Chéo tay uống rượu theo kiểu “khát vọng” của người Thái ở Điện Biên. Ảnh: NGÂN MINH
161 ngôi nhà mới
Vậy mà sáng nay, tiết trời dịu mát làm cho con đường đèo quanh co uốn khúc từ thành phố Điện Biên Phủ đến huyện Mường Áng như thêm đẹp dịu dàng, một bên là cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang trổ bông trĩu hạt, một bên là vực sâu thăm thẳm, đồi núi chập chùng, xa xa những mái nhà sàn của bà con người Thái ẩn hiện sau màu xanh cây lá.
Dưới vực sâu, hiện rõ những con đường mòn ngoằn ngoèo màu đất đỏ trên đỉnh đồi màu xanh trùng điệp đẹp như tranh vẽ. Anh Phong, cán bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Điện Biên, người hướng dẫn chúng tôi đi hôm đó cho biết đó là những con đường kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, nay trở thành những con đường lịch sử. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi... Những lời hát hào hùng một thời trong bài ca Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân chợt dâng lên trong tôi, mà từ lâu tôi chỉ nghe chứ chưa hề thấy con đường kéo pháo gian nan như thế này.
Tại trụ sở Huyện ủy huyện Mường Áng, tiếp chúng tôi có ông Trương Quang Hải, Phó Bí Thư thường trực Huyện ủy; ông Cà Văn Chọi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Phó Bí thư Thường trực Trương Quang Hải vui mừng cho biết: “Huyện Mường Áng được thành lập từ năm 2006, tách ra từ huyện Tuần Giáo cũ, là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên.
Hôm nay được đón đoàn MTTQ TPHCM đến trao tặng 17 nhà Đại đoàn kết cùng với 17 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần cho bà con nghèo, góp phần giúp địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, thật vô cùng quý báu, nhưng quý hơn nữa, đó là tấm lòng của bà con TPHCM đối với người nghèo tỉnh Điện Biên”.
Tại buổi lễ trao nhà đại đoàn kết, ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ TPHCM, bày tỏ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ tròn 60 năm, nhưng tính lịch sử, thời sự Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp vẫn còn vang vọng mãi cho đến hôm nay và muôn đời sau. Đây là niềm tự hào dân tộc, cả nước học tập và tôn vinh những giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có nhân dân TPHCM.
Thể hiện tấm lòng tri ân đối với địa phương, với người dân nơi làm nên chiến thắng lừng lẫy, bà con TPHCM mong mỏi được đóng góp một phần nhỏ bé, giúp bà con nghèo Điện Biên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, cùng xây dựng một Điện Biên xứng tầm cao chiến thắng rạng ngời lịch sử và niềm tự hào của nhân dân cả nước”.
Không chỉ 17 hộ được nhận nhà vui mừng, mà tất cả những người có mặt ai cũng vui khi thấy nụ cười rạng rỡ của 17 hộ khi nhận ngôi nhà mới.
Giã từ rẻo cao
Chúng tôi đến thăm làng cà phê của bà con người Mông tại xã Ẳng Nưa huyện Mường Áng mà người dân nơi đây gọi là làng tỷ phú. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những vườn cà phê xanh mượt bạt ngàn nối tiếp nhau chạy dài đến ngút mắt. Bên cạnh vườn cà phê là những ngôi nhà sàn hoành tráng, lộng lẫy, nhấp nhô những cột ăng ten ti vi, xe ô tô, xe máy dập dìu trên khắp ngõ đi lối về.
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Mùa Sủa Tòng gặp lúc ông đang nấu khạp rượu, cất nước “hà nàm”. Ông hào sảng mời chúng tôi nhấp môi chén rượu nồng nàn còn nóng hổi, ông nói mình nấu để nhà uống thôi, không bán.
Ông Mùa Sủa Tòng tâm sự: “Hơn 15 năm trước, bà con người Mông ở bản Ho Xa tuốt trên đỉnh đèo Pha Đin, cuộc sống từ đời ông sang đời con đời cháu, không có ngày nào sung sướng, cái nghèo cứ triền miên đeo bám. Năm 1998, 15 hộ người Mông nghe theo lời kêu gọi của Nhà nước giã từ rẻo cao, xuống vùng xuôi lập nghiệp, nhờ vậy mới có được như ngày nay. Ông Mùa Sủa Tòng khoe: “Căn nhà này tôi mới xây dựng hơn một tỷ đồng, trong nhà không thiếu thứ gì. Cũng nhờ cà phê mấy năm nay trúng mùa, có giá. Cà phê nhân 50.000 đồng/kg, mỗi năm thu hoạch cũng vài trăm triệu đồng”.
Nghe ông Mùa Sủa Tòng nói chuyện toàn tiền tỷ sao nghe nhẹ nhàng, dễ dàng quá, gọi làng tỷ phú quả không sai. Nhưng để có được như ngày nay quả không đơn giản chút nào. Ông Lầu Vá Mua, một tỷ phú hàng xóm của ông Mùa Sảng Tòng, cho biết: “15 năm trước, nơi đây là 20ha rừng quy hoạch trồng cà phê, nhưng bà con người Thái sống nơi này không ai chịu nhận, vì trước kia cũng một thời trồng cà phê, rồi thất bại, đốn bỏ như cây mắc ten xuất sang Liên Xô và Đông Âu để ép dầu.
Khi thị trường Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, thì cây mắc ten cũng đổ theo. Bởi vậy, nhớ lại viễn cảnh cũ, nên không ai can đảm tham gia trồng cà phê”. Những ngày đầu thành lập làng cà phê, 15 hộ người Mông giã từ bản Ho Xa xuống đây lập nghiệp, vì trên đó chỉ có những mùa đông lạnh thấu xương và những cơn gió Lào nóng cháy khi mùa hạ. Những ngày đầu thật khổ, tự bươn chải trong cái đói khổ thiếu thốn trăm bề.
Đã có hai hộ người Mông không chịu nổi khổ cực, đành quay về đỉnh đèo Pha Đin lộng gió Lào. Ông Lầu Vá Mua mấy lần cũng định quay về bản Ho Xa nhưng khi nghĩ lại mấy đời rồi, nhà có ai đủ ăn đủ mặc, thôi thì ráng ở lại, hơn nữa cây cà phê cũng đã lên cao rồi. Đất thương người thủy chung. Qua mấy mùa thu hoạch cà phê, đến lúc thu hoạch, ngồi đếm tiền có nằm mơ cũng không thấy.
15 năm trước, Mường Áng chỉ có 20ha cà phê của bà con người Mông, bây giờ đã có 3.120ha cà phê, vì người Thái thấy trồng cà phê làm giàu, nên mọi người hăng hái cùng trồng.
Ing lả ơi - xao nọng ời
Về Điện Biên mà chưa được cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng mời chén rượu nồng nàn với tay choàng ngang vai “khát vọng” và câu hát êm đềm như rót mật vào tai Ing lả ơi - xao nọng ời (tiếng Thái: anh ơi, em ơi) là kể như chưa đến Điện Biên, thậm chí chưa qua đèo Pha Đin...
Câu nói ngọt ngào của cô gái Thái tại bản Ten ngay trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, khi rót rượu mời khách, chỉ thoáng nghe qua thôi, cái chất lãng mạn, ngọt ngào cùng với nụ cười lúm đồng tiền duyên dáng, hỏi ai mà đành lòng từ chối. Đôi tay mềm mại mà cớ sao ngỡ như tấm lụa đào cứ quấn chặt không thể nào rời.
Rượu cứ mời, môi cứ mềm, đôi tay cứ choàng nhau “khát vọng”. Mà phải nói bà con ngoài này có kiểu mời rượu nhau thật độc đáo mà thân tình. Một tay cầm chung rượu chéo tay nhau, một tay ôm chặt đôi vai, hỏi vậy làm sao say rượu, chỉ say tình bạn bè thâm giao khi câu hát thỏ thẻ bên tai, khiến chân bước về không nỡ.
Mới đó mà chúng tôi đã chia tay Điện Biên Phủ rồi, nhưng tiếng hát Ing lả ơi - xao nọng ời nhẹ nhàng mà sâu lắng, tựa như gió vi vu từ đại ngàn, nơi có những đường kéo pháo lịch sử cứ thổi bên tai. Thành phố Điện Biên Phủ dần khuất dưới làn mây trắng. Đâu đó, tôi hình dung có 161 ngôi nhà mới xây xong, 161 gia đình với niềm vui nhà mới. Niềm vui ấy sẽ được nhân rộng, khi mà bà con TPHCM luôn hướng về Điện Biên bằng cả tấm lòng tri ân thấm đượm nghĩa tình.