Dân Việt - Dừa nước, loài thực vật mọc hoang dày đặc ven bờ sông, rạch miền sông nước Cửu Long. Thân cây dừa nước mọc ngang dưới lòng đất, chỉ có lá và cuống hoa mọc lên trên mà thôi.
Không ít câu ca dao đã xuất hiện hình tượng cây lá này:
"Lội ngang đám dừa nước, bước tới rặng trâm bầu/ Bứt lá cà bắp thắt đầu kỳ lân
Thương thì em hứa một lần/ Để anh lên xuống trần thân như vầy!"
Dừa nước ven sông
Nhiều đoạn rạch nhỏ, dừa nước mọc dày đọt giao nhau làm cho con sông đen ngòm, cả ngày không thấy mặt trời. Những nơi ấy, ngày trước nghĩa quân Trương Công Định lợi dụng để giáng cho bọn Lang sa xâm lược những trận thất đởm kinh tâm:
"Gò Công anh dũng tuyệt vời/ Ông Trương đám lá tối trời đánh Tây."
Và cũng từ lâu người dân miền Tây tận dụng hết công suất từ cây dừa nước để phục vụ cho đời sống của mình. Với lá non hình trụ tròn vươn thẳng, dân gian gọi là cà bắp. Cà bắp nở lá thành tàu. Lá già ngả dần sang màu xanh đậm. Lá dừa nước thì lợp nhà. Những mái lá dừa nước đã là nơi trú ngụ của biết gia đình nông dân xứ này, trở thành nét văn hóa đặc trưng.
Nhà lợp lá xé, tức là lá đốn để nguyên cọng, xé đôi rồi lợp thành mái. Mái nhà lợp lá này dày cả tấc, ở mát rượi. Tuy cách lợp này khá tốn lá, khó lợp nhưng ở được vài ba năm là chuyện thường.
Quài dừa nước
Đơn giản hơn là rọc lá, dùng cọng xống dừa nước đó chẻ cọng chằm thành tấm, người Khmer gọi là là cần đốp, hoặc chằm đốp. Nhà lợp lá nhà mái mỏng hơn lá xé và ngoài đòn tay còn phải thả thêm rui cho dày mới lợp được chắc chắn.
Cọng lá dừa nước già được dùng chẻ mỏng, phơi khô rồi vót, bện thành tấm đăng để dở chà bắt cá. Những tấm đăng ngang mương, xẻo lúc nước lớn để giữ cá, đến khi nước ròng thì tát nước bắt chúng phục vụ bữa ăn cho con người.
Bụp bè thì xắn, chẻ lấy dây. Dây phơi khô để sẵn trong nhà khi hữu sự mang ra xài. Dân gian gọi tắt là dây dừa. Dây dừa dùng để buộc xuồng, ghe, cột trâu, bò, … Dây dừa bện thành quai chèo để chèo ghe, hay quai thành vàm để máng ách trâu cày, …
Bông dừa nước
Người ta cũng có thể đốn cà bắp xé đôi ra róc lấy lạt. Lạt cà bắp dùng để chằm lá, để chẻ buộc bánh, …
Lá cà bắp cũng được dùng để gói bánh. Bánh gói từ nếp, nhưn (nhân) chuối hoặc nhưn đậu dừa đã trở thành món ăn vừa no vừa đậm đà chất dân dã hương quê.
Bông cái dừa nước nở rộ thành chùm ở đầu cụm hoa hình cầu, hoa đực màu đỏ hoặc vàng dạng đuôi sóc trên những nhánh kế sau. Khi hoa đã thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như một quả bóng đường kính cỡ hai tấc rưỡi đến ba tấc gọi là quài dừa.
Nhà lợp lá dừa
Trái dừa nước là một trong những món ăn quen thuộc đối với tuổi thơ của trẻ em vùng quê dân dã. Thấy quài dừa đã cúi xuống, theo kinh nghiệm người ta đoán biết cơm dừa đã hình thành và đã đến độ vừa ăn thì đốn về.
Cơm dừa hay cùi dừa có màu trắng, mang vị béo và ngọt. Nếu dừa non thì nước nhiều, cơm dừa mỏng, kêu là cháo, ăn không đã miệng. Ngược lại dừa già, cơm cứng, nhai kêu xựt xựt mỏi miệng lại không ra gì!
Bánh dừa nước.
Dừa vừa ăn được đập tách ra khỏi quài rồi dùng dao chẻ hai, lấy muỗng múc cơm dừa ra ăn ngay. Cầu kỳ hơn người ta lấy cơm dừa ra rồi trộn thêm ít đường, nước đá đập nhuyễn vào giải khát buổi trưa hè.
Hơi phèn mặn dường như còn phảng phất theo trái quê đó. Theo Đông y, dừa nước có công dụng tương đương như dừa xiêm. Nó ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam.
Lá cần đốp.
Các bộ phận khác của lá dừa nước nếu không xài được thì trở thành thứ củi đốt rất đậm nhiệt. Chính nó đã là nguyên liệu không thể thiếu cho mỗi gia đình khi bắt tay chuẩn bị bữa cơm hay đám tiệc, …
Từ một loại cây hoang, với trí tuệ tuyệt vời của người bình dân, cây dừa nước đã đi vào đời sống của người bình dân miệt đất Chín Rồng vừa tự nhiên vừa đậm đà nét đẹp văn hóa dân gian.
Út Tẻo - Dân Việt
|