bào hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. "Hiệp định Paris là thắng lợi của đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao Việt Nam, thắng lợi của phong trào thế giới đoàn kết với Việt Nam. Sự đoàn kết ủng hộ mạnh mẽ của thế giới đem lại thêm sức mạnh cho VN trên chiến trường và bàn đàm phán. Tôi xin thay mặt nhân dân Việt Nam gửi tới đại biểu phong trào thế giới ủng họ Việt Nam lời cảm ơn chân thành".
Nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam khẳng định: Thắng lợi của Hiệp định Paris là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đó là yếu tố quyết định thắng lợi cho chúng tôi. Tôi rất tự hào về dân tộc Việt Nam, về Đảng quang vinh. Một lần nữa xin bày tỏ cảm ơn chân thành đến các lãnh đạo và nhân dân. Tôi tin truyền thống chiến đấu của nhân dân VIệt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững.