Thu hoạch lúa trời ở Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Cậu lái xuồng kiêm hướng dẫn viên vườn quốc gia có nụ cười rất tươi và nước da rám nắng, có lẽ đã chuẩn bị kỹ cho sự kiện này, chỉ tay: “Anh xem đi, bình minh Đồng Tháp Mười đấy, đẹp không?”
Tôi nhìn theo hướng chỉ của cậu hướng dẫn viên. Có một cảm giác khó tả dâng lên làm tôi ngạt thở. Tôi đã từng ngắm bình minh ở nhiều vùng đất khác nhau nhưng chưa từng chứng kiến một cảnh sắc đặc biệt như thế này. Tôi ngẩn ngơ nhìn quả cầu lửa khổng lồ như vừa hiện ra từ một câu chuyện thần thoại với những vầng hào quang đủ màu, rực rỡ từ từ nhô lên khỏi màu xanh bất tận của rừng tràm. Cả một vùng sông nước chợt hồng lên như có phép tiên. Bình minh hắt lên mặt nước bàng bạc hơi sương những mảng màu muôn vẻ: vàng tươi hồng cam, trắng sáng - một sự pha trộn màu sắc kỳ tài của tạo hóa. Tôi lặng đi. Trong cuộc đời, có lẽ tôi chưa bao giờ gặp một cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời đến vậy.
Chưa hết ngạc nhiên về bình minh ở Tràm Chim, xuồng chúng tôi lọt vào giữa một vùng sông nước mênh mông của Đồng Tháp Mười, như lọt giữa một bức tranh thủy mặc muôn hình, muôn màu, muôn sắc của một họa sĩ ấn tượng. Tôi như mê đi trong thảm hoa vàng rực của loài rong cán và sửng sốt trước cánh đồng bất tận hoa sen. Hình như tất cả vẻ đẹp của vương quốc sen đều tập trung ở đây.
Dân gian có câu “Tháp Mười đệ nhất sen” có thể vì lẽ đó. Sen trắng, sen hồng, sen nửa trắng nửa hồng đua nhau khoe sắc. Trong không khí êm dịu, thuần khiết của thiên nhiên hoang sơ cùng mùi hương dịu ngọt của hoa sen, không biết người đồng hành cảm thấy thế nào, với riêng tôi, thú thật, tôi có cảm giác như vừa được bay lên tận cõi thiên đường.
Nhưng Tràm Chim không chỉ đẹp ở vẻ đẹp kiêu sa, vương giả của hoa sen. Giản dị và dân dã hơn một chút là vẻ đẹp hoa súng. Tôi nhận rõ điều đó khi chiếc tắc ráng vượt qua một đoạn kênh được coi là vương quốc của hoa súng. Xuất thân từ một vùng quê Bắc bộ, vốn quen thuộc với hoa súng, tôi thật sự ngạc nhiên về hoa súng vùng Đồng Tháp Mười. Bông hoa súng ở đây to gấp mấy lần bông hoa súng quê tôi. Hoa có cánh dày, xếp thành nhiều lớp, rất bề thế. Nhưng điều đặc biệt nhất khiến tôi kinh ngạc là sự phong phú của màu hoa. Hoa súng trắng tinh khiết mà giản dị. Hoa súng tím dịu dàng như màu áo bà ba thủy chung của một cô thôn nữ miệt vườn. Hoa súng phai e ấp một màu tím nhạt mơ màng rất lãng mạn.
Theo lời kể của người dân ở đây, hoa súng là loại thân mềm nhưng có sức sống mạnh mẽ. Gieo mình lặng lẽ trong đất, nhưng khi mùa nước lũ tràn qua, nước vươn cao đến đâu, hoa súng vươn theo tới đó, một biểu tượng cho sức sống của người miền Tây. Đắm mình trong không khí mát mẻ của buổi sớm mai, ngắm những bông hoa súng qua làn nắng mỏng, trên cánh hoa còn đọng giọt sương đêm, đón mùi hương dìu dịu của nó, tôi bắt gặp cả mùi hương thơm nồng nàn của cỏ mật, mùi hăng hắc của bùn non. Có cảm giác như cái hồn quê mộc mạc giản dị của vùng châu thổ bất chợt len lỏi trong lòng, thấm vào từng thớ thịt…
Cậu lái xuồng cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi:
- Bông súng không chỉ là hoa đâu anh. Bông súng còn là món ăn đặc biệt của bà con đồng bằng sông Cửu Long. Anh không tin à? Vậy trưa nay, bọn em sẽ đãi anh món bông súng mắm kho - món đặc sản của Đồng Tháp Mười.
Không! Sao tôi lại không tin. Tôi đã nhiều lần được thưởng thức những món ăn chế biến từ bông súng. Ngoài bông súng mắm kho, còn nhiều món ăn bình dân khác dùng bông súng làm nguyên liệu. Canh chua bông súng nấu với bông điên điển và cá rô đồng hoặc cá linh. Gỏi bông súng tôm thịt ăn với bánh phồng tôm... Tất cả đều là những món ăn dân dã, độc đáo và khoái khẩu.
2. Nhưng bây giờ chưa phải lúc quan tâm đến các món ăn. Với tôi, những trải nghiệm kỳ thú của chuyến du khảo vẫn nằm ở phía trước. Với ý nghĩ ấy, tôi giục cậu dẫn đường cho xuồng đi nhanh hơn. Chiếc xuồng nhanh chóng vượt qua cánh đồng đặc hữu sen và súng, tiến sâu vào ruột khu Ramsar. Chỉ tay vào khoảng xanh miên man trước mặt, cậu dẫn đường giọng hứng khởi: Phía trước là cánh đồng lúa ma đó các anh ơi!
Tôi ngẩn người. Chao ơi! Lúa ma là đây sao? Tôi nhiều lần nghe tên lúa ma nhưng đây là lần đầu chạm mặt. Sách đỏ ghi lại rằng lúa ma, còn gọi lúa trời, là một trong thảm thực vật quý hiếm gồm 130 loài, 6 kiểu quần xã: sen súng, lúa trời, năn, cỏ ống, mồm móc, rừng tràm… ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Lúa ma được bảo tồn ở đây hiện còn khoảng gần 1.000ha. Lúa ma gắn liền với lịch sử khai khẩn đất đai của người dân phương Nam và là nguồn sống quan trọng của cư dân lưu lạc đến mảnh đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh” này từ hàng thế kỷ trước.
Tồn tại trong một môi trường đặc biệt, cây lúa ma có một sức sống kỳ lạ. Lúa ma chịu phèn tốt và đặc biệt có khả năng vượt lũ đặc biệt. Cứ nước lũ dâng đến đâu, lúa vươn cao đến đó. Suốt mùa nước ngập, khi các loại thực vật khác chết sạch thì cây lúa ma vẫn kiêu hãnh vươn lên. Lúa ma có thể vượt độ ngập sâu đến 5m để tồn tại suốt mấy tháng ròng. Nhưng không chỉ tồn tại một cách cam chịu, cây lúa ma còn có thể trổ đòng, ngậm hạt rồi chín. Đây là một trong những nguồn chủ yếu cung cấp thức ăn cho nhiều loài động thực vật trong hệ sinh thái ngập nước của vườn quốc gia.
Có vẻ đoán được những suy nghĩ của tôi, cậu hướng dẫn viên cười, thông tin thêm:
- Lúa ma thường chín vào tháng 12, giữa mùa nước nổi. Mỗi khi chín chỉ chín vài hạt và chỉ chín vào ban đêm (có thể do vậy mà có tên lúa ma). Khi thu hoạch phải dùng xuồng. Dụng cụ thu hoạch không phải là chiếc hái, máy gặt mà là những chiếc nê bồ và sào tre. Người ta dùng nê bồ làm tấm chắn đặt giữa xuồng. Hai bên xuồng cắm 2 cây sào để gạt mạnh các bông lúa vào nê bồ. Hạt lúa ma nhỏ nhưng thơm và có vị ngọt. Tiếc là các anh không đến vào dịp mùa lúa chín.
Vâng! Du lịch vào mùa lúa chín có thể sẽ được đi gặt lúa ma, ăn cơm lúa ma, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân Tháp Mười. Nhưng đó là chuyện sau này, còn bây giờ, cái tôi quan tâm không chỉ là giá trị nguyên sơ ấy của trời đất.
Tất cả dòng suy nghĩ của tôi hướng vào tìm hiểu vòng đời kỳ lạ của cây lúa ma. Vòng đời ấy bắt đầu với những hạt lúa không được thu hoạch sẽ rụng xuống nước. Nhưng nó không chết. Nó tiếp tục vòng luân hồi bằng cách cắm đuôi vào lòng đất và ẩn mình suốt mùa nước lũ. Sau đó là mùa khô hạn. Nhưng không phải như những con chim ẩn mình chờ chết. Ngay khi trời mưa xuống, hạt lúa lại bật mầm. Và lại vươn lên vào mùa lũ mới, tiếp tục dòng đời ngoan cường của mình, làm nên sức sống bất diệt của Đồng Tháp Mười…
Vì sao lúa ma có khả năng kỳ diệu như vậy? Chưa ai giải thích điều đó. Chỉ biết, theo các nhà khoa học lúa ma là loại thực vật đặc biệt chỉ còn sót lại vài nơi trên thế giới. Trong đó, loại có thể sống được suốt 2 mùa mưa, khô, chịu ngập lũ hàng thước nước mà vẫn vươn lên, làm đòng, trổ bông thì chỉ có ở Tràm Chim.
Cũng theo các nhà khoa học, Tràm Chim Tháp Mười, là diện tích cuối cùng của lúa ma đúng nghĩa còn lại trên địa bàn Đông Nam Á. Bảo tồn diện tích lúa ma, không chỉ có ý nghĩa bảo tồn nguồn gien. Đi xa hơn, nhiều nhà khoa học cho rằng đây có thể là điểm xuất phát vô cùng quý giá, là cơ sở khoa học để nghiên cứu lai tạo cho ra đời một giống lúa mới. Giống lúa này, biết đâu, có thể sẽ là giống lúa giúp đối mặt với thảm họa biến đổi khí hậu mà Việt Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất. Và nếu ý tưởng lãng mạn ấy trở thành hiện thực, cây lúa ma sẽ viết tiếp câu chuyện thần thoại của nó với các thế hệ hôm nay.
3. Nhưng trước khi viết tiếp câu chuyện thần thoại về cây lúa độc nhất vô nhị được gọi là hạt ngọc của trời này, tôi có điều kiện chiêm nghiệm một bất ngờ khác của Tràm Chim khi chiếc tắc ráng luồn qua những rừng tràm rậm rạp nối dài tít tắp.
Tôi như bất chợt lạc vào một thế giới lạ lẫm trong tiếng chim chóc gọi bầy, trong tiếng vỗ cánh chấp chới của đàn cò trắng, mà theo cậu hướng dẫn viên, có đến hàng chục ngàn con, bởi nơi đây vốn được coi là vườn cò lớn nhất Đồng Tháp Mười. Tôi như mê đi giữa bát quái trận đồ của thế giới các loài chim biết tên và không biết tên, mà theo sách vở có đến 231 loài, trong đó 13 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ, cùng chung sống hòa bình.
Còn theo các nhà khoa học, Tràm Chim là nơi nhiều loại chim sinh sống như ô tác, te vàng, già đãy, ngan cánh trắng, diệc lửa, cồng cộc, bồ nông, giang sen, le le, choi choi, đại bàng đen, các loại cò quắm, cò thìa, cò trắng, cò bợ… Đặc biệt hơn cả là sếu đầu đỏ, thuộc họ hạc, còn gọi là hồng hạc nổi tiếng thế giới, một trong 15 loài hạc quý hiếm đang được đặc biệt bảo vệ.
Được biết, sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất thế giới trong các loại chim bay. Sếu có thể cao đến 2m, lông sáng mượt, chân và cổ cao, có đôi cánh dang rộng khi bay. Sếu còn độc đáo bởi tiếng kêu vang xa, có thể từ 2 - 3km nhờ cái khí quản dài như chiếc kèn Prompet.
Theo các tài liệu ghi lại, sếu đầu đỏ là loại chim đã xuất hiện trên trái đất cách nay 60 triệu năm, cùng kỷ với loài bò sát khổng lồ. Đây là loài chim di cư, thường về Tràm Chim vào tháng giêng, tìm bạn tình vào tháng 5. Chọn Tràm Chim vì đây là mô hình sinh thái lý tưởng cho sự trú ngụ của sếu, có nguồn thức ăn sếu rất ưa thích là cây năn kim. Và “đất lành chim đậu”. Sếu đầu đỏ hiện được xem là đặc sản của Tràm Chim Đồng Tháp Mười. Rất tiếc, thời gian gần đây, sếu đầu đỏ về Tràm Chim ngày càng ít đi.
Cậu dẫn đường bất chợt hỏi tôi:
- Anh đã bao giờ thấy ở đâu nhiều chim như ở đây chưa? Lát nữa anh sẽ có dịp chiêm ngưỡng vương quốc các loài chim trên lầu vọng cảnh. Nhưng có một thiệt thòi. Anh sẽ không được thưởng thức vũ điệu huyền ảo của hoa hậu các loài chim: sếu đầu đỏ.
Tôi chưa kịp trả lời thì chiếc tắc ráng đã cập bên bờ kênh. Cậu dẫn đường cột xuồng vào gốc cây và cười:
- Các anh có 30 phút.
Vâng! Chúng tôi có 30 phút. Tôi tần ngần leo lên từng bậc thang trên lầu vọng cảnh. Nhưng có lẽ sẽ là thừa. Tất cả vẻ đẹp của Tràm Chim, những bất ngờ của vườn quốc gia đã được chúng tôi tận hưởng trên suốt hành trình khám phá khu Ramsar. Trước mắt tôi, bây giờ chỉ là vẻ khoáng đạt của một màu xanh mênh mông và chấp chới những cánh chim bay các loại. Ánh bình minh lấp lóa xuyên qua màn sương sớm tạo ra một không gian huyền ảo và đầy ắp sắc màu đẹp như trong chuyện cổ tích. Rồi tất cả bỗng nhòa đi. Chẳng hiểu sao trong mắt tôi chỉ còn đọng lại một vũ điệu duy nhất: vũ điệu của loài sếu. Tôi ngỡ mình bồng bềnh bay lên cùng với những cánh hạc trong sương.
Trong tiếng tấu nhạc, nửa như kêu nửa như hót đắm đuối của các nhạc công, đàn sếu xếp thành vòng tròn xòe cánh chấp chới bay lên với những điệu múa huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng. Có cảm giác như tôi đang lạc bước vào một lễ hội thần thoại ở một thế giới khác và dường như cả trời đất, mây nước, cây cỏ, ánh bình minh của Tràm Chim đều chung chiêng theo vũ điệu hư hư thực thực của các vũ công sếu - những vưu vật của tạo hóa - một bất ngờ thú vị mà không phải chuyến đi nào cũng có thể có được.