Mối liên hệ giữa Hoàng thành và Kinh thành
Kinh thành Thăng Long là khu vực trung tâm chính trị của cả nước giữ vai trò đầu não của nhà nước, trung ương tập quyền. Phía ngoài là khu vực thành thị dân sự bao gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường công thương và một hệ thống bến, chợ của Kinh thành.
Kinh thành được giới hạn bởi hệ thống vòng thành bao bọc nhằm mục đích ngăn lũ lụt và cũng là để phòng thủ khi có quân giặc tới. Đất đai của vùng kinh thành rộng rãi là nơi cho các quan lại, các ông hoàng bà chúa ra lập dinh thự. Ngoài ta, đây cũng là nơi nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, làm giấy…phục vụ cho Hoàng thành những sản phẩm với chất lượng cao. Từ khắp các làng quê, những thương nhân, những thợ khéo tay đổ dồn về kinh đô mang theo những đặc sản, những nét tinh hoa văn hóa của vùng quê mình để góp phần làm giàu đẹp thêm cho kinh kỳ.
Khu Hoàng thành được bao bọc bởi một bức tường thành. Hoàng thành thời Lý có bốn cửa lớn thông ra bốn phía kinh thành: cửa Diệu Đức phía Bắc, cửa Tường Phù phía Đông, cửa Đại Hưng phía Nam và cửa Quảng Phúc phía Tây. Các quan từ ngoài vào Hoàng thành chầu vua đều phải đi qua cửa Đại Hưng, các cửa Tường Phù và Quảng Phúc đều thông ra khu dân cư đông đúc. Cửa Diệu Đức ở phía Bắc, trông ra Hồ Tây, nơi mà các vua chúa Việt Nam từ đời Lý về sau đều thường tới du ngoạn, giải trí và được coi là thắng cảnh bậc nhất của Kinh thành.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong lòng Thủ đô Hà Nội ngày nay
Thăng Long – Kinh đô của nước Đại Việt đã từng rất phồn thịnh vào các thế kỉ 11 – 15, dưới triều đại Lý – Trần – Lê Sơ. Nhưng do nhiều nguyên nhân và biến cố lịch sử, những dấu tích về một Kinh đô Thăng Long xưa đến nay chỉ còn lại những hoài niệm về một Kinh đô đẹp đẽ, tráng lệ và thanh lịch, khiến cho chúng ta hôm nay không thể không lần tìm, khôi phục lại.
Toàn bộ dấu ấn về diện mạo của Kinh đô Thăng Long đến nay dường như chỉ còn lưu lại trên mặt đất từng đoạn thành của vòng thành ngoài. Năm 2002 – 2003, một cuộc khai quật khảo cổ với qui mô lớn ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã lộ ra nhiều di tích và di vật phong phú, đa dạng để từ đó cho chúng ta hiệu sự phát triển liên tục của lịch sử qua các triều đại ở Thăng Long – Hà Nội.
Hiện nay, khu trung tâm Hoành thành Thăng Long Hà Nội (bao gồm trục chính tâm của Hoàng thành và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) nằm trên một khuôn viên khá rộng, hơn 18 ha, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội được giới hạn bởi Phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng và đường Hoàng Văn Thụ; Phía Tây giáp đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và khuôn viên Hội trường Ba Đình; Phía Nam giáp đường Bắc Sơn và khuôn viên Hội trường Ba Đình;Phía Tây Nam giáp đường Điên Biên Phủ; Phía Đông giáp: đường Nguyễn Tri Phương.