Với địa hình nhiều sông ngòi, Việt Nam là quốc gia có nhiều cầu cảng. Không chỉ giúp nối liền giao thông, phát triển kinh tế, những cây cầu này còn là niềm tự hào của người dân địa phương và trở thành điểm du lịch hút khách.
Cầu Ánh Sao, TP Hồ Chí Minh
Đây là cây cầu dành cho người đi bộ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Cầu tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, bắc qua khu Hồ Bán Nguyệt với khu kênh đào và có số vốn đầu tư khoảng 50 tỷ Đồng.
Cầu được khánh thành vào tháng 4/2010 với chiều dài 170m, chiều rộng mặt cầu 8.3m. Hai bên thành cầu là thác nước nhân tạo. Sở dĩ cầu có tên gọi Ánh Sao vì đứng từ xa, cây cầu như một dải sao lấp lánh trong màn đêm. Phía sau có các đèn trang trí để tạo hiện ứng ánh sáng đẹp mắt. Khi du khách đi dạo trên cầu, ánh sáng 7 màu liên tục thay đổi. Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng này được dùng bằng pin năng lượng mặt trời.
Sau khi dạo chơi hồ Bán Nguyệt và cầu Ánh Sao, du khách thường dừng chân ở công viên. Nơi đây có những thảm cỏ xanh mát, hồ sen và đồi cỏ nhỏ để thưởng ngoạn cảnh đẹp của khu đô thị. Đến nay, cầu Ánh Sao đã trở thành địa điểm chụp hình quen thuộc của giới trẻ và là nơi hẹn hò lý tưởng của các cặp tình nhân.
Cầu xoay sông Hàn, Đà Nẵng
Đà Nẵng vốn được mệnh danh là “Thành phố của những cây cầu” với nhiều công trình đáng tự hào như cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... Trong đó, cầu xoay sông Hàn là một trong những công trình biểu tượng thiêng liêng nhất. Cầu khởi công vào tháng 9/1998 và khánh thành vào tháng 3/2000 nhân kỷ niệm 25 năm ngày Giải phóng Đà Nẵng. Đây là chiếc cầu quay đầu tiên do kỹ sư Việt Nam tự tay thiết kế và là chiếc duy nhất của nước ta hiện nay.
Cầu có chiều dài 487.7m, rộng 12.9m gồm 11 nhịp, mỗi nhịp 33m. Hàng ngày, vào khoảng 1 giờ đêm, phần giữa của cầu quay 90 độ quanh trục để mở đường cho các tàu lớn đi qua. Đến 4 giờ sáng, tàu sẽ quay về vị trí như ban đầu.
Hầu như hàng đêm, người dân và du khách đều tới hai bờ sông Hàn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu quay. Nhiều người cho rằng, chưa ngắm khoảnh khắc xoay 90 độ của cầu coi như chưa tới Đà Nẵng. Khoảnh khắc chiếc cầu dịch chuyển để lại nhiều cảm xúc cho khách du lịch. Bởi vậy, việc thức khuya để ngắm cầu sông Hàn đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân thành phố nơi đây.
Cầu Thị Nại, Bình Định
Đây là cây cầy vượt biển dài nhất Việt Nam nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Cầu dài gần 7km được khánh thành vào tháng 12/2006 sau 4 năm thi công. Cây cầu không chỉ là niềm tự hào của người dân đất Võ mà còn là điểm du lịch hấp dẫn khi tới TP Quy Nhơn.
Cầu Cần Thơ, Cần Thơ
Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài nhịp chính 550m. Cầu bắc ngang qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Chiều dài toàn tuyến của cầu lên tới 15.85 km, chiều rộng 23.1m với 4 làn xe.
Đứng từ cầu Cần Thơ có thể ngắm nhìn vẻ đẹp rộng rãi và trù phú ở hai bên bờ sông Hậu. Từ bến Ninh Kiều nhìn ra, du khách có thể thấy cảnh sông nước bình yên trong không gian thoáng đãng và cây cầu Cần Thơ nối dài hai bờ sông, phát sáng rực rỡ giữa trời đêm.
Cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội
Cầu Vĩnh Tuy đang giữ kỷ lục là cây cầu rộng nhất Việt Nam hiện nay và mang vẻ đẹp rất hiện đại. Cầu có tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu dài 5.8km. Ngoài ra, cầu còn có tuyến nhánh kết nối với hệ thống giao thông trong khu vực. Đây là mạng lưới giao thông quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Bắc – Nam sông Hồng.
Cầu Rồng, Đà Nẵng
Cây cầu mang thân hình con rồng bay trên sông Hàn, thân uốn lượn, đầu ngẩng cao đầy kiêu hãnh với chiều dài 666m được báo chí nước ngoài ca ngợi trong suốt thời gian vừa qua.
Cầu Rồng là công trình dựa theo hình tượng rồng thời Lý – triều đại trị vì Việt Nam suốt hơn 1000 năm. Đúng 21 giờ tối, cầu Rồng sẽ có màn phun nước và lửa rất độc đáo. Ngoài đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân hai bờ sông Hàn, cầu Rồng được “Hiệp hội cầu đường thế giới” ghi nhận là cây cầu độc đáo nhất Việt Nam.
(Theo Dân trí)
|