- Châu bản triều Nguyễn vừa UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, để hiểu hơn về kho tư liệu vô giá này, VietNamNet đã có buổi trò chuyện với GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Là người trực tiếp nghiên cứu về Châu bản triều Nguyễn rất nhiều năm, cảm xúc của ông thế nào trước thông tin Châu bản triều Nguyễn vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương?
- Đây là tin rất vui không chỉ đối với các nhà khoa học mà còn với tất cả người Việt Nam, đối với di sản văn hóa Việt Nam. Như vậy là Châu bản triều Nguyễn của chúng ta đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và rồi đây chắc chắn chúng ta sẽ đề nghị nâng cấp lên thành di sản tư liệu toàn thế giới.
Tính đến nay, Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012). Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới từ nay có thêm một nguồn sử liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của cộng đồng. Bởi thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, các di sản tư liệu sẽ có nhiều cơ hội để phát huy giá trị của tài liệu và ngày càng đến gần hơn với công chúng.
Giáo sư có thể giới thiệu kỹ hơn về kho tài liệu vô giá này?
- Trong 11 vương triều từ đời Ngô sau khi giành độc lập cho tới triều Nguyễn thì chỉ có triều Nguyễn may mắn còn giữ lại được một kho tàng Châu bản đồ sộ. Theo đánh giá của GS Trần Kinh Hòa, số lượng Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ đến nay chỉ khoảng 1/5 khối lượng vốn có vì những mất mát qua chiến tranh, những hư hại do thời gian và điều kiện bảo quản không tốt. Thế mà số Châu bản còn lại gồm 773 tập từ đời vua Gia Long đến vua Bảo Đại. Di sản quý giá này hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước. Đây là một kho tư liệu vô cùng quý hiếm trên nhiều phương diện.
Châu bản là những văn bản quốc gia có dấu Châu phê bằng mực màu son đỏ của chính nhà vua cùng với các loại dấu ấn của vương triều. Theo chế độ của nhà Nguyễn, bản gốc lưu giữ tại Nội các và từ bản gốc này “phụng sao” các bản gửi đến các bộ và cơ quan thực thi của vương triều. Vì vậy về mặt văn bản học, kho Châu bản này là bản gốc, là độc bản. Trên từng tờ Châu bản còn lưu giữ chữ Châu phê của các Hoàng đế cùng dấu ấn của triều đình. Đấy là giá trị hết sức độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị của Châu bản.
Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều loại như chiếu, khải, lệnh, chỉ, tấu, quốc thư… Đó là một nguồn sử liệu gốc vô cùng quý giá phản ánh tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của nhà nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Trong Châu bản có rất nhiều tờ tấu của các bộ, các cơ quan của triều đình và của các tỉnh tâu báo lên nhà vua, cung cấp những thông về tình hình biến động mọi mặt của đất nước.
Các bộ chính sử của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện… đều dựa trên cơ sở nguồn tư liệu này để biên soạn, nhưng chỉ mới khai thác được một phần nhỏ thông tin của Châu bản. Đặc biệt, Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh mối quan hệ của nước ta với các nước láng giềng như Trung Quốc, Ai Lao, Chân Lạp, các nước trong khu vực và cả một số nước phương Tây như Pháp, Anh, Tây Ban Nha… qua bang giao hay mậu dịch. Châu bản còn là một nguồn tư liệu với niên đại cụ thể cho phép nghiên cứu về kỹ thuật làm giấy, chữ viết văn bản và bút tích các Hoàng đế triều Nguyễn, các loại ấn chương…
Tóm lại Châu bản là một di sản văn hóa phi vật thể vô giá, thuộc loại không những “quý hiếm” mà còn là “duy nhất”, “độc bản” còn được bảo tồn đến nay.
Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng, thưa ông?
- Trong Châu bản triều Nguyễn có một loại tài liệu có giá trị đặc biệt, đó là những tờ Châu bản liên quan đến chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Có 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này. Nội dung của các văn bản là triều Nguyễn đã sử dụng thủy quân kết hợp với đội Hoàng Sa hàng năm ra Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… Những hoạt động đó chứng tỏ nhà Nguyễn đã nắm quyền quản lý và thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia đối với hai quân đảo này.
Hơn thế nữa, đây là những văn bản mang tính quốc gia với Châu phê của Hoàng đế và dấu ấn của vương triều. Đó là những văn bản mang giá trị kép, vừa là tư liệu lịch sử, vừa là những bằng chứng pháp lý. Chúng ta có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền lâu đời và liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó những Châu bản triều Nguyễn là những bằng chứng có giá trị lịch sử và pháp lý rất cao.
Thực ra chúng ta đã trình hồ sơ lên UNESCO, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trước đây và ngày họp xét cũng được ấn định từ trước, nhưng thời điểm công nhận lại trùng với thời gian diễn ra sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi hạ đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Biển Đông đang dậy sóng, cả nước đang dấy lên phong trào đấu tranh kiên quyết bảo về chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rất có ý nghĩa. Châu bản triều Nguyễn là những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ giá trị quốc gia nay được nâng lên tầm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nên giá trị và ý nghĩa càng nâng cao, nhất là về mặt pháp lý.
Vậy việc phát huy giá trị của Châu bản triều Nguyễn có ý nghĩa như thế nào đối với giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc?
- Công việc nghiên cứu và bảo quản Châu bản triều Nguyễn đã được Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước tiến hành từ nhiều năm nay. Sau khi được vinh danh, công việc bảo quản bền vững cần được tiếp tục, nhưng mặt khác công việc phát huy giá trị cần được quan tâm nhiều hơn.
Từ mấy năm nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã sao chụp và in vào đĩa CD để bảo vệ bản gốc và mở rộng việc khai thác trên đĩa CD. Đó là việc làm kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến khai thác. Có thể nói nghiên cứu về thời kỳ lịch sử nhà Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu hầu như liên quan đến mọi lĩnh vực.
Trong thập kỷ vừa qua, Trung tâm cũng đã hợp tác với một số nhà khoa học tiến hành lập mục lục Châu bản kèm theo những trích yếu cần thiết và đã xuất bản được hai tập, tiếp tục công việc mà Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dưới sự chỉ đạo của GS Trần Kinh Hòa đã khởi đầu.
Công việc này theo tôi cần triển khai nhanh hơn, cung cấp một công cụ tra cứu cho các nhà khoa học. Công việc trưng bày giới thiệu có tính chuyên đề về Châu bản như về chữ Châu phê, về ấn chương, đặc biệt là về chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường Sa… cũng cần được tiếp tục và mở rộng hơn để công chúng được chia sẻ quyền hưởng thụ giá trị của loại di sản văn hóa độc đáo này. Đó là những phương thức để phát huy giá trị của Châu bản trong nghiên cứu lịch sử và trong giáo dục truyền thống.
- Xin cảm ơn giáo sư!
T.Lê
http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/175668/chu-quyen-hoang-sa-trong-chau-ban-trieu-nguyen.html