Anh Võ Hồng Nam (bên phải) tặng bức hình của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho lữ đoàn tàu ngầm ở Cam Ranh (Khánh Hòa).
“Trong suốt hành trình thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức vừa qua, tôi đã có dịp tới thăm Học viện Hải quân ở Nha Trang (Khánh Hòa), lữ đoàn tàu ngầm ở Cam Ranh, rồi lên tàu Trường Sa 571 tới thăm các đảo Đá Nam, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Sơn Ca, nhà giàn DK1,…. có thể nhận thấy lực lượng quân chủng đã được củng cố rõ rệt. Dù điều kiện của bộ đội còn khó khăn nhưng tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc rất cao.
Thắp nén hương lên mộ liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, dự lễ thả hoa truy điệu 64 liệt sĩ ở vùng biển Cô Lin, Gạc Ma hay cùng tham gia vào giây phút thiêng liêng trong buổi chào cờ, duyệt binh trên các đảo đều khiến các thành viên trong đoàn chúng tôi xúc động đến nghẹn lời. Khi nghe 10 lời thề được anh em chiến sĩ đọc vang giữa quần đảo Trường Sa, tôi lại nhớ tới buổi lễ hơn 70 năm trước của 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”- anh Võ Hồng Nam nhớ lại.
Anh Võ Hồng Nam tặng sách viết về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho bộ đội trên quần đảo Trường Sa (Ảnh: Ngô Xuân Lộc).
Dù sống trong điều kiện khó khăn, gian khổ nhưng trên các đảo và nhà giàn đều có phòng truyền thống, gian thờ trang nghiêm giành cho Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Ông (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) chưa bao giờ đến Trường Sa nhưng Trường Sa luôn ở trong trái tim ông. Khi còn sống, bao giờ gặp lực lượng hải quân ông cũng hỏi rất nhiều thông tin về Trường Sa và luôn đau đáu với cuộc sống của anh em chiến sĩ cũng như nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà họ đang gánh vác trên vai. Khi ba tôi mất, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa đã gửi về hoặc mang tới tận nhà những quả bàng vuông, đặt lên ban thờ. Họ cũng mang về ngôi nhà của ông những bông hoa san hô nho nhỏ, hoặc những chiến thuyền mô hình tự tay làm. Rất xúc động!”- anh Nam nói.
Anh Nam kể tiếp: “Khi hay tin ông mất, quân dân trên quần đảo Trường Sa đã tổ chức lễ tang như đưa tiễn một người lính, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Tới thăm đảo Trường Sa lần này, tôi đã lật giở, xem lại cuốn sổ tang đó và thấy nhớ ba tôi vô cùng. Đó là lòng yêu mến của bộ đội với những người có công với đất nước, với người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Một tình cảm trước sau như một, rất thiêng liêng. Tình cảm của người thân trong gia đình, thậm chí còn hơn thế nữa, sắt son chung thủy, không bao giờ thay đổi. Đó cũng là truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trao tặng bức ảnh kỷ niệm giữa Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho anh em bộ đội trên đảo Đá Nam.
Xúc động hơn khi tới thăm đảo Sơn Ca, anh Võ Hồng Nam biết được câu chuyện quân, dân trên đảo đã cùng nhau hoàn thành khuôn viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đúng 103 ngày công (bằng số tuổi của Đại tướng) khi hay tin ông qua đời.
“Ở đâu các chiến sĩ cũng hỏi tôi về Đại tướng. Những bức ảnh có chữ ký của ông, những cuốn sách viết về cuộc đời của ông và một số huy hiệu mà mọi người đã mang tới, gia đình tôi giữ lại một số và lần này mang đi tặng cho anh em bộ đội dường như vẫn không đủ. Tôi đang chuẩn bị để gửi thêm ảnh và sách cho anh em ngoài đó. Đó là những tình cảm thiêng liêng mà không từ ngữ nào miêu tả hết được”- anhNam bồi hồi.
Anh Nam cho biết sắp tới sẽ mang 3 cây bàng vuông - quà của các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa - vào Quảng Bình để trồng trên con đường dẫn vào nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ.
Kha Xuân Lộc
http://dantri.com.vn/su-kien/cam-xuc-cua-con-trai-dai-tuong-vo-nguyen-giap-trong-chuyen-tham-truong-sa-1075899.htm