Cùng Dân trí điểm qua vài nét về kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên đổi thay sau 40 năm giải phóng.
Đắk Lắk:
Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột là biểu tượng cho chiến thắng Buôn Ma Thuột oanh liệt ngày 10/3/1975. Đây là chiến thắng mở màn cho đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất Đất nước. Tượng đài nằm tại ngã 6, trung tâm thành phố. Đây là giao điểm của QL 14, 26, 27 tượng đài còn được coi biểu tượng cho thành phố. Buôn Ma Thuột còn được gọi với cái tên trìu mến “thủ phủ cà phê” Tây Nguyên, cứ 2 năm 1 lần tại đây tổ chức lễ hội cà phê quy tụ hàng trăm ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Hằng năm lễ hội đua voi được tổ chức long trọng tại Đắk Lắk, quy tụ hàng chục con voi nhà đến tham gia tranh tài. Đua voi là 1 trong những nét văn hóa đặc trưng của nơi đây. Với sự đào tạo khéo léo của các nài voi là người dân tộc bản địa, đua voi trở thanh lễ hội không thể thiếu của người dân Đắk Lắk. Hằng năm, lễ hội đua voi đã thu hút đông đảo khách du lịch, trong và ngoài nước tới thưởng thức văn hóa đặc sắc này.
Gia Lai:
Gia Lai được giải phóng ngày 17/3/1975. Sau giải phóng, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nhanh chóng ổn định tình hình, từng bước khôi phục kinh tế. Từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu… Gia Lai đã từng bước phát triển vược bậc, tốc độ phát triển kinh tế đạt khá, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 12,81%, GDP cuối năm 2014 đạt 34,1 triệu đồng/người (gấp 36 lần so với năm 1991). Diện tích cao su toàn tỉnh có hơn 100.000ha, 90.000 ha cà phê, 11.500ha hồ tiêu…
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết Gia Lai trong ngày 40 năm giải phóng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Thiên Thư).
Cà phê là một trong những cây trồng giúp người dân Gia Lai thoát nghèo.
Lâm Đồng:
Mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự chi viện của bộ đội chủ lực, quân và dân Lâm Đồng đã chớp thời cơ tiến công và nổi dậy giải phóng các địa phương. 8 giờ sáng ngày 3/4/1975, các lực lượng của ta chiếm lĩnh toàn bộ cơ sở của ngụy quân, ngụy quyền tại thị xã Đà Lạt. Kết thúc 21 năm đấu tranh gian khổ, lá cở đỏ sao vàng đã bay phấp phới trên nên trời hòa bình Đà Lạt.
Sau 40 năm giải phóng, TP. Đà Lạt đã thay da đổi thịt, từ một thị xã nghèo nàn nay đã trở thành đô thị loại 1 và là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. (Ảnh: Ngọc Hà).
Quảng Ngãi:
Sau 40 năm giải phóng đất nước, ngư dân Quảng Ngãi vẫn luôn bám giữ ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, tại đây có con tàu đầu tiên trên cả nước đóng theo chương trình hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67 của Chính phủ hạ thủy. Chính sách giúp ngư dân có tàu cá công suất lớn và vững tâm vươn khơi bám biển.
Kết thúc cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Ngãi luôn nỗ lực phấn đấu bảo vệ và xây dựng quê hương. Trên miền đất cách mạng Bình Sơn, Chính phủ quyết định đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đây là dự án đầu tiên và lớn nhất cả nước về ngành dầu khí được xây dựng ở Quảng Ngãi. Hiện nay, hàng năm nhà máy đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nhân dân đảo Lý Sơn vui mừng khi đón nhận dòng điện quốc gia bằng cáp ngầm, hạnh phúc hơn khi lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đảo Lý Sơn và dự lễ hòa dòng lưới điện quốc gia vào năm 2014. Sự kiện này đã chấm dứt cảnh không có điện ở đảo Lý Sơn trong 39 năm qua. (Ảnh: Hồng Long).
TT-Huế:
Sau 40 năm giải phóng, nền kinh tế của Huế tăng trưởng nhanh và bền vững, bình quân hơn 10% năm. Du lịch, dịch vụ chiếm 55,3% GDP tỉnh là hạt nhân phát triển. TT-Huế - đô thị loại 1 là một thành phố di sản thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố phát triển bền vững về môi trường đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hóa Huế. Hiện Huế đang tập trung xây dựng theo mô hình đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường”.
Cầu vượt phá Tam Giang là công trình quan trọng được khánh thành năm 2010 với kinh phí hơn 311 tỷ đồng. Cầu đã nối thông QL 49B ven biển bị chia cắt từ xưa đến nay bởi đôi bờ phá Tam Giang, mở ra nhiều cơ hội để khai thác các tiềm năng kinh tế vùng đất ven biển các huyện Hương Trà, Quảng Điền.
Lễ hội Festival Huế đã trở thành “thương hiệu” cho cố đô, được tổ chức 2 năm/lần thu hút hàng chục triệu lượt khách tham gia, đem đến cố đô Huế một diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là TP Festival đặc trưng của Việt Nam. Càng ngày, Festival Huế càng thu hút đông đảo nhân dân được tham gia, hưởng thụ và sáng tạo. Lễ hội diễn ra từ đường phố Huế đến các sân khấu của Hoàng cung, lan tỏa đến huyện, xã và còn nhiều chương trình dành riêng cho thiếu nhi, bệnh nhân, trẻ khuyết tật, nông dân, công nhân – thể hiện tính nhân văn sâu sắc. (Ảnh: Đại Dương).
Đà Nẵng:
Sau 40 năm giải phóng, TP Đà Nẵng đã có bước phát triển đột phá. Sau ngày giải phóng, người dân 2 bên bờ sông Hàn phải đi bằng đò. Đến nay, trên dòng sông Hàn đã có gần 10 cây cầu, trong đó có những cây cầu nổi tiếng như cầu Rồng, cầu sông Hàn. Đặc biệt, cầu vượt 3 tầng ngã 3 Huế được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2015) đã giải quyết điểm đen về tai nạn giao thông tại khu này, đồng thời là công trình có kiến trúc độc đáo, tô điểm thêm cho Đà Nẵng.
Sau giải phóng, kinh tế xủa TP Đà Nẵng hầu như chưa có gì. Đến nay, mỗi năm TP Đà Nẵng thu được khoảng 13 ngàn tỉ đồng tiền thuế. Hai bên bờ Sông Hàn, nhiều tòa cao ốc mọc lên, phố xá sầm uất tấp nập, đường sá được mở rộng khang trang hơn. Đà Nẵng được mệnh danh là TP đáng sống của Việt Nam (Ảnh: Công Bính).
Bình Định:
Những con cá ngừ đại dương đầu tiên xuất khẩu qua Nhật Bản – triển vọng mới của ngành câu cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.
Khởi công nâng cấp sân bay Phù Cát tiến tới xây dựng sân bay quốc tế không chỉ phát triển du lịch mà còn phục vụ nhu cầu cho siêu dự án lọc dầu 22 tỷ USD tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Ảnh: Doãn Công).
Khánh Hòa:
Hầm Cổ Mã thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả nằm trên Quốc lộ 1 (địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) có chiều dài 500m, quy mô gồm 2 ống hầm song song cách nhau 30m, tốc độ thiết kế 80km/h đã chính thức thông kỹ thuật ngày 22/11/2014. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng; tổng chiều dài 13,19km, được thiết kế 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,75m. Sau khi hoàn thành, chiều dài hành trình qua khu vực dự án sẽ rút ngắn 38% và thời gian đi lại giảm khoảng 80%. Đây là dự án mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho khu vực Miền Trung (Ảnh: Viết Hảo).
Diện mạo thành phố biển Nha Trang nhìn từ biển sau 40 năm giải phóng (2/4/1975-2/4/2015). Từ một thị xã nhỏ bé ven biển, sau 40 năm giải phóng, Nha Trang đã vươn lên thành một đô thị sầm uất bậc nhất ở duyên hải Nam Trung Bộ. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, những năm 1996, thu nhập bình quân người dân trong tỉnh ở mức 3,4 triệu đồng/năm; thu ngân sách hơn 760 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 1.400 tỷ đồng; hoạt động du lịch - dịch vụ chỉ với 30 khách sạn nhỏ và rất ít dịch vụ vui chơi, giải trí. Đến năm 2014, thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 15.400 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 29 ngàn tỷ đồng; hoạt động dịch vụ - du lịch với hơn 455 cơ sở lưu trú... (Ảnh: Viết Hảo)
Nhóm PV miền Trung – Tây Nguyên
http://dantri.com.vn/chinh-tri/40-nam-sau-giai-phong-mien-trung-tay-nguyen-da-thay-da-doi-thit-1055313.htm